Thái Lan được gì sau 4 lần tổ chức Asiad?
Trong lịch sử Asiad, Thái Lan dẫn đầu về số lần tổ chức với bốn lần đóng vai nước chủ nhà vào các năm 1966, 1970, 1978 và 1998. Việc tổ chức Asiad nhiều lần như vậy có thật sự giúp Thái Lan nâng cao vị thế (cả thể thao lẫn kinh tế)?
Thái Lan được gì sau 4 lần tổ chức Asiad?
Để những người đóng thuế nói lên quan điểm của mình về sự kiện liên quan đến người dân cả nước này, từ hôm nay Tuổi Trẻ sẽ lần lượt đăng tải các ý kiến bạn đọc, chuyên gia thể thao, kinh tế… xung quanh câu chuyện này.
Trong lịch sử Asiad, Thái Lan dẫn đầu về số lần tổ chức với bốn lần đóng vai nước chủ nhà vào các năm 1966, 1970, 1978 và 1998. Việc tổ chức Asiad nhiều lần như vậy có thật sự giúp Thái Lan nâng cao vị thế (cả thể thao lẫn kinh tế)?
Vào những năm 1960-1970, nền thể thao Nhật Bản hoàn toàn bỏ xa các quốc gia còn lại ở châu Á về đẳng cấp. Xếp ngay sau Nhật Bản trên phương diện thể thao thời điểm đó chính là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, mà Thái Lan là một trong số đó.
Điều này đã khiến Chính phủ Thái Lan quyết tâm đầu tư mạnh cho thể thao và năm 1966 họ lần đầu giành quyền đăng cai Asiad, với giấc mơ sẽ bứt phá để cùng Nhật dẫn đầu châu Á.
Thể thao: chỉ làm mưa làm gió ở “vùng trũng”
Thời điểm đó thể thao của Thái Lan vẫn kém hơn so với Philippines và kỳ Asiad 1966 thật sự đã giúp họ tạo nên bước ngoặt trong việc qua mặt các nền thể thao khác trong khu vực.
Liên tục bốn kỳ Asiad từ năm 1966-1998, Thái Lan đã đạt được mục tiêu qua mặt các nước khu vực Đông Nam Á, nhưng giấc mơ sánh vai cùng Nhật thì không thể khi chỉ xếp hạng 6, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi không còn là chủ nhà, Thái Lan bị đánh bật ra khỏi top 10, như tại Asiad 1982 diễn ra ở Ấn Độ.
Đó là thành tích xét trong khu vực châu Á, còn trên phương diện thế giới, thể hiện cụ thể qua các kỳ Olympic, thành tích của Thái Lan cũng không hề tương xứng với thương hiệu của một quốc gia “đăng cai Asiad nhiều lần nhất”.
10 năm sau lần đăng cai Asiad 1966, Thái Lan mới có được tấm huy chương đầu tiên ở Olympic 1976. Và 20 năm sau Thái Lan mới có tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử ở môn boxing.
Đây là một nghịch lý nếu so sánh với Hàn Quốc, quốc gia đã phải “bán cái” quyền đăng cai Asiad 1970 cho Thái Lan, nhưng chỉ đến năm 1976 Hàn Quốc đã có tấm HCV Olympic đầu tiên và kể từ Olympic Los Angeles vào năm 1984, Hàn Quốc chính thức đi vào top 10 của làng thể thao thế giới.
Hiện nay thể thao Thái Lan được xem là số một Đông Nam Á, nhưng bước ra khỏi khu vực này họ cũng chỉ là một quốc gia bị xem là “thể thao vùng trũng”!
Mới nhất, tại Asiad 2010, họ hoàn toàn bị Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và thậm chí cả Kazakhstan, quốc gia chưa từng đăng cai Asiad lần nào, bỏ xa.
Ở tầm thế giới cũng không khá hơn. Dù liên tục giành được HCV từ Olympic năm 1996-2008 nhưng thành tích của thể thao Thái Lan ở Olympic cũng chỉ gói gọn trong hai môn boxing và cử tạ.
Tại Athens năm 2004, họ giành được ba tấm HCV với một từ boxing và hai từ cử tạ nhưng đến Olympic London 2012, Thái Lan chỉ còn giành được hai HCB và một HCĐ.
Kinh tế: thắt lưng buộc bụng vì Asiad
Những con số thống kê ở trên cho thấy bốn lần đăng cai Asiad chỉ giúp thể thao Thái Lan vươn lên đứng đầu khu vực “vùng trũng” Đông Nam Á chứ chẳng hề đưa họ tiến thêm bước nào ở đẳng cấp thế giới hay châu lục.
Trong khi đó, những lần tổ chức Asiad luôn tạo ra một bài toán khó về kinh tế cho Thái Lan.
Theo thống kê của tác phẩm Kinh tế và những tác động xã hội từ việc tổ chức các đại hội thể thao (The economic and social impacts of hosting selected international games), Thái Lan đã lỗ nặng ở kỳ Asiad 1998.
Những năm 1997-1998, Thái Lan chính là quốc gia khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á khiến họ phải đối mặt với tình trạng thắt lưng buộc bụng kỷ lục trong công tác tổ chức kỳ Asiad lần thứ 13-1998.
Cụ thể, chi phí tổ chức Asiad của Thái Lan năm đó là 2,67 tỉ baht và họ đã thu về được 2,73 tỉ baht từ các khoản tiền bản quyền truyền hình, bán vé, dịch vụ và tài trợ (chiếm đến hơn 1 tỉ baht).
Nhưng mặt khác, trước đó Thái Lan đã phải đầu tư đến 19,3 tỉ baht cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tức cuối cùng họ phải tốn đến hơn 19,2 tỉ baht (khoảng 600 triệu USD) cho công tác chuẩn bị kỳ Asiad 1998.
Chấp nhận nộp phạt, không đăng cai Asiad 2019 Đó là lựa chọn của đa số bạn đọc Tuổi Trẻ, tính đến 17g ngày 24-3-2014. Tại cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc trên tuoitre.vn về việc nên hay không nên đăng cai Asiad 2019, tính đến chiều hôm qua đã có 2.716 lượt ý kiến. Trong đó, có 2.254 lượt ý kiến chọn phương án “chấp nhận nộp phạt, không đăng cai Asiad 2019”, 426 lượt ý kiến chọn “vẫn đăng cai Asiad 2019” và 36 lượt chọn “ý kiến khác”. Mời bạn đọc tiếp tục bày tỏ quan điểm về việc này trên tuoitre.vn |
HUY ĐĂNG