09/01/2025

Học, làm việc căng thẳng dễ mắc bệnh lao

Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200.000 người mắc bệnh lao và trên 18.000 người chết do bệnh lao. TS.BS Trần Ngọc Bửu, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết:

 

Học, làm việc căng thẳng dễ mắc bệnh lao

Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200.000 người mắc bệnh lao và trên 18.000 người chết do bệnh lao. TS.BS Trần Ngọc Bửu, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết:

Học căng thẳng, ngủ không đủ giấc dễ làm trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe - Ảnh: Thuận Thắng

 

 

“Tôi xin nhắc lại người mắc bệnh lao không nhất thiết phải có triệu chứng ho khạc mà có khi chỉ thấy sụt cân, mệt mỏi. Khi có những triệu chứng này, người bệnh cần đi khám ngay, không nên để lúc có ho khạc rõ ràng mới đi khám có khi đã trễ, lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn và nếu có bình phục chức năng hô hấp cũng bị ảnh hưởng”

 

– TP.HCM là TP có số dân cao nhất trong các tỉnh thành cả nước, dân nhập cư ở độ tuổi đi học, lao động nhiều nên số bệnh nhân mắc bệnh lao ở TP cũng có độ tuổi trẻ hơn so với các tỉnh, thành khác. Theo thống kê năm 2013, tại TP.HCM có gần 16.000 người mắc bệnh lao. Khác với suy nghĩ của nhiều người là chỉ những người lao động nghèo khổ, sống ở những khu nhà ổ chuột mới dễ mắc bệnh lao, tại TP.HCM vẫn có nhiều học sinh, sinh viên, giới công chức có cuộc sống đủ đầy vẫn bị mắc bệnh lao.

Việt Nam có khoảng 40% dân số bị nhiễm lao. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm lao cũng bị mắc bệnh lao mà chỉ có 5-10% những người nhiễm lao mắc bệnh lao. Đó là lúc hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm như sau khi mắc bệnh sởi ở trẻ em, nhiễm HIV, ăn uống thiếu thốn, học và làm việc căng thẳng, dùng một số thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường, loét dạ dày tá tràng… sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao sinh sôi và gây bệnh.

 

 TS.BS Trần Ngọc Bửu – Ảnh: Thùy Dương

* TS có thể giải thích tại sao những người học tập, làm việc căng thẳng lại dễ mắc bệnh lao?

 

– Những người học, làm việc trong tình trạng không thoải mái kéo dài khi bị nhiễm lao dễ trở thành bệnh lao là do luôn ở trạng thái căng thẳng (stress). Cụ thể, với trẻ mà phụ huynh tạo áp lực phải xếp hạng nhất nhì, luôn đạt được điểm 9,10 khiến trẻ căng thẳng. Trong trạng thái đó, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách hệ thần kinh kích thích tiết ra chất làm tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng nhưng chất này cũng khiến các phản ứng miễn dịch của cơ thể bị giảm. Lâu dài, vi trùng lao bị nhiễm trước kia vốn nằm im trong cơ thể sẽ sinh sôi và gây bệnh lao. Điều đáng lo ngại là những người này khi bị mắc bệnh thường phát hiện bệnh trễ vì cho rằng mình ăn uống đầy đủ, sống trong môi trường sạch sẽ không thể mắc bệnh lao.

* Việt Nam mới chỉ phát hiện được hơn 70% số người mắc bệnh lao hiện có, có nghĩa còn gần 30% số người bệnh lao vẫn chưa được phát hiện?

– Báo cáo của y tế thế giới đã ghi nhận như thế. Nguyên nhân đến từ hai phía người mắc bệnh và nhân viên y tế. Nhiều người đến khi được chẩn đoán mắc bệnh lao nhưng vẫn không tin. Vì thế khi có những dấu hiệu cảnh báo như sụt cân, sốt nhẹ về chiều, đau ngực, ho khạc đàm… vẫn không đi khám bệnh mà tự mua hoặc đến hiệu thuốc yêu cầu bán thuốc uống tạm. Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp người bệnh có khạc vi khuẩn lao trong đàm nhưng lại cho rằng mình không có dấu hiệu ho khạc! Nhân viên y tế không nghĩ đến bệnh lao sớm nên còn chậm trễ hoặc bỏ qua xét nghiệm chẩn đoán lao ở người bệnh. Một số người bệnh lao nhưng không muốn đăng ký điều trị trong hệ thống chương trình chống lao quốc gia mà chọn y tế tư nhân điều trị…

Để giải quyết vấn đề này, tại TP.HCM hệ thống y tế công – tư đang phối hợp để quản lý được số người mắc bệnh lao chính xác hơn. Ngoài ra, chương trình phòng chống lao TP.HCM tiếp tục công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, cập nhật kiến thức cho các thầy thuốc ngoài mạng lưới chương trình chống lao quốc gia để người bệnh có ý thức đi khám bệnh sớm, còn thầy thuốc sẽ lưu ý đến bệnh lao hơn.

* Người dân cho rằng phòng chống lao là trách nhiệm của ngành y tế, điều này có đúng không thưa ông?

– “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”. Đây cũng là chủ đề của Việt Nam hưởng ứng Ngày phòng chống lao thế giới 24-3 trong năm 2014. Bệnh lao không chừa ai hết và bệnh lao là bệnh xã hội nên trách nhiệm phòng chống bệnh này là của toàn xã hội chứ không riêng ngành y tế.

THÙY DƯƠNG