25/11/2024

Loay hoay với xe buýt

Tại buổi họp báo của Sở GTVT TP.HCM về hoạt động xe buýt, vẫn chưa có giải pháp đột phá để giúp phương tiện công cộng này an toàn và thân thiện hơn với người dân. Tách làn, nâng cao văn hoá giao thông, giảm sức ép cho tài xế… là những “điệp khúc” tiếp tục được nêu ra tại buổi họp báo

 

Loay hoay với xe buýt

Tại buổi họp báo của Sở GTVT TP.HCM về hoạt động xe buýt, vẫn chưa có giải pháp đột phá để giúp phương tiện công cộng này an toàn và thân thiện hơn với người dân. Tách làn, nâng cao văn hoá giao thông, giảm sức ép cho tài xế… là những “điệp khúc” tiếp tục được nêu ra tại buổi họp báo do Sở GTVT TP.HCM tổ chức ngày 21-3. Tuy nhiên, những giải pháp này có vẻ lép vế trước thực trạng hạ tầng giao thông quá tải của TP.
Xe buýt nổi trội trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: Quang Định

 

Xoay quanh hoạt động xe buýt trên địa bàn TP.HCM, cuộc họp báo nóng lên với những câu hỏi về những tai nạn chết người, vấn đề hạ tầng giao thông kém và những giải pháp để xe buýt không còn là “hung thần” đối với người dân TP.

Xe buýt bịt đường xe máy

 

“Sở Giao thông vận tải TP đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ảnh những trường hợp lái xe chạy ẩu. Đặc biệt, khuyến khích người dân chụp hình hay ghi hình những tài xế vi phạm để làm căn cứ xử phạt”

Ông Dương Hồng Thanh

 

Theo ông Dương Hồng Thanh – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, từ ngày 1-1 đến 10-3-2014, toàn TP xảy ra 11 vụ tai nạn xe buýt, trong đó 3 vụ do người đi xe máy đâm vào phía sau xe buýt làm 3 người bị thương, 2 vụ do va chạm giữa xe hai bánh với nhau và té vào xe buýt, làm bị thương 2 người, 1 vụ do lỗi kỹ thuật của xe buýt làm bị thương 1 người, 4 vụ do va chạm giữa xe máy và xe buýt làm chết 1 người và bị thương 3 người, 1 vụ do lỗi chủ quan của lái xe làm chết 1 người.

Về nguyên nhân khách quan, sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân mà đặc biệt là xe máy, trong khi diện tích mặt đường phát triển không đáng kể. Xe buýt không có làn đường dành riêng mà phải lưu thông cùng với các phương tiện khác và khi ra vào trạm để đón trả khách, xe buýt phải lưu thông vào làn xe hỗn hợp nên gây xung đột trực tiếp với làn xe máy.

Về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận lái xe chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông khi điều khiển xe buýt như phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành hành khách, vượt đèn đỏ, ra vào trạm nhanh… UBND TP đã có quy định một số quyền ưu tiên lưu thông của xe. Tuy nhiên, một số lái xe lạm dụng quy định như để xe buýt lưu thông chung làn với xe hai bánh trong một khoảng thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Thái độ phục vụ của lái xe chưa tốt, ứng xử trên đường trong quá trình lưu thông như nhấn còi liên tục, ra vào trạm đột ngột, xe buýt vượt nhau… làm hình ảnh xe buýt trở nên không tốt trong mắt người dân, gây ức chế đối với người dân. Ngoài ra, ý thức của người tham gia giao thông còn chưa tốt, có trường hợp uống rượu bia điều khiển phương tiện và té ngã vào xe buýt dẫn đến tai nạn giao thông.

 

Đa số tuyến đường ở TP.HCM không phù hợp với giải pháp tách làn riêng dành cho xe buýt  – Ảnh: Quang Định

 

Tách làn: chờ vốn

Ông Thanh cho biết xe buýt ở TP.HCM mỗi ngày vận chuyển trên 1 triệu lượt hành khách. Theo các kết quả khảo sát, khoảng 70% người dân TP mong muốn xe buýt chạy đúng giờ với một tốc độ hợp lý. Với điều kiện giao thông như hiện nay, việc này chỉ có thể thực hiện được nếu có được làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Về lâu dài, cần phải quy hoạch hạ tầng giao thông dành cho xe buýt. Trước mắt, tách cho xe buýt đi làn đường riêng ở những tuyến đường có điều kiện như đường rộng, có nhiều làn xe.

Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP đã đề xuất bố trí đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, do việc nâng cấp cầu Kiệu trong năm 2013 nên việc này sẽ thực hiện khi cầu Kiệu thi công hoàn tất. Trước đó năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với dự án “Nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh BRT tại TP.HCM”. Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã đề xuất tám đoạn đường dành riêng cho xe buýt và đã chọn, thiết kế cơ sở và chi tiết tuyến xe buýt nhanh BRT thí điểm Bến Thành – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi – bến xe An Sương. Tuy nhiên, dự án mới chỉ là nghiên cứu đề xuất chứ chưa có vốn để thực hiện.

Hiện nay Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị TP đang thực hiện dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM” với vốn vay của Ngân hàng Thế giới để xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT hoạt động trên trục đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ từ bến xe miền Tây về Cát Lái.

NGỌC ẨN – MẬU TRƯỜNG

 

 

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (trưởng khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Cần an toàn, không vì tốc độ

Người dân ngán ngại và gọi xe buýt là “hung thần” bởi tai nạn do xe buýt gây ra đang có xu hướng gia tăng và nhiều trường hợp rất thương tâm. Vấn đề quan trọng là làm sao tăng mức độ an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn chứ không phải là làm cho nó chạy nhanh hơn. Do vậy, trước mắt không nên gây sức ép tâm lý cho tài xế về việc phải đúng giờ xuất và về bến vì chính điều này làm các tài xế phải đua, lạng lách, chèn ép giành đường, từ đó gây ra tai nạn. Giãn thời gian cho tài xế có thể nhà xe thiệt một chút nhưng đổi lại được nhiều cái lợi hơn, như an toàn (không phải đền bù, giải quyết hậu quả), tăng uy tín, thu hút người sử dụng xe, tạo hình ảnh thân thiện trong mắt người dân.

* Ông Nguyễn Ngọc Binh (chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải số 28):

Quá 10 phút bị cắt trợ giá

Tài xế xe buýt chịu nhiều áp lực như xe bị trễ quá 10 phút so với quy định sẽ không được thanh toán tiền trợ giá của chuyến đó nếu không có lý do chính đáng. Ban chủ nhiệm hợp tác xã thường xuyên nhắc nhở anh em lái xe phải hết sức thận trọng khi chạy xe trên đường, nhất là vào giờ cao điểm. Ngoài ra trong thời gian tới, đơn vị sẽ xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí cho những xe bị trễ giờ và không được thanh toán tiền trợ giá để chia sẻ bớt áp lực về thời gian với lái xe.

 

 

 

Va chạm với xe buýt, 1 người nguy kịch

ThS.BS Trịnh Quốc Minh, phó trưởng khoa ngoại lồng ngực – mạch máu – thần kinh Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), cho biết đến chiều 21-3, bệnh nhân Lý Quang Thái (35 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn đang được bác sĩ hồi sức tích cực. Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân Thái được đưa vào bệnh viện trong tình trạng chảy máu, sưng nề vùng đầu; hôn mê, mạch nhanh và huyết áp hơi thấp. “Hiện bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng rất nguy kịch và chưa thể nói trước điều gì” – bác sĩ Minh nói.

Trước đó khoảng 15g ngày 20-3, anh Thái đi xe máy từ đường Hiền Vương hướng đến ngã tư Lê Khôi – Hiền Vương (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú). Đến ngã tư trên, xe anh Thái va chạm với một xe buýt (mã số tuyến 32, Hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng quản lý) do tài xế Mai Tấn Sỹ (ngụ Q.Tân Phú) điều khiển đang lưu thông trên đường Lê Khôi hướng ra đường Nguyễn Sơn. Anh Thái được xe cấp cứu chuyển vào Bệnh viện quận Tân Phú, do chấn thương nặng nên chuyển ngay đến Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương. Cơ quan chức năng cũng có mặt ngay sau đó để kiểm tra hiện trường, làm rõ vụ việc.

M.MẪN – N.ẨN

 

___________________

 

Ông Phạm Văn Đông – Ảnh: Q.Thanh

 

Nhiều giải pháp không mất tiền

Ông PHẠM VĂN ĐÔNG, trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp cho “vấn nạn” xe buýt.

Ông Đông nói: Một trong những biện pháp căn cơ, có tính bền vững lâu dài là bố trí làn đường dành riêng cho hoạt động của xe buýt, vừa đảm bảo giờ giấc chạy xe tốt hơn, vừa đảm bảo an toàn hơn, như nhiều nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường ở nội thành TP.HCM có diện tích mặt đường hạn chế nên biện pháp này gần như không thể triển khai.

* Nhưng theo ông, trước mắt có thể làm ngay được những gì để bớt đi những cái chết thương tâm dưới bánh xe buýt?

– Ngoài vấn đề luồng tuyến cần phải rà soát để bố trí hợp lý hơn, cần tiếp tục tận dụng mọi điều kiện để cải thiện hạ tầng hoạt động của xe buýt. Ví dụ như quy hoạch hợp lý các trạm, nhà chờ đón trả khách. Ở những nơi xe cộ đông thì không nên bố trí các trạm đón trả khách, đồng thời chọn những địa điểm phù hợp để xây dựng các điểm đón trả khách an toàn (có những khoảng trống được khoét sâu vào phía trong lề đường, kiểu giống như một vài điểm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Đặc biệt, điểm then chốt chính là ý thức của đội ngũ tài xế xe buýt, phải thật sự thể hiện nét văn minh trong tham gia giao thông. Tuy điều kiện hạ tầng giao thông ở TP đã quá tải, còn nhiều khó khăn nhưng các tài xế xe buýt phải thật sự tôn trọng các quy tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho những người đi đường, nhất là lúc đón trả khách. Hình ảnh rất phản cảm của một số xe buýt có thể bắt gặp khi ra đường chính là hiện tượng các bác tài cố vượt lên để ghé trạm đón trả khách trước các xe buýt khác, gây mất an toàn và trật tự giao thông; hay không cho xe dừng hẳn để khách lên xuống, xe không cập sát lề đường đúng quy định… Đây là những việc đâu cần phải đầu tư tiền bạc mới cải thiện được, mà tất cả đều nằm ở ý thức của mỗi người.

TP đã có nhiều cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về quản lý và điều hành giao thông công cộng nhưng không áp dụng được vào thực tiễn TP thì thật sự khó lý giải. Học thì đã học hết rồi, vấn đề còn lại là có quyết tâm làm hay không và làm được đến đâu. Tất nhiên, điều kiện hạ tầng giao thông TP còn nhiều bất cập, hạn chế nên có những biện pháp không dễ dàng triển khai.

QUỐC THANH