“Không có toa-lét thì không có cô dâu”
Tờ Christian Science Monitor đưa ra top 10 quốc gia có nhiều “quận công” nhất của thế giới. Trong đó, Ấn Độ đứng thứ nhất khi có đến 636 triệu người (54%) sống trong quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới đi tiêu ngoài trời.
“Không có toa-lét thì không có cô dâu”
Tờ Christian Science Monitor đưa ra top 10 quốc gia có nhiều “quận công” nhất của thế giới. Trong đó, Ấn Độ đứng thứ nhất khi có đến 636 triệu người (54%) sống trong quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới đi ỉa ngoài trời. Phóng viên tờ C.S Monitor cho biết vào năm ngoái tình hình này đã gây căng thẳng đến mức tại một số bang, nhiều cô dâu đã tuyên bố: “Không có toa-lét thì không có cô dâu” !!
Tệ nạn nông thôn lẫn thành thị
Có lẽ vì hai từ hố xí vô tội là điều cấm kỵ (taboo) nên đã bị phân biệt đối xử, không được chú ý và đầu tư đúng mức. Tại sao “đi tiêu” hay “đi ị”, làm chức năng bài tiết, rất bình thường như ăn, như ngủ… lại bị coi là thô tục trong hầu hết các nền văn hoá?
Có vẻ như con người trong lịch sử lâu đời của mình đã coi trọng rất nhiều thứ, trừ hố xí. Hệ lụy của sự né tránh này đã đẻ ra một con số có thể làm tất cả mọi người giật mình. Tổ chức viện trợ Nước của châu Mỹ đưa ra một con số thống kê khá kinh hoàng: thế giới hiện có 2 tỷ rưỡi người (chiếm 40%) đi tiêu ở những nơi mất vệ sinh, không an toàn như ngoài đồng hay những nơi công cộng khác.
Nỗi bất tiện này không chỉ riêng ai! Thế giới đã nhận ra, thói quen đi tiêu ngoài đồng là di sản văn hoá chứ không chỉ là hậu quả của kinh tế. Loài người vốn sống trong hoang dã trước khi có lều, có nhà. Cho nên, nếu một người châu Âu phải quay mặt đi khi thấy hay gặp một người tè bậy hay tiêu đồng thì ở một số quốc gia, việc đó đã trở nên bình thường.
Tờ Christian Science Monitor (Người giám sát khoa học Thiên chúa giáo) đưa top 10 quốc gia có nhiều “quận công” nhất của thế giới:
10/ Niger: theo WHO, 4 trong 5 người Niger đi tiêu đồng. 9/ Brazil: khoảng 13 triệu người Brazil đi tiêu ngoài trời (WHO), mặc dù chỉ chiếm 7% dân số nhưng Brazil là một nước công nghiệp phát triển nên con số này cũng làm nhiều người ngạc nhiên. 8/ Nepal: quốc gia dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ và là danh thắng số 1 của thế giới có 52% dân số, tức 29 triệu. 7/ Sudan: 17 triệu, tức 41% dân số. 6/ Nigeria có 33 triệu người trong số 151 triệu người sống ở nước đông dân nhất châu Phi này. 5/ Pakistan: có 48 trong số 177 triệu người. 4/ Ethiopia: 49 triệu tức có 7 trong số 10 người sống ở nông thôn nước này không dùng hố xí trong nhà và cho đến nay, mới chỉ có 12% số dân có hố xí hợp vệ sinh. 3/ Trung Quốc: có 50 triệu người làm “quận công”, chỉ chiếm có 4% số dân. Do đời sống khấm khá hơn cho nên hàng năm có 19 triệu người mua bệ xí tự hoại, nhiều gấp đôi Mỹ ( theo Los Angeles Times). Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có người sống ở thành thị đi ỉa ngoài (6%) nhiều hơn ở nông thôn (2%). 2/ Indonesia: 58 triệu người (26%) không dùng toa-let. 1/ Ấn Độ: 636 triệu người (54%) sống trong quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới đi tiêu ngoài trời. Phóng viên tờ C.S Monitor cho biết vào năm ngoái tình hình này đã gây căng thẳng đến mức tại một số bang, nhiều cô dâu đã tuyên bố: “Không có toa-lét thì không có cô dâu”. Xin mời xem lại phim được giải Oscar Triệu phú ổ chuột sẽ thấy cảnh hố xí kinh hoàng ở một thành phố Ấn Độ.
WTO (World Toilet Organisation) có lẽ quên hoặc vì lý do nào đó không đưa con số “quận công” người Việt lên bảng… phong thần. Nhưng nếu một quốc gia có văn hoá lâu đời và rực rỡ như Trung Quốc hay Ấn Độ mà còn bị đưa vào top 10 tiêu đồng của thế giới thì chúng ta chưa nên tự sướng là mình đã văn minh.
Cái hố xí tự hoại vệ sinh có lẽ được người Pháp đưa sang. Còn trước đây, trong ngôn ngữ người Việt, đi tiêu hay nói văn vẻ là đại tiện thường được gọi là “đi đồng”, “đi ngoài” (go outdoor), có thể có cái hố gì đó bên ngoài nhưng phần chắc là “một chỗ trống” khuất mắt mà thôi. Cánh đồng là nơi thoáng mát nên hầu hết người Việt trước đây đều ra đồng để giải toả. Không những thế mà họ còn “nghiện”, “nhất quận công nhì ỉa đồng”. Không xấu hổ, không ai chê cười ai, không ai làm khó cho ai.
Không có thống kê chính xác nhưng miền Bắc sau cách mạng Tháng Tám, do nhu cầu phân bón cao và có thói quen dùng “phân bắc”, chính quyền đã vận động nông dân làm hố xí hai ngăn.
Có thể nói “hố xí hai ngăn” đã đánh dấu một giai đoạn văn minh mới khi hạn chế được cảnh ỉa đồng, sử dụng được nguồn phân người mà chính văn hào Victor Hugo trong tác phẩm Những người khốn khổ đã viết hẳn cả mấy chục trang sách cổ vũ, tránh lãng phí một nguồn phân vô cùng to lớn của thành phố Paris bị đổ phí hoài xuống sông Seine!
Cho đến nay, đa số nông dân miền Bắc vẫn dùng “hố xí hai ngăn” vì họ vẫn giữ thói quen ủ phân người bón ruộng. Ở miền Nam thì số lượng “cầu tõm” đã bớt được rất nhiều, nông dân đã dần dần biết tới “hố xí tự hoại” khi xây nhà mới.
Cuộc sống người Việt ở nông thôn tối tăm đã đành. Nhưng dân thành thị cũng không khá gì hơn. Nạn hố xí thùng với đội quân đi hốt phân người trong thành phố rồi mang rao bán ở ngoại thành chỉ mới chấm dứt khoảng năm mười năm lại đây ngay ở thủ đô và Hải Phòng.
Mẹ tôi từ Nghệ Tĩnh ra, nghe đài phát thanh Hải Phòng truyền đi lời ông bí thư Đoàn Duy Thành kêu gọi xóa hố xí thùng, coi đó là một “nhiệm vụ chính trị quan trọng”. Bà nói với tôi: “Ông bí thư này khá, không nổ những điều cao xa mà biết chăm lo cho cái sự đi ị của nhân dân…”
Tôi nói chuyển lời khen của bà già cho ông Thành, ông vui vẻ nói: “Tại sao lại phải kiêng cữ ?? Lo đầu vào cho dân đã khó, lo đầu ra lại càng khó hơn !!”.
Nhưng nạn “outdoor” (tiêu đồng) không chỉ có trong dân mà buồn thay, vẫn còn được cơ quan nhà nước nuôi dưỡng. Mỗi ngày hàng chục hàng trăm đoàn tàu loại bình dân ra Bắc vào Nam, dọc đất nước. Hành khách xả phân của mình vào những cái lỗ (được treo biển toilet), phân người theo đoàn tàu phát tán ra khắp nơi trên đường thiên lý.
Hố xí khổng lồ
Hầu hết người sống trong nội thành Hà Nội đều có hố xí tự hoại hợp vệ sinh. Nhưng nói không sai, người Hà Nội thanh lịch hiện nay vẫn đi tiêu đồng! Vì hàng triệu cái hố xí ấy sạch sẽ, thơm tho nhưng lại đổ vào cái bể phốt mênh mông là sông Tô Lịch. Con sông 15 cây số chở qua chở lại một dung dịch đặc sệt, đen ngòm, hôi thối không kém gì hố xí hai ngăn trong lòng Hà Nội. Dòng nước ấy là chất thải chưa được xử lý của mấy triệu người dân nội thành.
Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè sau những năm TP.HCM nỗ lực cải tạo, giờ đã trở thành dòng kênh xanh sạch và thơ mộng
Cũng hoàn cảnh tương tự nhưng sau hàng chục năm nỗ lực, TP.HCM đã xử lý được kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, có lẽ với công trình này, người dân Sài Gòn mới thật sự được dùng hố xí hợp vệ sinh! Nếu Hà Nội cũng nỗ lực dồn sức vào việc xử lý sông Tô Lịch thì tiếng thơm cũng sẽ để đời!
Đã có một bài vè về chuyện ngôi nhà năm tầng không có hố xí. Bởi vì người Việt thường có máu sĩ, những cái gì đẹp nhất, sang nhất, tốt nhất đều dùng cho phòng khách để khoe khoang. Ngay mới đây ông hiệu phó trường THCS ở Cà Mau còn thanh minh cho việc thiếu hố xí cho học sinh: “Trường còn nhiều việc phải làm, mà phải ưu tiên cái mặt tiền trước ?!”.
Bởi vì người Việt cái gì cũng ưu tiên cho đàn ông, ít quan tâm đến phụ nữ. Đàn ông ngồi vắt vẻo tiếp khách nhà trên cho nên phòng khách phải đẹp phải sang, không hề biết phụ nữ đang phải vật lộn với cái bếp, cái hố xí, cái chuồng trâu chuồng bò ở nhà dưới.
Mặt tiền, phòng ốc các thầy phải sang, hố xí của học trò nhỏ như con thỏ! Bởi vì nhiều người Việt chúng ta có tập quán dùng phân bắc, có thói quen sống chung với những mùi lạ, nói trắng ra là quen với cái bẩn, không tính được cái lợi tốn tiền làm hố xí nhưng bớt được tiền mua thuốc.
Vận động nhân dân xây hố xí hợp vệ sinh cam go không hẳn do người dân nghèo. Nếu là một người châu Âu với số tiền hạn chế thì người ta sẽ xây một cái hố xí tử tế trước, dựng một cái lều tạm rồi sau đó mới tính chuyện kiếm tiền xây nhà.
Còn một người Việt thì ngược lại. Người ta sẵn sàng vay tiền thuê thợ đắp hình chim bồ câu, vẽ nghê, đắp rồng, rước bằng khen, làm cổng chào, kỷ niệm một năm, hai năm khánh thành nhà trường, cơ quan nhưng không hề nhớ tới cái hố xí chưa có hoặc có nhưng không thể dùng được.
Mỗi toa tàu chỉ cần gắn thêm một cái hộp đựng phân, nhưng bao năm người ta không chịu làm, phải chăng nghĩ phân đã được bánh xe tàu nghiền nát, theo gió đưa đi, không quan tâm!
Mỗi toa tàu chỉ cần gắn thêm một cái hộp đựng phân, nhưng bao năm người ta vẫn không chịu làm…
Có lẽ nạn “outdoor” đã đủ để giải thích một trong những nguyên nhân không thể chối cãi về những ngôi làng gọi là làng thạch tín, làng tiêu chảy hay làng ung thư! Theo bước Jack Sim, hãy trả lại ngôi cho hố xí trên mọi bàn nghị sự! Chúng ta không thể cho nạn ỉa đồng dưới dạng này hay dạng khác được tiếp tục đầu độc cuộc sống!
Hởi Anh hùng môi trường, người đang ở đâu ??