Ca nhạc truyền hình sống lại?
Vài triệu cho đến khoảng 20 triệu đồng/cặp vé xem live show ca nhạc trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại đã làm sống lại mảnh đất ca nhạc truyền hình từng bị “la ó” nhiều năm về trước.
Ca nhạc truyền hình sống lại?
Nhờ truyền hình mà Hiền Thục lần đầu có live show cá nhân sau 25 năm ca hát trong chương trình Dấu ấn tháng 3-2014 – Ảnh: Gia Tiến
Việc xuất hiện của “gương mặt mới” Tôi tỏa sáng (truyền hình trực tiếp lúc 20g30 thứ bảy tuần thứ ba mỗi tháng trên VTV9, bắt đầu từ ngày 15-3) phần nào cho thấy ca nhạc truyền hình đang lúc hồi sinh, giành lại thị phần đã mất từ tay trò chơi truyền hình và truyền hình thực tế.
“Thứ bảy ca nhạc” trên VTV9
“Chỉ những chương trình ca nhạc truyền hình, nơi nhà sản xuất có được nguồn thu từ nhà tài trợ và quảng cáo, mới đủ sức làm nên “điều kỳ diệu” cho những giọng ca chưa gặp thời hoặc đã qua thời đó” |
Bởi ngoài Tôi tỏa sáng (live show dành cho ca sĩ trẻ do K-Media phối hợp VTV9 tổ chức với sự góp mặt của Noo Phước Thịnh và Minh Hằng ở số đầu tiên), hiện VTV9 đã chật lịch phát sóng vào tối thứ bảy với các chương trình ca nhạc: Dấu ấn (truyền hình trực tiếp lúc 20g30 thứ bảy tuần đầu tiên của tháng), Âm nhạc & bước nhảy (truyền hình trực tiếp lúc 20g30 thứ bảy tuần thứ hai của tháng) và Tình khúc vượt thời gian (truyền hình trực tiếp lúc 20g30 thứ bảy tuần thứ tư của tháng).
Đó là chưa kể Câu chuyện âm nhạc, chương trình nhạc xưa theo chủ đề được thực hiện tại phòng trà, đang tạm dừng để “mông má” lại cho hấp dẫn hơn và có thể sẽ lên sóng VTV9 ở tối chủ nhật.
Ngoài những chương trình tương đối mới, thu hút được nhiều người xem trên VTV9 còn có nhiều chương trình “thâm niên” khác trên HTV: Thay lời muốn nói, Nhịp cầu âm nhạc, Còn mãi với thời gian. VTV cũng duy trì Bài hát yêu thích và Bài hát Việt với mục đích không chỉ tôn vinh các giọng ca hay, ca khúc bất hủ mà còn cả những nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm…
Thỏa hiệp với… truyền hình
Ở thời vàng son của ca nhạc truyền hình khoảng chục năm về trước, không ít đơn vị tổ chức ca nhạc, nhạc sĩ và cả ca sĩ tỏ ý không đồng tình, thậm chí tẩy chay hình thức này, vì cho rằng việc thực hiện ồ ạt các chương trình ca nhạc truyền hình (không bán vé, phát sóng cho hàng triệu người xem, trả cátsê cho những người thực hiện theo “khung của nhà đài”) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các chương trình bán vé và khai thác kinh tế qua việc bán vé.
Hơn nữa, việc thưởng thức âm nhạc qua truyền hình, với những người sành điệu là một sự “đi xuống” của văn hóa thưởng thức âm nhạc.
Vật đổi sao dời, nay thì rất nhiều ca sĩ dù thâm tâm không mấy hào hứng nhưng thực tế thì không hợp tác sẽ khó có một live show cho riêng mình.
Ca sĩ Hiền Thục là một ví dụ. Cô đã có 25 năm ca hát nhưng chưa từng có live show cá nhân nào bởi ngoài việc phải tính toán cho bài toán lời – lỗ khi làm sô thì việc tự mình dấn thân vào công việc sản xuất một chương trình là điều không phải ca sĩ nào cũng can đảm thực hiện.
“Số tiền bỏ vào live show mà biết chắc sẽ lỗ thì thà lấy mua hột xoàn đeo còn hơn, ít ra còn có của hồi môn cho con gái” – Hiền Thục từng đùa.
Nỗi lòng của Hiền Thục cũng là nỗi lòng của không ít ca sĩ. Vậy nên có một đơn vị đầu tư và thực hiện toàn bộ chương trình cho riêng mình, không cần tính toán thu – chi, lại còn được nhận thù lao như Dấu ấn thì… tại sao không?
Hơn nữa, thường ca sĩ đương thời, ca sĩ ngôi sao mới đủ tự tin và điều kiện làm live show. Cơ hội cho những ca sĩ trẻ, những ca sĩ đã bước vào “đại lộ hoàng hôn” gần như bằng không.
Chỉ những chương trình ca nhạc truyền hình, nơi nhà sản xuất có được nguồn thu từ nhà tài trợ và quảng cáo, mới đủ sức làm nên “điều kỳ diệu” cho những giọng ca chưa gặp thời hoặc đã qua thời đó.
Giấc mơ sân vận động
Có rất nhiều lý do khiến ca nhạc truyền hình thoái trào vào ngày trước. Nhưng lý do chính vẫn là “kinh phí có hạn” (tầm 100-200 triệu đồng/chương trình) khiến các chương trình chỉ một màu, rập khuôn, ngày càng cũ kỹ.
Vậy nên, trong lần “sống lại” này, dễ thấy các nhà sản xuất chịu khó đầu tư hơn từ định dạng, phân khúc, nội dung cho đến hình thức.
Theo cô Thùy Nga, giám đốc K – Media, Tôi tỏa sáng sẽ là một trong những chương trình “đinh” của K – Media trong năm nay với sân khấu mô hình kim cương hoành tráng (rộng 130m², làm bằng kính chịu lực) kèm theo phần dàn dựng kỹ lưỡng cho từng tiết mục biểu diễn để hỗ trợ hết mức cho những giọng ca trẻ (vốn hơi yếu ở kỹ thuật hát, cần nhiều yếu tố trình diễn để hỗ trợ).
Trong khi đó, Jet Studio – đơn vị sản xuất Âm nhạc & bước nhảy và Tình khúc vượt thời gian - lại quyết định bán vé cho khán giả đến xem trực tiếp (đây cũng là hai chương trình ca nhạc truyền hình duy nhất có bán vé), dùng tiền bán vé cộng vào tiền tài trợ và tiền quảng cáo để giữ chất lượng cho các chương trình.
Cô Nguyễn Ngọc Trân Châu, giám đốc Jet Studio, chia sẻ: “Khán giả vẫn sẽ bỏ tiền mua vé dù chương trình có truyền hình trực tiếp nếu chương trình được đầu tư cẩn thận, ca sĩ hát tốt. Dù sao cảm giác xem, nghe tại chỗ vẫn mang đến nhiều thích thú cho người yêu nhạc hơn. Vả lại, chương trình lên sóng khoảng hai tiếng nhưng “ngoài sóng”, các ca sĩ “đinh” của chương trình thường vẫn nán lại hát thêm theo yêu cầu của khán giả, giao lưu, chụp hình, ký tên lưu niệm với người hâm mộ…”.
Cái lợi lớn nhất của ca nhạc truyền hình là phục vụ được hàng triệu bạn xem đài. Và cái bất lợi lớn nhất cũng là số đông đó không được thưởng thức một cách trọn vẹn cái đẹp của âm nhạc (âm thanh trung thực từ giọng hát và nhạc cụ) khi phải qua các thiết bị lọc, truyền dẫn còn nhiều hạn chế của truyền hình.
Mà khán phòng tại chỗ để thực hiện một live show ca nhạc truyền hình hiện nay tối đa chỉ chứa khoảng 3.000 người. Vậy nên đã có một “âm mưu vĩ đại” là sẽ đưa các chương trình ca nhạc truyền hình ra sân vận động với mong muốn phục vụ “sống” tại chỗ cho hơn 10.000 khán giả cùng hàng triệu khán giả xem đài. Và nghe đâu “giấc mơ” đang trong hồi thương thảo…
QUỲNH NGUYỄN
Cách “chữa tạm” Sự trở lại của ca nhạc truyền hình trong giai đoạn này là cách “chữa tạm” trong lúc chưa có hình thức nào mới mẻ hơn. Các chương trình vẫn sẽ phục vụ được số đông khán giả nhưng đường dài sẽ rất khó bởi hầu hết chương trình thế này đều không mang lại tiếng tăm hoặc tiếng tăm nhiều hơn nữa cho ca sĩ, doanh thu cũng không thuộc mức hời để nhà sản xuất hay nhà đài từ chối những chương trình khác (sau này) mang lại nguồn thu tốt hơn. Đạo diễn PHẠM HOÀNG NAM |