10/01/2025

Làm anh khó đấy!

Không khó sao được khi 25 tuổi nhưng Lý Thành Nhiên (ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) đã nhiều năm lo toan từng bữa ăn giấc ngủ cho cha mẹ bị khuyết tật và hai em đang tuổi ăn học, trong đó người em trai còn mắc hội chứng thận hư.

 

Làm anh khó đấy!

Không khó sao được khi 25 tuổi nhưng Lý Thành Nhiên (ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) đã nhiều năm lo toan từng bữa ăn giấc ngủ cho cha mẹ bị khuyết tật và hai em đang tuổi ăn học, trong đó người em trai còn mắc hội chứng thận hư.

Căn nhà của gia đình Nhiên rất nhỏ, chỉ vừa đủ để năm người chui ra chui vào, không có cả bàn ghế để ngồi, nhưng vị trí quan trọng nhất trong nhà lại là một kệ sách được sắp xếp rất tươm tất. Sách lớp 10, lớp 11, lớp 12, đủ các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh được Nhiên nâng niu giữ gìn rất kỹ lưỡng.

Thử thách không ngăn được bước chân

Tôi biết cả ba anh em từ khi Nhiên còn học cấp I. Cả ba em đều rất ngoan, học giỏi và đặc biệt rất có nghị lực, biết nghĩ cho người khác, riêng Nhiên đã dạy ở đây được năm năm rồi. Có lần tôi hỏi Nhiên ứng xử với cha mẹ như thế nào khi cha mẹ không nói được, Nhiên đã rất lễ phép thưa với tôi: “Dù ba mẹ con không nói được nhưng phép tắc trong nhà, từ đi thưa về trình, ăn uống mời trước mời sau ba mẹ luôn ra hiệu để tụi con làm theo. Khi con hư thì ba cũng buồn, cũng giận”… Tôi nghĩ từ sự kính trọng, lòng hiếu thảo với mẹ cha ở nhà đó mà các em mới có thể học hành nên người đến ngày nay.

Thầy Nguyễn Thanh Hải 
(phó giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng P.Thạnh Lộc, Q.12)

Cha mẹ Nhiên không thể nghe nói được, nhưng may mắn ba người con đều bình thường, rất ham học. “Ba mẹ chưa bao giờ có thể đi họp phụ huynh cho chúng tôi, nhưng mỗi khi con cái mang giấy khen về thì ba mẹ mừng lắm, cầm giấy khen đi khoe khắp nơi. Chỉ cần thấy ba mẹ tự hào như vậy là tôi phải cố gắng học hơn nữa” – Nhiên kể. Với động lực đó, dù mỗi ngày đạp xe hơn 20 cây số đi học, về đến nhà là tất tả phụ mẹ hái bông lài mướn, Nhiên đã thi đậu vào khoa cơ khí – chế tạo máy Đại học Bách khoa TP.HCM.

Tuy nhiên, ngay khi Nhiên vừa vào năm 1, mẹ Nhiên bất ngờ bị tai biến, khiến bà chỉ ngồi một chỗ, nguy cơ bệnh tái phát luôn chực chờ. Làm sao để có tiền thang thuốc cho mẹ, tiền học cho em? Nhiên nghĩ đến việc làm gia sư. Vậy là bắt đầu xuôi ngược với đủ lớp học, đủ các môn, Nhiên nhận dạy tất cả từ cấp II đến cấp III, trở thành lao động chính trong nhà. Rồi mẹ lại thêm bệnh đái tháo đường, ba Nhiên phải ở nhà hoàn toàn để chăm sóc mẹ. Gánh nặng gia đình trên đôi vai của cậu học trò nhỏ này cứ lớn dần lên. Cầm cự đến năm thứ 3, Nhiên quyết định nghỉ học để dồn hết thời gian đi dạy kiếm tiền.

Nhưng khát vọng đến giảng đường chưa bao giờ tắt đối với chàng trai nghị lực này. Năm ngoái, Nhiên tiếp tục thi đậu vào Đại học Sài Gòn ngành sư phạm hóa. Mỗi ngày, 6g sáng Nhiên ra khỏi nhà và trở về nhà lúc 9, 10 giờ tối. Có những ngày dạy học nhiều đến mức cổ họng đau rát, tắt tiếng, song đêm nào Nhiên cũng trải chiếu nằm bên dưới giường mẹ. Mỗi tối, mẹ Nhiên đi vệ sinh nhiều lần, có khi 15 phút lại ú ớ gọi Nhiên, thế nên những đêm thức trắng cùng mẹ không phải hiếm hoi. “Các bạn cùng lớp hay đùa rằng Nhiên đi học 10 bữa thì đến 9 bữa đi trễ, vì nhiều lúc mệt quá không thể đi sớm được. Nhưng mình luôn cố gắng không bỏ học, bỏ thi bất kỳ buổi nào” – Nhiên thành thật chia sẻ. Mới đây, em trai Nhiên lại mắc hội chứng thận hư, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn, đến mức Nhiên thừa nhận: “Có lúc thấy vô cùng bế tắc, nản lắm, chỉ biết tự nhủ rằng mọi thứ sẽ qua, sẽ qua hết để tiếp tục đi dạy, đi học”.

Sống không cho riêng mình

Mặc những giờ dạy gia sư ken dày, Nhiên vẫn dành thời gian dạy học cho các bạn công nhân ở Trung tâm Giáo dục cộng đồng P.Thạnh Lộc (Q.12) với mức lương 19.000 đồng/giờ. Cậu em thứ hai Lý Thành Chung (21 tuổi) là một cán bộ Đoàn rất năng nổ. Vào xóm hỏi thì con nít ai cũng biết Chung vì “anh Chung hay tổ chức nhiều chương trình cho tụi con chơi vui lắm”. Buồn là đến cuối năm ngoái, Chung bị chẩn đoán mắc bệnh thận, chân tay sưng to, đi lại khó khăn và cơ thể cũng yếu đi, chỉ quanh quẩn trong nhà, không thể tiếp tục học hay làm việc. Vậy mà nụ cười rạng rỡ của Chung vẫn không tắt, Chung cho biết: “Hết bệnh rồi em sẽ thi lại, để sau này có nghề phụ anh nuôi ba mẹ”.

Cô em gái út trong nhà Lý Hoàng Hồng Châu năm nay học lớp 10, không thua kém các anh với các thành tích học tập và hoạt động Đội từ bé. Không chỉ học ở trường, mỗi chủ nhật, hễ thu xếp được thời gian thì Châu lại cùng anh Nhiên đến Q.4 học ngôn ngữ ký hiệu vì “mình có ba mẹ là người khuyết tật nên cũng muốn nói chuyện với các bạn khiếm thính khác, có điều ở nhà là làm theo bản năng, phải đi học mới được” – Nhiên cho biết.

Cứ thế, cả ba anh em tự dìu dắt nhau đi từng bước qua những thử thách có thể gọi là quá sức với tuổi của mình, tự bảo ban nhau, rồi chăm sóc cho nhau từng miếng ăn giấc ngủ. Mọi thú vui giải trí, phim ảnh, Internet đều rất xa lạ với cả ba, thậm chí khi hỏi về mong ước sắp tới, Nhiên cũng chỉ ngập ngừng: “Chỉ mong mẹ sẽ khỏe hơn, không bị tăng huyết áp, em trai mau hết bệnh”, không có chút gì là của riêng, như suốt hơn 20 năm qua Nhiên đã luôn dành tất cả cho các em, cho mẹ cha…

 

ĐOÀN BẢO CHÂU