10/01/2025

“Giờ dây thun” ở tiệc cưới: Người Sài Gòn sao lại thế?

Một chuyện cũ, thậm chí là rất cũ, đã được đề cập trên báo nhiều lần nhưng tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí có thể nói ngày càng trầm trọng hơn.

“Giờ dây thun” ở tiệc cưới: Người Sài Gòn sao lại thế?

Một chuyện cũ, thậm chí là rất cũ, đã được đề cập trên báo nhiều lần nhưng tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí có thể nói ngày càng trầm trọng hơn. 

Đó chính là tệ “xài giờ dây thun” khi đi dự tiệc cưới ở TP.HCM…

 

 

Tối chủ nhật rồi, tôi đi dự một đám cưới được tổ chức tại một khách sạn sang trọng ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Gia đình hai bên của đám cưới có lẽ cũng rất ý thức về nạn “giờ dây thun”, vì vậy trong thiệp ghi rất rõ: đón khách 18g – nhập tiệc 19g.

Thế nhưng, 19g15 vẫn im lặng. 19g30 vẫn im lặng. Không chỉ những khách đến sớm sốt ruột mà chính cô dâu chú rể cùng cha mẹ hai bên cũng đi ra đi vào sốt ruột.

Mãi đến 19g45 thủ tục mới bắt đầu, và có lẽ gia chủ cũng nhận thức được sự sốt ruột của nhiều người nên các nghi thức hết sức giản đơn, mau lẹ. Để rồi khi món khai vị được đặt lên bàn thì đồng hồ chỉ 20g05!

Trong thời gian dài đúng bằng một hiệp đá bóng chờ đợi (tính theo giờ nhập tiệc ghi trên thiệp cho đến lúc bắt đầu thủ tục nghi lễ), mọi người trong bàn đều lao xao bàn chuyện “giờ dây thun” sao lại trở thành chuyện bình thường?

Tôi nhớ ngày xưa (nói là xưa chứ thật ra vào thập niên 1980), cái thời mà đám cưới còn đơn sơ, giản dị, giờ giấc cứ gọi là đúng răm rắp.

Đúng giờ không chỉ những thời điểm quan trọng như rước dâu, hành lễ gia tiên… mà cả tiệc cưới cũng không gây phiền hà cho ai. Hồi ấy đi đám cưới trễ 15, 20 phút không khéo lại hết chỗ ngồi (vì kinh tế eo hẹp, nào có dám đặt bàn dự phòng như ngày nay).

Chẳng bù bây giờ, đám cưới trễ 65 phút nói trên còn được bảo là “ít đấy”, bởi có nơi trễ đến hai giờ là chuyện cũng bình thường.

Cái sự trễ ở đám cưới Sài Gòn trở thành một kinh nghiệm cho nhiều người đi dự đám cưới: trước khi đi nên lót dạ bằng vài trái chuối hay chén cơm để bao tử khỏi réo!

Một người chung bàn tiệc trong đám cưới tôi dự hôm ấy đã nêu một câu hỏi đầy vẻ bức xúc: Người Sài Gòn xưa nay nổi tiếng năng động, hiện đại nhất cả nước, sao lại để cái tệ này ngày càng phát triển? Thành phố này cũng là nơi tiếp xúc nhiều với đối tác nước ngoài, sao lại không học người phương Tây? Xin lỗi, xài giờ dây thun kiểu này đối tác nước ngoài ắt chạy dài. Chưa kể trong những thực khách xài giờ dây thun, có không ít bạn trẻ năng động, có học thức, thậm chí đi du học bên Tây về…

Chắc chắn trong công việc, người Sài Gòn không “tệ” như đi dự đám cưới. Bởi nếu ở đâu cũng xài giờ dây thun thì làm sao người Sài Gòn vẫn giữ được tiếng là năng động, hiện đại, làm ăn giỏi nhất nước?

Một khách chung bàn thử giải thích thế này: có lẽ đám cưới bây giờ mời khách đông quá. Và trong số khách đông đảo ấy người bận chuyện này, kẻ bận việc kia dẫn đến chuyện đến trước đến sau. Rồi gia chủ thì muốn nghi lễ đám cưới phải diễn ra trước mặt đầy đủ mọi người nên cứ ráng đợi tí, rồi tí nữa… Dần dà thành bệnh như hiện nay.

Thoạt nghe cũng có lý. Nhưng nhiều người từng đi ăn đám cưới ở các vùng miền khác, cũng mời khách cả vài trăm đến cả ngàn người, nhưng sao lại chẳng bị giờ dây thun hành hạ?

Nói đến đây mọi người im lặng, chẳng biết giải thích sao cho thông!

Tôi biết một doanh nhân nổi tiếng ở TP.HCM, một người nổi tiếng điềm đạm, thế nhưng trong một đám cưới ông cũng phải bực tức thốt lên: “Tại sao những người nghiêm túc, đúng giờ lại phải bị phụ thuộc những người không nghiêm túc?”.

Một câu hỏi nhỏ về một chuyện rất cũ, nhưng lại là một vấn đề mà tôi nghĩ không nhỏ chút nào khi đụng đến cái thứ quý hơn tiền bạc, đó là thời gian. Chưa kể còn đụng đến người Sài Gòn – bởi gần như chỉ Sài Gòn mới có chuyện xài giờ dây thun ở tiệc cưới!

Liệu có ai “định bệnh” được cho chuyện này không? Bởi có định được bệnh thì mới mong bốc trúng thuốc mà chữa.

NHƯ ĐAN