01/11/2024

Ngộ độc paracetamol

Được quen dùng trong cộng đồng, không phải kê đơn nhưng thuốc chứa hoạt chất paracetamol được cảnh báo có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng. Ngộ độc do chất này ngày càng tăng vì paracetamol là thành phần chính trong nhiều thuốc điều trị cảm cúm, giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt, sổ mũi.

 

Ngộ độc paracetamol

Được quen dùng trong cộng đồng, không phải kê đơn nhưng thuốc chứa hoạt chất paracetamol được cảnh báo có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng.

Có thể tử vong

 

TS-BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tại Trung tâm chống độc, một trong những nguyên nhân “đầu bảng” của các ca ngộ độc nhập viện do tân dược là paracetamol. Ngộ độc do chất này ngày càng tăng vì paracetamol là thành phần chính trong nhiều thuốc điều trị cảm cúm, giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt, sổ mũi”.

“Đây là các thuốc không phải kê đơn, số lượng mua không bị giới hạn. Việc mua và sử dụng rất dễ dàng cũng là nguyên nhân dễ bị lạm dụng”, TS Phạm Duệ nhận xét. Vì các thuốc chứa paracetamol có nhiều công dụng nên nhiều người cứ bị đau (đau đầu, đau răng, đau nhức cơ, khớp…) là mua thuốc giảm đau chứa paracetamol để uống.

TS Phạm Duệ cho biết, khi vào cơ thể paracetamol được chuyển hóa tại gan. Vốn lành tính nhưng khi uống quá liều, paracetamol sẽ được chuyển hóa tạo ra các chất độc với tế bào gan, gây phá hủy tế bào gan dẫn đến viêm gan nhiễm độc mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, vàng mắt vàng da, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan rồi tử vong. Với người có sẵn bệnh lý ở gan (viêm gan vi rút hay xơ gan do rượu) thì nguy cơ bị viêm gan nhiễm độc cấp do paracetamol càng cao, nhiều khi chỉ uống ở liều điều trị cũng có thể khởi phát viêm gan nhiễm độc thuốc. Với mức độ nhẹ, tổn thương viêm gan nhiễm độc có thể phục hồi, nhưng nếu ngộ độc nặng gây suy gan tối cấp có thể gây tử vong.

Các triệu chứng sớm của ngộ độc cấp paracetamol có biểu hiện nghèo nàn: buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi trong vòng 12-24 giờ sau uống quá liều paracetamol. Khoảng ngày thứ hai sau uống, có thể không còn triệu chứng, tưởng như đã khỏi. Các triệu chứng toàn phát như chán ăn, sợ cơm, vàng da… tăng lên vào ngày thứ ba, thứ tư sau uống.

“Là thuốc không phải kê đơn và có nhiều tên thương mại (nhãn hiệu) khác nhau, nên có thể bị quá liều paracetamol do tình trạng uống chồng chéo”, TS Phạm Duệ khuyến cáo.

Liều dùng phù hợp

Theo TS Phạm Duệ, liều gây độc của paracetamol là 150 mg/kg cân nặng. Với người lớn nặng 50 kg thì liều 7,5 gr paracetamol uống 1 lần là bị viêm gan nhiễm độc; nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với một số người sẵn có bệnh lý gan mạn tính thì với liều thấp hơn. Có người đang bị viêm gan vi rút mạn tính, chỉ uống 4 gr paracetamol trong vòng 40 giờ đã xảy ra viêm gan nhiễm độc.

Bác sĩ cũng lưu ý thêm, khi bị sốt do vi rút cũng có thể gan bị vi rút tấn công gây tăng men gan (ví dụ bệnh nhân sốt xuất huyết men gan thường rất cao) thể hiện tình trạng gan bị tổn thương. Nếu dùng thêm thuốc có paracetamol liều cao sẽ làm trầm trọng thêm mức độ tổn thương gan.

Khi sử dụng paracetamol để hạ sốt, cần dùng theo đúng liều chỉ định và uống thêm nước. “Để hạ sốt, bệnh nhân cần vã mồ hôi, vì vậy việc uống thuốc với đủ nước mới giúp hạ nhiệt. Khi sốt nên bù nước bằng dung dịch oresol, vì nước bình thường không hỗ trợ bù điện giải bị mất trong quá trình ra mồ hôi nhiều”, TS Phạm Duệ khuyên.

TS Phạm Duệ lưu ý, liều sử dụng được khuyến cáo cho người lớn là 4-6 viên/ngày (với thuốc có hàm lượng paracetamol 500 mg). Tuy nhiên chỉ nên uống ở liều 4 viên/24 giờ. Trong trường hợp bị sốt, nếu dùng paracetamol theo liều hướng dẫn không hạ được nhiệt độ, bệnh nhân cần hỗ trợ bằng các biện pháp khác, không nên tăng liều paracetamol.

 

Một biểu hiện khác khi dùng paracetamol là dị ứng thuốc. Tại Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận các ca dị ứng sau khi sử dụng thuốc có paracetamol. Bệnh nhân có biểu hiện: nổi các bọng nước trên da, quanh các hốc tự nhiên như: mắt, mũi, hậu môn, bộ phận sinh dục. Một số có sốt cao, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, thận.

Cục Quản lý dược Việt Nam mới đây đã có thông báo trên toàn quốc yêu cầu các đơn vị điều trị cần theo dõi phản ứng phụ do paracetamol. Thuốc chứa hoạt chất paracetamol có thể gây dị ứng nặng: tổn thương ở da, viêm loét giác mạc, hầu họng, thực quản dạ dày; tổn thương niêm mạc đường sinh dục, tiết niệu. Dị ứng do paracetamol có thể gây các triệu chứng toàn thân trầm trọng: sốt, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm cầu thận, viêm gan. Tỷ lệ tử vong cao: 15 – 30%.

 

Liên Châu