25/11/2024

TP.HCM sẽ nhận trẻ từ 6 tháng tuổi vào học mầm non

Ngày 6-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án “Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6 – 18 tháng tuổi”. Theo đó, sở đề nghị từ năm học 2014-2015, công tác trên sẽ được triển khai thí điểm ở tám quận huyện: 7, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức.

TP.HCM sẽ nhận trẻ từ 6 tháng tuổi vào học mầm non

Ngày 6-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án “Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6 – 18 tháng tuổi”. Theo đó, sở đề nghị từ năm học 2014-2015, công tác trên sẽ được triển khai thí điểm ở tám quận huyện: 7, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức.

Cô giáo vất vả chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi ở Trường mầm non Thỏ Trắng, Q.Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Lưu Trang 

Mỗi quận huyện thí điểm từ 1-2 trường mầm non công lập. Sang năm học 2015-2016 sẽ mở rộng thêm bốn quận (tổng cộng là 12 quận huyện) có nhận trẻ từ 6 tháng tuổi vào trường mầm non công lập là quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Và năm học 2016-2017 sẽ thực hiện đại trà tại 24 quận huyện.

Đây là một quyết định táo bạo của TP do hiện nay chương trình đào tạo của các trường sư phạm chưa chú trọng việc dạy giáo viên mầm non các kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập cũng hạn chế nhận trẻ ở độ tuổi này nên sinh viên không có chỗ kiến tập, thực tập. Vì vậy, giáo viên mầm non hiện nay còn thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ trong độ tuổi trên.

Cần thêm 1.000 giáo viên/năm

 

Chỉ 0,66% trẻ từ 6-12 tháng tuổi đến trường

Theo số liệu trong đề án, hiện TP.HCM có 43.130 trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Trong đó chỉ có 286 trẻ đến trường (tỉ lệ 0,66%), 56.464 trẻ từ 13-18 tháng tuổi, trong đó 2.264 trẻ đến trường (tỉ lệ 4%).

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, nếu tính theo quy chế của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015, dự báo nhu cầu về sử dụng giáo viên mầm non (công lập và ngoài công lập) là 20.956 người. Số lượng giáo viên (công lập và ngoài công lập) hiện có là 17.956 người. Như vậy, số giáo viên cần bổ sung là 3.000 người. Tuy nhiên, thực tế sắp xếp TP cần thêm 1.000 giáo viên mầm non để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy, chăm sóc trẻ.

Trước tình hình hiện tại, Sở GD-ĐT TP đã đưa ra giải pháp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên Trường Bồi dưỡng giáo dục phụ trách bậc học mầm non của 24 quận huyện và cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi đã đủ chuẩn đào tạo đang giảng dạy tại các trường mầm non ở tám quận huyện thí điểm.

Về giải pháp xây dựng, mở rộng trường lớp ở các quận huyện đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học để thu nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi, đề án gợi ý các quận huyện cần tận dụng nhà phố, vila để mở nhóm lớp công lập, sau đó ghép thành điểm lẻ của các trường công lập gần kề.

Đặc biệt, đề án kiến nghị Bộ GD-ĐT và UBND TP bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng (làm công việc như bảo mẫu bây giờ) trong trường mầm non với tiêu chuẩn: 1 nhân viên/30 học sinh nhằm giảm bớt áp lực công việc chân tay cho giáo viên mầm non. Nhân viên này được hưởng lương và các khoản theo lương, các chế độ chính sách theo quy định hiện hành. Riêng giáo viên trực tiếp giảng dạy hoặc nhân viên nuôi dưỡng chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi được hỗ trợ 100% mức lương cơ sở/tháng/người (tiêu chuẩn: 4 giáo viên và 1 nhân viên nuôi dưỡng/30 học sinh). Đối với cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non có giảng dạy trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi thì được hỗ trợ 50% mức lương cơ sở/tháng/người.

Hơn 5.500 nhóm trẻ hoạt động không phép

Trong khi đó tại hội thảo quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 6-3, theo thống kê chưa đầy đủ từ 50 tỉnh, TP thì hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động. Con số này chưa tính đến những nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ dưới 10 trẻ/nhóm. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay VN có 16.000 nhóm lớp độc lập tư thục giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi. Nhưng có tới 34% chưa được cấp phép với quy mô nhỏ và phần lớn là nhóm trẻ gia đình. Các điều kiện để đảm bảo chất lượng vô cùng khó khăn. Hiện nay, tỉ lệ trẻ huy động ra lớp ở độ tuổi nhà trẻ của VN mới đạt trên 24%.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng ban gia đình xã hội Hội Liên hiệp phụ nữ VN, cũng cho biết hội đã khảo sát năm tỉnh thành đông khu công nghiệp gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Dương vào năm 2012. Kết quả cho thấy hầu hết con của nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều gửi vào nhóm nhỏ, độc lập tư thục chưa được cấp phép. 72,3% số công nhân gửi con vào nhóm trẻ tư thục không phép vì gần nhà, tiện đường đưa đón. 41% do các lớp này có thời gian gửi trẻ, giữ trẻ linh động. Chỉ có 34,4% các gia đình quan tâm chất lượng, trong đó chỉ có 32% gia đình quan tâm tới chất lượng giáo viên.

Cần điều chỉnh chính sách để công bằng hơn đối với mọi trẻ em là ý kiến của bà Ngô Thị Minh – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Theo đó, trẻ ở cơ sở mầm non công lập và tư thục đều cần được hưởng chế độ hỗ trợ tài chính như nhau. Nguồn tài chính chi theo đầu trẻ ở cơ sở tư thục có thể cấp bằng hiện vật như đồ chơi, thiết bị dạy học hoặc tổ chức tập huấn cho giáo viên. Có thể áp dụng chính sách cho vay ưu đãi với các chủ trường… Bên cạnh các chính sách hỗ trợ là các quy định ràng buộc chặt chẽ về chất lượng và quy trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra tình trạng vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sự an toàn của trẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết dự kiến ngày 20-3 Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng” do Hội Liên hiệp phụ nữ chủ trì. Đây là một cơ hội để hỗ trợ cùng Bộ GD-ĐT và các ban ngành, địa phương trên cả nước chung tay giải quyết bất cập trên.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ