09/01/2025

Ghép tụy: cơ hội mới cho bệnh nhân đái tháo đường

Ngày 4-3, ba ngày sau ca mổ đặc biệt ghép thận – tuỵ cùng lúc, ông P.T.H., 43 tuổi, ở Sơn La, đã rất tỉnh táo, chỉ số đường huyết gần như bình thường.

 Ghép tuỵ: cơ hội mới cho bệnh nhân đái tháo đường

Ngày 4-3, ba ngày sau ca mổ đặc biệt ghép thận – tuỵ cùng lúc, ông P.T.H., 43 tuổi, ở Sơn La, đã rất tỉnh táo, chỉ số đường huyết gần như bình thường.

Trước ca mổ, ông H. bị đái tháo đường biến chứng nặng dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu và phải nhập viện điều trị nội trú.

Có thể ghép tuỵ – thận cùng lúc

PGS.TS Hoàng Mạnh An – giám đốc Bệnh viện 103, nơi tiến hành ca ghép thận – tuỵ cho ông H., tỏ ra cực kỳ vui mừng về thành công mới này.

Theo ông An, dù chưa thống kê số lượng bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn nặng có chỉ định ghép tuỵ nhưng lượng bệnh nhân đái tháo đường nặng, có biến chứng sang mắt, tim mạch, thận, bàn chân… ở VN gia tăng nhanh trong năm năm gần đây.

“Thế giới đã thực hiện ghép tuỵ từ những năm 1950-1960. Ở VN chúng tôi chuẩn bị rất kỹ để có ca ghép này, trong đó có việc đưa phẫu thuật viên đi học ở nước ngoài, nhiều nhất là học ở Nhật Bản. Bệnh viện cũng tiến hành phẫu thuật thực nghiệm trên 50 cặp động vật và đã thành công trên nhiều cặp động vật thực nghiệm. Ở Nhật, bệnh nhân đái tháo đường được ghép tuỵ có thời gian sống sau ghép 5-10 năm hoặc hơn nữa, trong khi các trường hợp bệnh nặng, không được ghép tuỵ, không kiểm soát được đường huyết, bệnh nhân có khả năng tử vong khi đường huyết xuống thấp mà không được cấp cứu kịp thời” – PGS An nói.

Ông An cũng cho biết thêm trong trường hợp có người hiến tặng mô tạng chết não, bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng suy thận có thể được ghép tuỵ – thận cùng lúc, các trường hợp khác có thể ghép tuỵ đơn lập.

Trong đó, tuỵ hiến có thể lấy từ người cho chết não hoặc người hiến còn sống, gồm cha mẹ hiến tặng tuỵ cho con hoặc ngược lại.

Thông thường ngoài phần bám vào tá tràng, tuỵ còn có phần thân và đuôi tuỵ treo lỏng lẻo trong ổ bụng mỗi người. Phẫu thuật viên sẽ lấy phần thân và đuôi tuỵ này để ghép cho người bệnh.

Hiệu quả với cả hai type đái tháo đường

Biện pháp ghép tuỵ, theo PGS An, là có hiệu quả trên cả bệnh nhân tiểu đường type 1 (bẩm sinh) và type 2 (là bệnh mắc phải do lối sống, ăn uống không hợp lý và các nguyên nhân khác).

Trước đây người ta thường chỉ ghép tuỵ cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 do bệnh thường phát rất sớm, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng như loét bàn chân, mù, tim mạch… từ khi tuổi còn trẻ.

Nhưng gần đây do bệnh nhân tiểu đường type 2 gia tăng mạnh, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa và gặp nhiều biến chứng nên việc ghép tuỵ cho bệnh nhân tiểu đường type 2 cũng được tiến hành khá phổ biến.

Ở ca phẫu thuật ghép thận- tuỵ đầu tiên cho anh H., Bệnh viện 103 và Học viện Quân y đã huy động tới 150 phẫu thuật viên, y tá, bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu…

Tuy nhiên, số người thực tế tham gia ca phẫu thuật tinh gọn hơn nhiều và trong trường hợp có tạng hiến tặng, bệnh viện sẵn sàng thực hiện các ca ghép kế tiếp do bệnh nhân tiểu đường giai đoạn muộn, nhiều biến chứng đang chờ đợi được ghép tạng rất nhiều.

Ông An cho rằng với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, việc bố mẹ tặng một phần tuỵ cho con hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của tuỵ (ngoại trừ phải chịu đựng một ca phẫu thuật lấy tuỵ), trong khi chi phí ghép tuỵ rẻ và hiệu quả hơn so với biện pháp dùng thuốc thông thường.

Khác với các tạng khác được ghép, ông An cho rằng người được ghép tuỵ không phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, mà lượng thuốc phải sử dụng sẽ giảm dần đến khi có thể ngừng sử dụng thuốc.

Ngoài Bệnh viện 103, hiện Bệnh viện Việt Đức cũng đang chuẩn bị để có thể ghép nhiều loại mô tạng khác như ghép ruột, ghép tuỵ…

Cho đến nay Việt Nam đã triển khai thường quy ghép gan, tim, thận, giác mạc, van tim, vừa qua là tiến hành ghép tuỵ với chi phí rẻ hơn từ 2/3 so với các trung tâm ghép tạng tại khu vực châu Á.

LAN ANH