Chưa ra trường đã lo thất nghiệp
“Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo đang rất mất cân đối, không gắn với yêu cầu phát triển nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng vùng, từng địa phương, cũng chưa phù hợp với xu thế phát triển nhân lực của nhiều nước trên thế giới” – GS Nguyễn Minh Đường
Chưa ra trường đã lo thất nghiệp
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường – Ảnh: Nguyễn Khánh
Chia sẻ về các nguyên nhân khác khiến nhiều trường cao đẳng (CĐ) ngắc ngoải, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường nhận định: Xét về cơ cấu ngành nghề thì một mặt các trường không có đủ thông tin về nhu cầu nhân lực của thị trường để tuyển sinh hằng năm cho phù hợp. Mặt khác, Nhà nước còn cấp kinh phí đào tạo mang tính bình quân, chưa sát với chi phí đào tạo thực tế vốn rất khác nhau của mỗi ngành. Vì vậy, nhiều trường mở rộng ngành nghề đào tạo cũng như tuyển sinh theo hướng các nghề dễ học, đầu tư ít tốn kém mặc dù đã dư thừa nhân lực. Không ít trường kỹ thuật, công nghệ lại dành trọng tâm tuyển sinh cho nhóm ngành kinh tế trong nhiều năm mà ít tuyển các nghề xã hội đang cần nhưng phải đầu tư tốn kém.
* Thưa GS, nhiều chuyên gia lại cho rằng sự nâng cấp vội vã các trường trung cấp lên CĐ, cũng như việc ào ạt đưa trường CĐ lên thành ĐH đã khiến các trường CĐ bị đặt vào đường đua quá sức…
“Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo đang rất mất cân đối, không gắn với yêu cầu phát triển nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng vùng, từng địa phương, cũng chưa phù hợp với xu thế phát triển nhân lực của nhiều nước trên thế giới” GS Nguyễn Minh Đường |
– Một trường trung cấp mạnh được nâng cấp sẽ thành trường CĐ yếu. Trường CĐ cũng vậy, nâng cấp lên thành trường đại học thì trước mắt là một đại học yếu và phải nỗ lực, cố gắng mất một thời gian dài khoảng 10 năm may ra mới trở thành trường mạnh, đào tạo có chất lượng. Điều đáng nói, biết đâu, nếu nhân lực trình độ đào tạo mà trường được nâng cấp đã bão hòa thì sự nâng cấp cũng chẳng có nghĩa lý gì. Đào tạo ra mà người học không tìm được việc làm, tuyển sinh không được thì nguy cơ bị tự giải thể là rất lớn.
Xu thế của các nước là hệ đào tạo sau trung học phải phát triển theo hình (chiếc) trống. Lao động trình độ trung cấp ngày càng giảm, trình độ CĐ chiếm tỉ lệ lớn và trình độ đại học chiếm tỉ lệ ít hơn. Còn ở VN thì lại phát triển theo hình tháp ngược, ĐH chiếm số lượng nhiều nhất, trung cấp chiếm tỉ lệ thấp nhất.
* Liệu những vấn đề mà GS đề cập đã là nguyên nhân chính đẩy các trường vào cảnh khốn khó chưa?
– Thật ra, nguyên nhân sâu xa là vì chúng ta chưa có biện pháp và cơ chế quản lý để đào tạo gắn với sử dụng. Hệ thống đào tạo và hệ thống sử dụng nhân lực còn là hai mảng ít có quan hệ gắn bó với nhau theo quan hệ cung – cầu của thị trường lao động trong cơ chế thị trường. Nhà trường còn ít có mối quan hệ với doanh nghiệp. Một nguyên nhân cơ bản khác là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta còn nhiều bất hợp lý. Hiếm nước nào như VN cho tồn tại hai loại hình trường cùng một trình độ đào tạo: CĐ thì có CĐ nghề và CĐ, trung cấp có trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp với hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, không theo một quy hoạch phát triển chung thống nhất.
Trong một địa phương lẽ ra chỉ nên có một trường thì lại thành lập hai trường đào tạo cùng trình độ do hai sở GD-ĐT và lao động – thương binh và xã hội quản lý. Điều này đã làm đầu tư bị phân tán khi nguồn lực tài chính và nhân lực của VN còn rất hạn hẹp. Điều thiệt thòi cho các trường CĐ chuyên nghiệp hiện nay khi nó nằm trong giáo dục đại học, nhưng chỉ là cái đuôi của đại học nên ít được cơ quan quản lý quan tâm, ít đầu tư. Còn các trường nghề lại là cái đầu của hệ thống đào tạo nghề nên được quan tâm đầu tư hơn nhiều. Trong thời điểm hiện tại, CĐ nghề dễ thở hơn các trường CĐ chuyên nghiệp, nhưng về lâu dài, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, CĐ nghề cũng sẽ rất khó khăn.
* Như vậy, không có cách nào khác là phải thống nhất hoàn thiện hệ thống đào tạo, một trình độ đào tạo chỉ có một tên gọi và một chuẩn đầu ra, nghĩa là phải nhập CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp lại, cũng như nhập trung cấp nghề và trung cấp lại với nhau, thưa GS?
– Nhân lực quốc gia là một chỉnh thể, nhưng việc quy hoạch lại thiếu tổng thể vì Bộ Lao động – thương binh và xã hội quản lý một mảng, Bộ GD-ĐT quản lý một mảng. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải sáp nhập các loại hình đào tạo cùng trình độ này lại. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra”. Muốn hệ CĐ hồi sinh sức mạnh thật sự thì tất yếu phải thống nhất lại, hai chương trình đào tạo CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp phải xích lại gần nhau. Điều khó khăn nhất khi nhập hai hệ thống làm một có lẽ không phải ở sự thích nghi của các trường khi thực tế trước đây chúng đã từng thuộc một cơ quan quản lý chung. Khó khăn nhất chính là nhập hai cơ quan quản lý làm một.
NGỌC HÀ