26/11/2024

Chợ mọc trong chùa

Nhiều ngày qua, chùa Srolôn (còn gọi là chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, được công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh vào năm 2012) bị hàng trăm người “bao vây” bày bán đủ các mặt hàng khiến khu vực chùa giống một khu chợ

Chợ mọc trong chùa

Nhiều ngày qua, chùa Srolôn (còn gọi là chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, được công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh vào năm 2012) bị hàng trăm người “bao vây” bày bán đủ các mặt hàng khiến khu vực chùa giống một khu chợ bát nháo. 
Khu vực cổng chùa Chén Kiểu bị “bao vây” bởi đủ loại gian hàng buôn bán – Ảnh: Chí Quốc

 

Theo ghi nhận của phóng viên, đa số mặt hàng bày bán ở trước cổng và khu vực lối đi bên trong chùa, chủ yếu là rau quả như bắp cải, củ hành, hẹ bông, bồn bồn… Có hộ dân còn bày bán cả cá khô.

Ngay phía trước khu vực chánh điện của chùa vẫn có những gian hàng bán… quần áo và bún nước lèo. Các hộ dân kinh doanh ở đây đều tự che dù tạm trông rất nhếch nhác.

Bên cạnh cổng phụ của chùa, một bãi rác to vốn là các sản phẩm thải ra từ “chợ” rau quả đã kịp “mọc” lên. Và không chỉ bị “bao vây” bởi các tiểu thương với đủ lời mời gọi, khách hành hương còn bị những người ăn xin và người bán vé số chèo kéo.

Đại đức Lâm Chanh – trụ trì chùa Chén Kiểu – cho biết từ năm 2011, chùa có sắp xếp cho khoảng 80-90 hộ dân bán rau cải và đồ chay ở một khu vực bên trong chùa.

Nhưng từ mồng 1 Tết Giáp Ngọ 2014 đến nay, số người mượn cảnh chùa để buôn bán đã lên đến gần 200 người, trong đó có cả những người dân ở xứ khác đến. “Cảnh níu kéo khách ồn ào từ khoảng 5g30 đến 18g hằng ngày, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi và học hành của các tăng sinh đang theo học tại chùa” – đại đức Lâm Chanh nói.

 

Bày bán quần áo và che lều bạt trong chùa Chén Kiểu khiến khung cảnh không khác cái chợ – Ảnh: Chí Quốc

 

Theo ông Trần Chín Tâm – phó chủ tịch UBND xã Đại Tâm, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2014, rau cải trồng ở địa phương có giá quá rẻ (khoảng 1.500 đồng/kg), thương lái không mua.

Tận dụng dịp khách hành hương đến chùa Chén Kiểu đông, dân địa phương đem rau cải vào chùa bán, có ngày khoảng 10 tấn hàng được tiêu thụ. Thấy vậy, những người bán mặt hàng khác cũng kéo đến. Trước tình hình này, khoảng mồng 10, cơ quan chức năng đã sắp xếp khu vực buôn bán ổn định nhưng khoảng hai ba ngày sau đó, người dân lại tiếp tục buôn bán tràn lan khi thấy có nhiều đoàn xe đến viếng chùa.

“Chúng tôi đã đến vận động bà con đừng làm như vậy vì chùa là nơi tôn nghiêm nhưng bà con chưa nghe vì đời sống còn khó khăn” – ông Tâm cho hay. Ông Tâm cũng nói UBND xã vừa họp với Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng và thống nhất chờ đến hết mùa rau cải (khoảng 5-10 ngày nữa) sẽ tiếp tục vận động bà con buôn bán có trật tự và đúng khu vực đã được nhà chùa cho phép, tránh gây phản cảm.

CHÍ QUỐC – KHẮC TÂM