26/11/2024

Tài xế nghiện ma tuý, quá nguy hiểm!

Đã có quá nhiều tài xế bị phát hiện nghiện ma tuý trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra được giải pháp kiểm soát toàn diện và hiệu quả nào, đẩy sinh mạng và tài sản người dân đứng trước một mối nguy khôn lường.

 

Tài xế nghiện ma tuý, quá nguy hiểm!

Đã có quá nhiều tài xế bị phát hiện nghiện ma tuý trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra được giải pháp kiểm soát toàn diện và hiệu quả nào, đẩy sinh mạng và tài sản người dân đứng trước một mối nguy khôn lường.

 

Tài xế nghiện ma túy, quá nguy hiểm !

Tài xế nghiện ma túy, quá nguy hiểm !
Cứu nạn trong vụ tai nạn xe khách thảm khốc tại cầu Sêrêpốk đêm 17.5.2012 – Ảnh: N.Bình

 

 

Thông tin hàng trăm lái xe vừa bị Sở GTVT Hải Phòng yêu cầu ngừng hoạt động vì có kết quả xét nghiệm dương tính với ma tuý và có bệnh lý về thị giác, thính giác, đã gây lo lắng trong dư luận. Chưa dừng lại ở đó, theo trung tướng Đỗ Đình Nghị – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), trên thực tế không chỉ Hải Phòng mới có tài xế nghiện hút mà có thể ở nhiều địa phương khác cũng có. Trước Hải Phòng, việc kiểm tra, rà soát lái xe nghiện hút đã được một số địa phương như Đắk Lắk, Quảng Ngãi tiến hành từ các năm trước, nhưng công việc này đã không được duy trì.

15% lái xe container nghiện ma tuý ?

Gần 2 năm trôi qua, vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra tại cầu Sêrêpốk vào đêm 17.5.2012 cướp đi 34 sinh mạng, làm bị thương 21 người vẫn còn ám ảnh nhiều người. Cơ quan điều tra đã gặp không ít khó khăn khi lý giải nguyên nhân chiếc xe khách đang lưu thông bình thường bỗng lạng sang phải, đụng vào gờ chắn bê tông và nổ lốp trước khiến xe mất kiểm soát, lật nhào xuống sông. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tài xế Phạm Ngọc Lâm (quê Nha Trang, Khánh Hòa, chết trong vụ tai nạn) từng có tiền án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Phải chăng lái xe này sử dụng chất ma tuý khi đang điều khiển phương tiện và có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thảm khốc?

Chính từ vụ tai nạn trên, cuối năm 2012, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk có sáng kiến mở chiến dịch kiểm tra chất ma tuý đối với tất cả tài xế xe khách và xe tải trên địa bàn tỉnh. Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng CSGT – Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết qua hai đợt triển khai từ tháng 11.2012 đến 1.2013, đoàn liên ngành đã kiểm tra 187 lái xe. Kết quả đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với chất ma tuý khi đang trực tiếp điều khiển xe; trong đó 3 lái xe khai nhận có sử dụng ma tuý. CSGT đã xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép lái xe vô thời hạn đối với 3 tài xế xe khách đường dài các tuyến Đắk Nông – Hà Giang, Đắk Lắk – Cao Bằng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho hay theo thống kê không chính thức sau đợt kiểm tra tại Đắk Lắk và một số địa phương khác như Quảng Ngãi…, khoảng 15% lái xe container và xe tải nặng (xe đường trường) nghiện hút; tỷ lệ này ở xe khách ít hơn.

 

 

Rất nguy hiểm !

Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam – giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM: Khi sử dụng ma tuý, đặc biệt là ma tuý đá (một dạng ma tuý mới về sau này) sẽ gây kích thích hệ thần kinh trung ương rất mạnh (hơn cả heroin), làm tiết ra các chất gây cảm giác hưng phấn, “tự tin” một cách thái quá, khiến người sử dụng có thể làm những việc mà người bình thường không dám làm, như lái xe tốc độ cao điên cuồng, không sợ sệt, thậm chí còn thích thú.

Thanh Tùng

 

Thiếu quy định tiêu chuẩn sức khoẻ

Việc kiểm tra sức khoẻ với các tài xế hiện tại theo ông Hiệp vẫn sẽ do các doanh nghiệp (DN) tự chủ động, các cơ quan nhà nước trong đó có thanh tra giao thông cũng sẽ có trách nhiệm kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, việc trông đợi vào sự chủ động của nhiều DN khá khó khăn, khi chính một số DN biết nhưng “lờ” đi tài xế nghiện ma tuý.

Đáng nói, trong dự thảo về thông tư quy định tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe, khám sức khoẻ định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe, đang được soạn thảo cũng không có quy định về nghiện ma tuý. Trong khi đó, luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma tuý. Việc kiểm tra, xác định xem tài xế có sử dụng ma tuý trực tiếp trên đường rất khó khăn do cần thời gian; mặt khác các lực lượng tuần tra như CSGT không có dụng cụ lấy mẫu, cũng như thiếu chuyên môn y tế.

Ông Hiệp cho rằng khám sức khoẻ đối với người lái xe trong thực tiễn cần điều chỉnh, trong đó có quy định khám sức khoẻ định kỳ. Nghị định 93 về điều kiện kinh doanh vận tải, có quy định khám định kỳ người lái xe, nhưng hiện tại chỉ khám khi đổi bằng lái xe (5 – 10 năm), thời gian quá dài. Giữa khoảng thời gian này, cần bổ sung quy định các DN phải yêu cầu người lái xe đi khám sức khoẻ.

“Một vấn đề quan trọng nữa hiện nay, là chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng là có thể mua được giấy khám sức khoẻ để đổi bằng lái xe hoặc đi xin việc. Bộ Y tế có trách nhiệm quy định cơ sở nào được phép khám sức khoẻ lái xe, để quy trình khám chặt chẽ hơn. Chúng ta cũng đang thiếu quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe, cần sớm ban hành tiêu chuẩn này. Quan điểm của Uỷ ban ATGT là ban hành quy chuẩn riêng với người lái xe tham gia vào kinh doanh vận tải”.

Thiếu thiết bị

Đại tá Nguyễn Văn Đức nhận xét: “Không thể chờ đợi việc tự giác khai báo, cơ quan chức năng phải vận dụng các biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc, xác định các trường hợp có khả năng sử dụng chất ma tuý; từ đó qua kiểm tra thực tế đã phát hiện đúng đối tượng”.

Thượng tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.Hải Phòng, thì cho biết từ đầu năm 2014, phòng đã có chủ trương xây dựng kế hoạch trang bị một thiết bị (dạng như thiết bị đo nồng độ cồn) để trực tiếp kiểm tra và phát hiện các lái xe nếu có sử dụng ma tuý ngay trên đường. Theo ông Giới, đối với các vụ TNGT xảy ra mặc dù lực lượng CSGT có mặt tại hiện trường nhưng không thể phát hiện do không có thiết bị để kiểm tra, xác định lái xe có sử dụng ma tuý hay không. Mặt khác thẩm quyền xử lý vụ việc thuộc cơ quan điều tra. Ông Giới cho biết thêm mặc dù đã có chế tài bằng luật xử lý hành vi sử dụng ma tuý khi lái xe, nhưng do chưa có thiết bị nên khó phát hiện và khó xử lý. Vì vậy nếu có thiết bị kiểm tra trực tiếp lái xe thì sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông do các lái xe có sử dụng ma tuý điều khiển.

Tương tự, trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), cho hay để kiểm tra tài xế có nghiện hay không phải có máy móc thiết bị để thử máu, nước tiểu và cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này. “Có ý kiến cho rằng tại các điểm tuần tra kiểm soát của CSGT phải thực hiện thêm việc kiểm tra tài xế có nghiện hay không, việc này tôi cho rằng là cần nhưng chưa đủ. Bởi ngoài đường CSGT có hàng trăm thứ việc phải giải quyết, từ điều tiết giao thông, kiểm tra phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường…chưa kể để kiểm tra thì phải kèm theo cả một quy trình, cả về máy móc thiết bị”. Tuy nhiên, ông Nghị cũng đánh giá cách ngăn chặn tốt nhất đối với tài xế nghiện là cần làm trước ở “trong nhà”, tức là phải chặn được từ gốc. Theo đó, chủ xe, chủ DN phải tăng cường quản lý tài xế, ngành giao thông phải thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt trong khi sát hạch, kiểm tra định kỳ đối với tài xế, đặc biệt là tài xế xe khách, xe tải đường dài…

Chưa phát hiện phi công sử dụng chất gây nghiện

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết ngành hàng không có quy định tiêu chuẩn sức khoẻ riêng cho phi công (nhiều bộ chỉ số gồm cơ xương, khớp, tim mạch, thần kinh…), trong đó có quy định kiểm tra định kỳ. Phi công phải đến những trung tâm giám định được chỉ định, các hãng hàng không cũng phải có quy chế giám sát thường xuyên kiểm tra sức khoẻ của phi công. Nếu phát hiện phi công không đủ sức khoẻ sẽ yêu cầu ngừng bay, chữa bệnh, đủ điều kiện sức khoẻ mới được phép bay lại. “Phi công không đủ sức khoẻ bị phát hiện nhiều trường hợp, nhưng chưa phát hiện ra trường hợp phi công nào sử dụng chất gây nghiện”, ông Thanh khẳng định.

Mai Hà

 

Thanh Niên