02/11/2024

Phát hiện sớm đột quỵ

Việc người nhà nhận biết một số dấu hiệu “ngầm” giúp phát hiện sớm cơn đột quỵ có thể làm tăng cơ hội sống sót và phục hồi cho bệnh nhân.

 

Phát hiện sớm đột quỵ

Việc người nhà nhận biết một số dấu hiệu “ngầm” giúp phát hiện sớm cơn đột quỵ có thể làm tăng cơ hội sống sót và phục hồi cho bệnh nhân.

 

Phát hiện sớm đột quỵ
Nếu triệu chứng của đột quỵ không rõ ràng, bệnh nhân rất dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với một chứng bệnh khác – Ảnh: Shutterstock

 

Đột quỵ có 2 dạng diễn tiến: đột ngột (bệnh nhân đang làm việc, sinh hoạt bình thường bỗng nhiên liệt hẳn một bên, không nói được, méo mặt, ngã quỵ…) hoặc từ từ. Ở dạng đầu tiên, thay vì nghĩ là “trúng gió” để mất thời gian cạo gió, xức dầu, thì cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Ở dạng thứ hai, do các triệu chứng không rõ rệt nên người nhà khó phát hiện kịp thời, làm lỡ mất khoảng thời gian điều trị quý báu lúc ban đầu. 

Dấu hiệu bệnh

Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).

– Khuôn mặt: dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, thường gặp trong trường hợp diễn tiến đột ngột. Có một số biểu hiện kín đáo hơn cần lưu ý như mặt bệnh nhân có thể chưa méo nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy sự mất cân xứng: nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường; nếp mũi, má bên yếu thường bị rũ xuống. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới.

– Tay: dấu hiệu “rõ mười mươi” là tay bị liệt. Nhưng trước đó, có thể đã có những diễn tiến từ từ như: tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc (ví dụ như gặp khó khăn khi viết, ăn uống); vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn một số dấu hiệu ở chân: đi dễ bị vấp té mà nguyên nhân không rõ ràng; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rớt dép…

– Lời nói: rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hoặc nói đớ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người nghe có thể chưa nhận thấy bất thường nhưng chính bệnh nhân than phiền rằng họ cảm thấy khó khăn khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Khi đó, người nhà cần lưu ý để có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói.

– Thời gian: đưa bệnh nhân đi khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể. Những dấu hiệu này có thể kéo dài hoặc chỉ thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại, có thể xuất hiện cùng lúc hoặc chỉ một vài dấu hiệu. 

Những triệu chứng khác

Bên cạnh chữ FAST còn một số triệu chứng hoặc dấu hiệu khác có thể cảnh báo cơn đột quỵ sắp hoặc đang xảy ra:

– Nhức đầu nhiều, đột ngột.

– Mất thăng bằng đột ngột mà không có tiền căn rối loạn tiền đình hoặc những bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng.

– Ù tai, điếc đột ngột.

– Gặp một số vấn đề về mắt như: song thị (nhìn 1 hình thành 2 hình); bán manh (chỉ thấy phía trước, không nhìn được hai bên hoặc chỉ thấy về một bên).

– Người nhà nhận thấy bệnh nhân chậm hiểu bất thường, phải nói đi nói lại nhiều lần mới nắm vấn đề hoặc lẫn lộn đột ngột.

– Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi ăn uống: nuốt khó, dễ sặc; thức ăn đọng một bên má khi ăn. Khi súc miệng, đánh răng cũng có những “sự cố” như nước chảy qua một bên mà không kềm lại được.

Việc nắm rõ tất cả dấu hiệu kể trên là rất cần thiết, đặc biệt nếu trong gia đình có người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường… Khi xảy ra cơn tai biến, người nhà phản ứng càng nhanh sẽ giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm. Nhờ đó, việc tập luyện phục hồi sau đột quỵ có thể đạt hiệu quả cao, giúp người bệnh có cơ hội tìm lại chất lượng cuộc sống ở mức tốt nhất.

Lê Khánh Điền