11/01/2025

Cho trẻ tự kỷ ăn, ngủ thế nào?

Những khó khăn về chuyện ăn uống, giấc ngủ của trẻ tự kỷ cũng như cách can thiệp đã được bác sĩ Paul Hutchins đến từ đơn vị phát triển trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Westmead, Sydney (Úc) chia sẻ với hơn 160 phụ huynh cùng các giáo viên chuyên biệt trong một buổi nói chuyện chuyên đề diễn ra cuối tuần qua.

Cho trẻ tự kỷ ăn, ngủ thế nào?

Những khó khăn về chuyện ăn uống, giấc ngủ của trẻ tự kỷ cũng như cách can thiệp đã được bác sĩ Paul Hutchins đến từ đơn vị phát triển trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Westmead, Sydney (Úc) chia sẻ với hơn 160 phụ huynh cùng các giáo viên chuyên biệt trong một buổi nói chuyện chuyên đề diễn ra cuối tuần qua.

Một phụ huynh trao đổi với bác sĩ Hutchins (bìa phải) về cách chăm sóc trẻ tự kỷ – Ảnh: My Lăng 

Tại buổi sinh hoạt, bác sĩ Paul Hutchins cho biết một số phụ huynh sử dụng dinh dưỡng hỗ trợ hoặc bớt đi chất nào đó trong khẩu phần ăn của trẻ vì tin rằng phương pháp này hiệu quả. “Thật ra chúng ta không có bằng chứng rõ ràng về vấn đề này. Ví dụ, nhiều người cho con dùng thêm vitamin hay cắt khẩu phần sữa. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy vitamin không có tác dụng gì, hoặc kiêng sữa có thể ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của con. Vì thế, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ” – bác sĩ Hutchins nhận định.

Không ép trẻ ăn đúng giờ

 

Buổi nói chuyện chuyên đề do CLB Sống cùng tự kỷ TP.HCM và Tổ chức CLAN (Caring & Living As Neighbors – Chia sẻ và Sống như láng giềng), Úc phối hợp thực hiện.

 

Về vấn đề ăn uống của trẻ tự kỷ, vị khách mời từ Úc khẳng định “rất vất vả, khó khăn” và cũng nhấn mạnh điều quan trọng là cho trẻ bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng. Cha mẹ phải quyết định điều gì quan trọng nhất, cân đối giữa chuyện dinh dưỡng của bữa ăn với điều đứa trẻ muốn hoặc ghét. Tất cả thành viên trong gia đình phải làm như vậy với trẻ. Bên cạnh đó, việc cha mẹ muốn đứa trẻ tự kỷ phải ăn đúng giờ, ngồi vào bàn ăn cùng gia đình có thể quá sức của trẻ. “Giờ ăn uống cho trẻ tự kỷ rất khó khăn và quá phức tạp, đặc biệt ở trẻ 2-3 tuổi. Ở tuổi đó, trẻ không hiểu được điều ba mẹ muốn nói. Gia đình cần giữ nguyên thói quen hằng ngày của trẻ và đưa ra dấu hiệu sắp đến giờ ăn bằng hình ảnh” – bác sĩ Paul Hutchins nói.

Trẻ tự kỷ rất khó khăn làm quen với những sự thay đổi nên cha mẹ cần thay đổi từ từ. Do đó, bác sĩ Paul Hutchins khuyên: “Nếu phụ huynh muốn tập cho trẻ ăn món mới thì nên trộn thức ăn đó với thức ăn trẻ đang thích rồi tăng lên từ từ. Nếu trẻ không muốn dùng muỗng thì nên đưa cho trẻ cái muỗng không trước hai lần. Trẻ nghĩ muỗng trống nên không chống lại chuyện đút muỗng vô miệng. Đến lần thứ ba mới đưa một ít thức ăn vào muỗng. Tương tự, cha mẹ muốn đưa loại thức ăn mới thì nên để sẵn thức ăn đó trên bàn, cho trẻ đụng vào, ngửi, liếm, cắn một miếng và cho trẻ nuốt. Có thể mất một ngày hoặc một tuần để trẻ quen với sự thay đổi này”.

30% trẻ tự kỷ dưới 5 tuổi bị rối loạn giấc ngủ

Bác sĩ Hutchins đã cho biết như thế tại buổi sinh hoạt. Ông cho rằng khi trẻ gặp khó khăn trong giấc ngủ, nếu bác sĩ kê toa một loại thuốc nào đó không có tác dụng phụ đáng kể, đã có một số bằng chứng tốt mới nên sử dụng. “Phải thật cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc an thần vì những khuyết tật trên não khác nhau nên rất phức tạp. Phần lớn thuốc an thần có tác dụng vào ngày kế tiếp. Nếu cần sử dụng theo toa của bác sĩ thì nên sử dụng thuốc an thần tại nhà, lúc khoảng 18g-20g trẻ ngủ là phù hợp nhất” – bác sĩ Hutchins nhấn mạnh.

Bác sĩ Hutchins cũng khuyên phụ huynh nên tập cho trẻ ngủ vào một giờ cố định, đưa ra dấu hiệu sắp đến giờ ngủ bằng hình ảnh hoặc đồng hồ canh giờ hay một câu chuyện ngắn. Nếu trẻ thích xem một chương trình tivi thì chúng ta thu lại chương trình đó, phát lại vào giờ chúng ta muốn điều chỉnh và cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bác sĩ Hutchins cảnh báo: “Không cho trẻ xem tivi đến buồn ngủ rồi mới cho trẻ vào giường ngủ. Cha mẹ cũng không nên vỗ về, ôm ấp trẻ nhiều quá và luôn nhớ rằng càng ít sự vỗ về càng tốt. Nếu muốn thay đổi giờ giấc, cho trẻ ngủ sớm hơn hoặc trễ hơn thì phải thay đổi từ từ từng bước một. Có thể hôm nay cho trẻ đi ngủ sớm 15 phút rồi 1 – 2 hôm sau sớm thêm 15 phút nữa. Cứ làm như thế trong một tuần thì thay đổi sớm hơn 1 giờ”.

Vị bác sĩ người Úc cũng chia sẻ: “Những sự thay đổi dù nhỏ nhất như tiếng động từ rèm cửa, thay khăn trải bàn, thay đổi màu sắc cái chén, cái muỗng hay trẻ được mặc một bộ quần áo mới… hoặc bất cứ điều gì đó thay đổi cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn ngủ của trẻ. Mỗi ngày cha mẹ phải ghi nhận những gì xảy ra, những thay đổi, những điều làm cho việc ăn uống của trẻ tốt hơn hay tệ hơn. Những thông tin này rất tốt cho nhà chuyên môn khi muốn giúp cha mẹ”.

 

 

Tầm soát các dấu hiệu rối loạn tự kỷ

Theo bác sĩ Paul Hutchins, nếu cha mẹ đã có con trai đầu lòng bình thường mà sắp có thêm bé trai thì tỉ lệ tự kỷ cho bé thứ hai là 1%. Nhưng nếu đã có con tự kỷ thì tỉ lệ cho đứa con kế tiếp là 25%. Còn nếu đã có một bé trai mà con kế tiếp là gái thì tỉ lệ giảm đi nhiều. Thông thường, phần lớn anh chị em của trẻ tự kỷ vẫn phát triển bình thường. Vì thế việc tầm soát các dấu hiệu rối loạn tự kỷ ở trẻ tập đi 16-30 tháng qua bảng câu hỏi là rất cần thiết và đang sử dụng tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2…

 

 

MY LĂNG