Nói thách như… chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành (TP.HCM) được nhiều du khách tìm đến nhưng việc “hét” giá quá cao khiến du khách e dè, thậm chí không dám mua.
Nói thách như… chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành (TP.HCM) được nhiều du khách tìm đến nhưng việc “hét” giá quá cao khiến du khách e dè, thậm chí không dám mua.
Trả giá nào cũng “dính”
|
Có mặt tại chợ Bến Thành vào chiều 16.2, hầu hết các quầy hàng đều niêm yết giá, nhưng ai cũng phải trả giá, kỳ kèo rất lâu. Mary, một du khách Mỹ, cho biết trước khi đến đây, đã được nhiều người bạn dặn dò, nếu mua hàng phải trả giá.
Chúng tôi theo chân Mary đến một quầy hàng lưu niệm dọc theo hành lang lối vào từ cửa Nam, cô xem một giỏ xách thổ cẩm với giá niêm yết 300.000 đồng. Thấy quá mắc, Mary đặt xuống, người bán hàng hỏi “mua được bao nhiêu?”, Mary lắc đầu không mua rồi dợm bỏ đi, người bán hàng nói: “200.000 đồng, ok?”. Mary vẫn lắc đầu bỏ đi. Cô bảo: “Theo tôi, chiếc giỏ đó chỉ 100.000 đồng, bởi ở các điểm du lịch tôi đi qua cũng có bày bán, không ngờ ở đây niêm yết giá cao quá, không biết phải trả giá nào, nên thôi”.
Chúng tôi đến một sạp bán hàng lưu niệm khác, anh bán hàng báo giá 60.000 đồng (giảm 10.000 đồng so với giá niêm yết) cho 1 mẫu túi nhỏ dùng để đựng viết, dụng cụ trang điểm. Sau đó, anh bảo nếu mua 10 cái thì sẽ bán giá 40.000 đồng/cái. “Ấy là tui bán cho người Việt chứ cho khách du lịch nước ngoài giá còn cao hơn nhiều”, người bán hàng quả quyết. Tương tự, một cô gái trẻ bán hàng thủ công tiết lộ: “Một chiếc chén làm bằng gáo dừa nếu bán cho người Việt thì giá 40.000 đồng, nhưng bán cho du khách thì tụi em bán hơn 100.000 đồng”.
Cách nói thách như vậy khiến không ít người ái ngại. Chị Thành, ngụ Q.1, cho biết: “Thỉnh thoảng, tôi đưa một vài người bạn từ Đài Loan, Singapore đến chợ Bến Thành để mua hàng lưu niệm, họ rất thích giỏ xách thổ cẩm, giày dép. Tuy nhiên, ở đây nói thách ghê lắm, trả giá nào cũng dính. Có lần, tôi mua cái giỏ xách, họ nói giá 250.000 đồng, tôi trả 120.000 họ gật đầu bán. Họ bán mà tui sợ quá, bỏ đi luôn, may là… không bị chửi”.
Tham quan là chủ yếu
Anh N.T.H, một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên đưa khách đến chợ, chia sẻ: “Thực ra chợ Bến Thành có giá trị tham quan là chủ yếu, du khách thích thú khi nhìn ngắm, tham quan một ngôi chợ cộng đồng, giàu truyền thống ở một thành phố hiện đại. 10 du khách vào chợ thì chỉ có 1 – 2 người mua hàng và mua rất ít”. Cũng theo anh H., giá cả cao, nói thách nhiều là yếu tố khiến nhiều du khách e ngại, không dám mua vì sợ mua nhầm, mua giá cao. Vì vậy, hướng dẫn viên thường khuyến cáo du khách nên trả giá, nếu trả xuống 50% thì chắc chắn mua được món hàng mà du khách thích.
Trong khi đó, một bảo vệ chợ ở cửa Tây phân trần: “Chuyện tiểu thương nói thách cao cũng như bán không đúng với giá niêm yết là có. Nhưng đã gọi là chợ thì phải có trả giá, thuận mua vừa bán. Dù nói thách cao nhưng người mua có quyền trả giá, trả bao nhiêu thì tùy, không mua cũng không sao”.
Sẽ xây dựng trang mạng cho chợ Tôi thừa nhận có trường hợp tiểu thương không làm tốt khâu niêm yết giá, nói thách, ảnh hưởng đến thương hiệu chợ. Nếu phát hiện thì chúng tôi xử lý buộc ngưng kinh doanh. Để khắc phục hoàn toàn việc này, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng trang web của chợ, yêu cầu từng tiểu thương, từng gian hàng niêm yết giá từng mặt hàng để người mua lựa chọn, so sánh. Sẽ vận động tiểu thương trang bị wifi tại quầy để khách dễ truy cập và lựa chọn hàng mua. Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành
|
Thanh Đông – Hải Nam