23/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo dục Công giáo

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 13-2-2014, dành cho 80 tham dự viên khoá họp toàn thể của Bộ Giáo dục Công giáo, ĐTC đề cao giá trị của đối thoại trong việc giáo dục và khuyến khích các vị đào tạo luôn quan tâm đến việc thường huấn.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo dục Công giáo
 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 13-2-2014, dành cho 80 tham dự viên khoá họp toàn thể của Bộ Giáo dục Công giáo, ĐTC đề cao giá trị của đối thoại trong việc giáo dục và khuyến khích các vị đào tạo luôn quan tâm đến việc thường huấn.

Trong số các tham dự viên có 30 hồng y và 3 giám mục thành viên của Bộ.

Khóa họp của Bộ Giáo dục Công giáo kết thúc hôm 14-2-2014, và đặc biệt bàn về việc canh tân Tông hiến Sapientia Christiana, củng cố căn tính của các đại học Công giáo, cũng như chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh của Công đồng chung Vatican II về giáo dục, và 25 năm Tông hiến Ex corde Ecclesia về các đại học Công giáo, sẽ được cử hành vào năm 2015 tới đây.


ĐTC khẳng định rằng nền giáo dục Công giáo là một trong những thách đố quan trọng nhất đối với Giáo Hội, dấn thân thực thi công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong một bối cảnh lịch sử và văn hoá luôn biến đổi.

Ngài đề cao việc đối thoại trong công tác giáo dục và nhận định rằng trong các đại học và trường học Công giáo thường cũng có nhiều học sinh không Công giáo. Các tổ chức này đều được mời gọi đáp ứng quyền của mọi người được đạt tới kiến thức và sự hiểu biết. Và tất cả đều được mọi gọi cống hiến đề nghị Kitô giáo, tức là Chúa Giêsu Kitô, như ý nghĩa của đời sống, vũ trụ và lịch sử, trong niềm tôn trọng hoàn toàn tự do của mỗi người và những phương pháp riêng của môi trường học đường.

ĐTC cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác, đó là việc chuẩn bị các nhà đào tạo. Ngài nói: “Nền giáo dục ngày nay hướng tới một thế hệ đang thay đổi, vì thế mỗi nhà giáo dục và toàn thể Giáo Hội cũng phải “thay đổi”, nghĩa là biết đả thông với những người trẻ mình đang có trước mặt. Giáo dục là một hành vi yêu thương và ban sự sống. Điều này đòi nhà giáo dục phải có nhiều khả năng, biết ở giữa người trẻ như một nhà sư phạm, để thăng tiến sự tăng trưởng nhân bản và tinh thần. Người trẻ cần một nền giáo dục có chất lượng đồng thời cần các giá trị không những được tuyên dạy, nhưng còn được chứng thực. Sự kiện nhà giáo dục sống thực các giá trị mình giảng dạy, đó là một điều không thể thiếu được đối với người trẻ.” (SD 13-2-2014)