Chùa lớn đông nghịt người giải hạn, cầu an
Lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 7.2 vẫn ken cứng biển người. Ngôi chùa vốn rộng rãi nay không đủ sức chứa. Chính vì thế, những người dự lễ đã ngồi tràn ra cả ngoài đường. Khi mưa lớn hơn, họ chụp lên đầu những túi ni lông mỏng rồi lại tiếp tục chắp tay ngồi lễ.
Chùa lớn đông nghịt người giải hạn, cầu an
Lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 7.2 vẫn ken cứng biển người. Ngôi chùa vốn rộng rãi nay không đủ sức chứa. Chính vì thế, những người dự lễ đã ngồi tràn ra cả ngoài đường. Khi mưa lớn hơn, họ chụp lên đầu những túi ni lông mỏng rồi lại tiếp tục chắp tay ngồi lễ. “Cũng chẳng có gì lạ, năm nào chùa cũng đông người dâng sao thế”, chị Thúy Hằng, một người dân ở gần đó cho biết.
Dòng người đứng bái vọng ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vẫn đông nghịt như thường lệ…
Đông đúc lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh - Ảnh: Lê Hiếu |
Chính vì người đến lễ đông, buổi lễ cũng kéo dài nên những nhà quanh chùa ngay lập tức đáp ứng ghế nhựa. Dọc đường sát chùa, nhà dân nhận gửi xe cũng đồng thời cho thuê ghế nhựa. Mỗi chiếc ghế cho thuê với giá 10.000 đồng, ngang tiền trông xe. Một chủ cho thuê ghế tiết lộ cho thuê mỗi tối khoảng 40 ghế, đều là khách gửi xe tại nhà mình.
Qua ngày 8.2 người dân vẫn tiếp tục đổ tới chùa để đăng ký dâng sao giải hạn, đăng ký làm lễ cầu an. Theo thông báo của chùa Phúc Khánh, các lễ giải hạn và cầu an sẽ tiếp tục 3 buổi nữa vào các ngày 14, 15 và 18 tháng giêng. Nhà chùa tiếp tục phát ra những mẫu phiếu điền tên tuổi và sao hạn. Ai có nhu cầu thì điền phiếu rồi nộp lại cho nhà chùa, nộp 100.000 tiền chi phí. Những sao được giải là La Hầu cho nam, Kế Đô cho nữ theo quan niệm “Trai La Hầu, nữ Kế Đô” là nặng hạn. Cũng có cả giải hạn sao Thái Bạch – ngôi sao dân gian vẫn truyền “Thái Bạch mất sạch cửa nhà”.
“Tôi đi lễ chùa Phúc Khánh đã nhiều năm”, chị Hồng Nga, một cán bộ cấp Vụ cho biết. Cũng theo chị Nga, nhiều người nói với chị rằng việc lễ chùa ở đây sẽ mang lại nhiều may mắn, đặc biệt là cho công danh sự nghiệp.
Chùa này thiêng hơn chùa khác?
“Chúng ta vẫn nghe nói rằng có những chùa thiêng hơn chùa khác, hay thiêng hơn về điều gì đó”, PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo nói. Chẳng hạn, chùa Phúc Khánh hiện được truyền tụng là có lộc về hoạn lộ, chùa Hà có lộc về đường tình duyên. Tuy nhiên, theo ông Tuấn những truyền tụng như thế chỉ là hoang truyền, chẳng có cơ sở gì. “Chả có cái gì nói chùa này hơn chùa này chùa kia về chuyện gì đó. Chùa Phúc Khánh mấy chục năm nay có một số vị lãnh đạo hay đến, thì người dân mới nói đến chuyện thăng quan tiến chức, chứ làm gì có chùa nào như thế”, ông Tuấn bảo vậy.
Về việc cầu duyên ở chùa Hà, ông Tuấn cho biết đây vốn không phải chùa, mà là một nơi thờ Mẫu. “Từ những năm chấn hưng Phật giáo và việc thờ Mẫu lên đồng bị lên án, người ta đã đưa tượng Phật vào đây. Rồi sau đó, người ta gọi quen thành chùa. Chứ chùa đó làm gì có sư đâu”, ông Tuấn phân tích.
Về việc dâng sao giải hạn, ông Tuấn cho biết nó vốn không thuộc về Phật giáo nguyên gốc. Tuy nhiên, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã có sự hỗn dung với Đạo giáo, Khổng giáo muộn. Người Trung Quốc (và khá nhiều quốc gia Trung Đông) có quan niệm các tinh tú trên trời quy định số mệnh con người trong một năm. Lễ giải sao này đã được tích hợp với Phật giáo từ khi Đạo giáo ở Việt Nam bị giải thể gắn và với các chùa.
Trên thực tế, nhiều chùa lớn ở Hà Nội cũng rất đông người đến cầu an, dâng sao giải hạn như chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, chùa Hà… Việc này cũng diễn ra ở các chùa nhỏ khác, với quy mô nhỏ hơn. “Tôi thường lễ cầu an ở chùa Hòa Mã, là nơi gia đình tôi đã đi lễ nhiều đời. Bản thân chúng tôi cũng lễ rằm, mùng một ở đây. Chính vì thế, tình thân với chùa, với người trụ trì cũng đã lâu năm. Đi lễ ở chùa gần tôi thấy ấm cúng. Vì thế, tôi không chọn các chùa lớn”, bà Kiều Loan – một người dân ở phố Thi Sách nói.
Nguyệt Ánh – Trinh Nguyễn