13/01/2025

Vẫn lộn xộn kẻ chen người lấn!

Ngày khai hội mồng 6 tết (ngày 5-2), hơn 4 vạn người đã đổ về trẩy hội chùa Hương – một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc.

Vẫn lộn xộn kẻ chen người lấn!

Ngày khai hội mồng 6 tết (ngày 5-2), hơn 4 vạn người đã đổ về trẩy hội chùa Hương – một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc.

Để bước qua cổng Trời vào động Hương Tích, khách hành hương phải đội nắng nhích từng centimet trong hơn hai giờ rưỡi cho đoạn đường khoảng 40m – Ảnh: T.T.D. 

 

 

Theo ông Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương), tính từ mồng 2 đến mồng 6 tết chùa Hương đã đón tới hơn 16 vạn lượt khách. Đây là con số thống kê của Kho bạc huyện Mỹ Đức sau khi kiểm đếm số vé bán ra trong thời điểm này.

Dù đã mở thêm một lối vào, việc phân làn tuyến được cải thiện, công tác tổ chức được chú ý thì với lượng người hơn 4 vạn trong một ngày, chùa Hương cũng xảy ra tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt ở lối vào động Hương Tích và lối lên cáp treo.

Anh Đào Duy Cừ (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Chúng tôi chọn cách leo bộ nhưng đi đến giữa đường thì một số người cố tình làm tắc đường, người sau chen lấn người trước không ai đi qua nổi. Một số người bắc thang dây rồi thu 15.000-20.000 đồng với ai muốn trèo qua. Xếp hàng đi cáp treo lại gặp cò mồi, phải bỏ thêm 100.000 đồng nếu muốn nhanh chóng được lên. Tôi đã gọi điện vào đường dây nóng của ban tổ chức, họ cảm ơn nhưng một giờ sau vẫn chẳng có ai đến can thiệp”.

Năm nào cũng đi hội chùa Hương nhưng anh Cừ cho biết ý thức của người dân về việc xếp hàng, làm lễ vẫn khá lộn xộn. “Ngoài việc “chặt chém” leo thang dây và cò mồi cáp treo thì mọi thứ đỡ hơn. Ở chùa Giải Oan, người dân không ném tiền nhiều như mọi năm nữa. Tuy nhiên, ý thức của nhiều người vẫn chán lắm!” – anh Cừ chia sẻ.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hậu thừa nhận có tình trạng tắc nghẽn ở một số nơi do lượng người đổ về quá đông. “Động Hương Tích chỉ chứa được tối đa 3.000 người nhưng hôm nay chúng tôi phải đón tới 40.000 người. Chúng tôi đã cố gắng tối đa nhưng nhiều người lại cố tìm cách trèo vào bằng các loại như thang dây, càng trèo càng tắc. Thật sự, nhiều người dân đi lễ hội chưa có ý thức dù ban tổ chức đã tuyên truyền, kêu gọi rất nhiều lần. Chúng tôi cũng mong bên cạnh sự cố gắng của ban tổ chức thì người dân sẽ hợp tác hơn khi đi lễ hội”. Dù vậy, ông Hậu cũng thừa nhận việc bắc thang cho khách đi qua và thu tiền là sai và sẽ chấn chỉnh.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhà chùa đã bố trí lực lượng tăng ni, phật tử đứng ở các điểm để nhắc nhở người dân hạn chế thắp nhang, đặt tiền lẻ nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Tượng sư tử đặt trước chùa lại bị một số du khách thiếu ý thức nhét tiền vào miệng, vào mũi… Trong động Hương Tích, một vài gốc cây cũng xuất hiện tiền lẻ nhưng nhanh chóng được nhà chùa thu dọn.

Lễ hội chùa Hương sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

 

 

Hôm nay khai hội Tịch điền

Hôm nay, mồng 7 tết (6-2), Tịch điền – lễ hội khuyến khích nông nghiệp – diễn ra tại Hà Nam. Cùng ngày, hội Xoan với các màn hát xoan, các tích trò tưởng nhớ thời vua Hùng cũng diễn ra tại Phú Thọ.

Trước đó, một trong những lễ hội luôn thu hút người xem bởi sự độc đáo, náo nhiệt là lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) diễn ra vào mồng 4 tết (3-2 dương lịch). Cùng ngày, hội vật cầu Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã khai hội. Hội vật cầu Thúy Lĩnh gợi nhắc đến hình thức chọn quân, luyện quân đánh giặc của cha ông, kéo dài đến hết mồng 6.

Tại Hà Nội, lễ hội gò Đống Đa kỷ niệm 225 năm vua Quang Trung đại phá quân Thanh đã diễn ra vào sáng mồng 5 tết (4-2 dương lịch). Cũng là lễ hội tôn vinh tinh thần quật cường, đánh đuổi ngoại xâm, hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) đã khai hội vào sáng mồng 6 với các hoạt động rước kiệu, dâng hoa tre, cướp hoa tre…

 

 

HÀ HƯƠNG