Giảng dạy ĐH phải có trình độ cao
Hiện cả nước có khoảng 2.800 ngành đào tạo ĐH. Vừa qua, Bộ đã rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó mới chỉ tập trung vào tiêu chí giảng viên. Những ngành phải tạm dừng tuyển sinh là do thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc không đủ đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ theo quy định.
Giảng dạy ĐH phải có trình độ cao
Thông tin tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đại học của 71 cơ sở đào tạo do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng mà Bộ GD-ĐT công bố từ những ngày cuối năm âm lịch vẫn còn gây sốt trong dư luận.
|
Điều đáng quan tâm là tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều trường ĐH lớn, công lập. Có nhiều ý kiến khác nhau trước thông tin này. Phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về những vấn đề liên quan.
Xin mở ngành thì đủ tiêu chí, khi đào tạo thì thiếu
|
Ông đánh giá thế nào về thực trạng hơn 200 ngành đào tạo ĐH phải tạm dừng tuyển sinh?
Hiện cả nước có khoảng 2.800 ngành đào tạo ĐH. Vừa qua, Bộ đã rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó mới chỉ tập trung vào tiêu chí giảng viên. Những ngành phải tạm dừng tuyển sinh là do thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc không đủ đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ theo quy định. Con số này so với tổng số ngành đang đào tạo thì không phải là lớn nhưng cho thấy thực trạng là khi các trường xin mở ngành thì đủ tiêu chí giảng viên nhưng khi triển khai đào tạo thì lại thiếu.
Một số trường công lập thiếu là do giảng viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác hoặc được phân công làm nhiệm vụ khác mà không được bổ sung kịp thời. Có trường khai trùng số giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nhiều ngành khác nhau. Một số trường ngoài công lập thì có tình trạng một tiến sĩ có tên ở nhiều trường. Vì vậy khi rà soát thì số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ thực tế thấp hơn nhiều so với con số mà các trường kê khai.
Đại diện một số trường cho rằng những ngành mà trường bị dừng tuyển sinh là do có sự nhầm lẫn về số liệu báo cáo. Có trường cho rằng Bộ đã căn cứ vào số liệu cũ nên việc xử lý chưa khách quan?
Không đúng như vậy. Việc rà soát của Bộ bắt đầu từ tháng 3.2013 và kết thúc vào tháng 7.2013. Đến tháng 12.2013, Bộ mới tiến hành xử lý. Trong thời gian này, Bộ đã gọi điện tới các trường có vấn đề và đề nghị bổ sung thông tin và kiểm tra lại báo cáo để tránh sai sót. Tuy nhiên, những trường có ngành thuộc diện bị dừng tuyển sinh không có báo cáo gì bổ sung. Bộ đã căn cứ vào báo cáo của các trường để xử lý. Nếu số liệu không chính xác thì các trường phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình.
|
Có ý kiến cho rằng việc nhiều ngành bị dừng tuyển sinh là do khâu kiểm soát khi các trường mở ngành chưa chặt chẽ?
Thực tế các trường đề nghị mở ngành rất nhiều nhưng chỉ có khoảng 30% số ngành được phép mở. Còn lại các ngành chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì Bộ cũng không cho phép mở. Như vậy là Bộ đã làm rất nghiêm túc chứ không dễ dãi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên khi các trường xin mở ngành thì đủ giảng viên nhưng đến khi triển khai thì lại thiếu.
Xây dựng phần mềm để quản lý
Thực trạng thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ là khá phổ biến hiện nay do quy mô đào tạo tăng quá nhanh. Vì vậy, nếu Bộ có yêu cầu các trường phải bổ sung đội ngũ này thì họ cũng sẽ khai khống cho đủ. Làm thế nào Bộ kiểm soát được, thưa ông?
Hiện cả nước có khoảng 70.000 giảng viên trong đó khoảng 17 – 18% có trình độ tiến sĩ. Trong khi cả nước có 2.800 ngành đào tạo ĐH và mỗi ngành chỉ cần một tiến sĩ. Nhìn tổng thể thì số giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ không thiếu nhưng do số giảng viên này không rải đều ở các ngành, các trường và ở các địa phương. Đặc biệt, ở các vùng khó khăn và các tỉnh xa thì rất thiếu. Một số trường ở thành phố thiếu do vẫn sử dụng những giảng viên đã về hưu giảng dạy mà chưa kịp đào tạo đội ngũ kế cận để thay thế mà người đã về hưu thì không thể là giảng viên cơ hữu được.
|
Cũng có ý kiến cho rằng do tiêu chí của Bộ đặt quá cao và không phù hợp vì những trường đào tạo thực hành, nghề nghiệp hoặc ngành đặc thù thì đâu cần đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, ý kiến ông về vấn đề này thế nào?
Tôi khẳng định rằng tiêu chí của Bộ không hề cao. Như đã nói, mỗi ngành đào tạo ĐH chỉ cần một tiến sĩ đúng chuyên ngành. Ở các nước thì phải có trình độ tiến sĩ mới được giảng dạy ĐH. Đã giảng dạy ĐH thì phải có trình độ cao mới có thể đảm bảo được việc nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, mỗi ngành cần phải có một người là đầu tàu của ngành thì mới có thể dẫn dắt và đào tạo được ngành đó. Nếu một ngành đào tạo ĐH mà không có một tiến sĩ nào thì không thể tồn tại vì không đảm bảo chất lượng. Nếu chỉ đào tạo thực hành thì không cần giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng như vậy thì chỉ phù hợp với bậc CĐ.
Vậy Bộ có biện pháp nào để kiểm soát được việc các trường báo cáo sai số lượng giảng viên đủ điều kiện so với thực tế hay không, thưa ông?
Hiện Bộ đang triển khai xây dựng phần mềm để quản lý danh sách giảng viên. Phần mềm này sẽ sàng lọc được những giảng viên làm cho nhiều trường, nhiều ngành. Điều lệ trường ĐH sắp ban hành cũng sẽ nhắc lại yêu cầu này. Việc kiểm tra cũng sẽ được thực hiện thông qua việc xem xét bảng lương cơ hữu của các trường.
Điều Bộ mong muốn là để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo thì hệ thống giáo dục ĐH phải có một đội ngũ giảng viên hùng hậu và lớn mạnh mới có thể đảm bảo quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng.
Các trường vay mượn giảng viên rất nhiều Buộc các trường không đảm bảo đủ điều kiện phải dừng tuyển sinh, đào tạo một số ngành học là việc làm đúng. Cần phải có quyết định nghiêm khắc để đảm bảo chất lượng. Đào tạo tràn lan, chất lượng kém thì rất lãng phí. Các trường nói chưa bổ sung đủ số liệu, trừ một số trường hợp đặc biệt, chỉ là một cách nói mà thôi. Khi đào tạo phải đảm bảo điều kiện giảng viên, trang thiết bị… và càng ngày càng phải tốt hơn chứ không thể giảm đi được mà phải bổ sung sau này. Quy định một ngành học có một tiến sĩ cũng đã có từ bao năm nay. Ở trường ĐH số lượng tiến sĩ phải nhiều là chuyện đương nhiên. Trước đây chúng ta dùng ĐH dạy ĐH, sau đến thạc sĩ dạy ĐH. Nhưng nói cho đúng, yêu cầu về nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở ĐH rất cao, đòi hỏi phải cấp tiến sĩ mới thỏa mãn được. Chưa kể chất lượng tiến sĩ, chỉ tính số lượng thôi cũng phải đảm bảo. Kể cả một số ngành đặc thù cũng cần phải đủ quy định mới đào tạo, không thì chưa nên giảng dạy. Các trường hiện nay mượn giảng viên rất nhiều. Nhiều ngành học giảng viên chỉ đủ trên danh sách chứ thực tế là vay mượn từ trường khác. Để loại bỏ điều này, cần áp dụng nhiều phương pháp, trong đó quan trọng là kiểm tra bằng phần mềm máy tính. GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) Đăng Nguyên (ghi)
|
Vũ Thơ