“Đừng đợi nước đến chân mới nhảy”
Quyết định của Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH và cảnh báo hàng trăm ngành đào tạo ĐH, CĐ đang khiến nhiều trường như “ngồi trên lửa” khi mùa tuyển sinh đã cận kề.
“Đừng đợi nước đến chân mới nhảy”
Trường ĐH Hà Tĩnh bị dừng tuyển sinh 14 trong tổng số 16 ngành đào tạo bậc ĐH - Ảnh: Văn ĐIịnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lý giải:
– Chất lượng nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã định hướng lại mô hình phát triển của giáo dục ĐH, xem trọng chất lượng thay vì tăng quy mô.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, một mặt tăng quyền tự chủ cho các nhà trường và mặt khác siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa dần hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH, góp phần thực hiện thành công nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Việc phát triển nóng quy mô trước đây trong khi nguồn lực đảm bảo chất lượng còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng số lượng sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng xã hội vẫn thiếu lao động có năng lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điều này đã gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặt khác, tiến trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 đã đến gần. Cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực sắp tới đây sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ nhưng cũng là một thách thức rất lớn đối với các nhà trường. Việc chuẩn hóa quá trình đào tạo để đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đáp ứng khung trình độ, năng lực khu vực và thế giới vì vậy không thể không làm ngay.
Đủ giáo viên sẽ được tuyển sinh trở lại
* Lãnh đạo một số trường cho rằng quyết định này của bộ quá bất ngờ, khiến trường không kịp trở tay khi mùa tuyển sinh đã đến rất gần…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Ảnh: Đăng Lương |
– Thông tư 08 quy định về mở ngành đã có hiệu lực từ đầu năm 2011, trong đó quy định rõ điều kiện mở ngành cũng như hình thức chế tài, xử lý. Năm 2012, bộ đã kiểm tra một số cơ sở và dừng tuyển sinh một số ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.
Đầu năm 2013, bộ đã gửi công văn yêu cầu các trường rà soát tổng thể, báo cáo tình hình đội ngũ của các ngành nghề hiện đang đào tạo. Như vậy các trường có gần ba năm chuẩn bị bổ sung đội ngũ đảm bảo các yêu cầu theo quy định về mở ngành.
Kết quả rà soát lần này cho thấy hơn 75% số trường ĐH đã chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đảm bảo chất lượng đào tạo, thậm chí có ngành số lượng và chất lượng giảng viên vượt xa so với yêu cầu.
Tuy nhiên một số trường, nhất là các trường ở địa phương, trường ĐH nâng cấp từ các trường CĐ, có khó khăn trong xây dựng đội ngũ. Một số trường công lập hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu nhưng theo quy định thì những giáo viên này không được tính vào đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường.
Một số trường ngoài công lập kê khai giáo viên cơ hữu trong khi giáo viên này đã là giáo viên cơ hữu của trường khác. Do đó lực lượng giáo viên cơ hữu thực tế làm nòng cốt đảm bảo chất lượng đào tạo ở các ngành khác nhau theo quy định thấp hơn số các trường kê khai.
* Nhiều trường phản hồi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT vì việc dừng tuyển sinh ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của nhà trường cũng như ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giảng viên. Bộ GD-ĐT liệu có điều chỉnh gì với quyết định của mình sau khi nhận được phản hồi của các trường?
– Khi bị dừng tuyển sinh một số ngành thì đương nhiên các trường cần điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Sinh viên đang theo học các ngành này vẫn được tiếp tục đào tạo đến khi tốt nghiệp ra trường. Trong vòng hai năm, bất cứ lúc nào nhà trường báo cáo có đầy đủ giáo viên thì bộ sẽ cho phép tuyển sinh trở lại.
Quá thời hạn này mà trường không khắc phục được thì quyết định cho phép mở ngành sẽ bị thu hồi. Không phải chỉ có việc mở ngành mà tất cả hoạt động khác của các nhà trường cũng đều phải phù hợp với quy định của pháp luật. Khi các trường đã tự chủ, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động chuyên môn nhưng sẽ kiểm tra, xử lý những vi phạm dựa vào các quy định đã ban hành.
Kế hoạch nhân sự chưa thật tốt
* Những ngành phải dừng tuyển sinh cũng là những ngành trước đây đủ điều kiện để bộ cho phép đào tạo. Vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc mở ngành trước đây như thế nào, thưa thứ trưởng?
– Khi mở ngành, cơ sở đào tạo phải có đủ các điều kiện quy định. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, đội ngũ cán bộ cơ hữu của trường có thể có biến động như chuyển công tác, nghỉ hưu hay những trường hợp bất khả kháng khác khiến ngành đào tạo thiếu giảng viên. Điều này cũng rất dễ xảy ra trong thực tế, nhất là những giảng viên giỏi, có trình độ tiến sĩ rất dễ tìm được việc làm tốt, thu nhập cao. Những trường ở những địa phương còn khó khăn rất dễ bị động về cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ. Đây là đợt rà soát đầu tiên điều kiện đảm bảo chất lượng trình độ ĐH để nhắc các trường phải thường xuyên củng cố đội ngũ, tránh bị động.
* Trong 71 cơ sở giáo dục ĐH có ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh có tên cả những trường ĐH lớn, đặc biệt có trường nói ngành bị dừng đào tạo họ có thừa đội ngũ theo tiêu chuẩn thông thường. Liệu có nhầm lẫn gì ở đây không, thưa thứ trưởng?
“Các trường phải có trách nhiệm rất cao khi thực hiện quyền tự chủ. Chẳng hạn khi thấy ngành nào không còn đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì hiệu trưởng cần lên kế hoạch dừng tuyển sinh ngành đó để bảo đảm quyền lợi người học, không chờ đến khi bộ rà soát, xử lý” |
– Lần này có một số ngành của các trường ĐH tốp đầu cũng bị dừng tuyển sinh. Ngoài lý do thực tế đội ngũ không còn đảm bảo yêu cầu (do cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác, điều động đi làm nhiệm vụ khác…) còn do trách nhiệm báo cáo giải trình của lãnh đạo nhà trường. Nếu báo cáo có sai sót về lực lượng cán bộ dẫn đến việc dừng tuyển sinh thì các trường cần phải hết sức rút kinh nghiệm và giải trình lại số liệu thực tế hiện có của trường mình. Tuy nhiên, đợt rà soát này cho thấy công tác kế hoạch nhân sự của một số trường, ngay cả những trường lớn, làm chưa thật tốt, còn bị động, thiếu sự chuẩn bị mang tính lâu dài. Có những ngành một thời nổi tiếng về chất lượng nhưng nay bị yếu dần do không có đội ngũ thay thế đủ mạnh, thậm chí không còn đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo. Đây là điều rất đáng tiếc. Quyết định dừng tuyển sinh trên 200 ngành đào tạo bậc ĐH lần này nhắc nhở tất cả các trường phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, không đợi đến khi nước đến chân mới nhảy!
* Theo một số chuyên gia, nhiều ngành mới không thể đòi hỏi đội ngũ đa dạng ngay từ đầu, cũng như một số ngành đặc thù phải có cách tiếp cận riêng khi xét lực lượng tham gia giảng dạy. Bộ có cân nhắc cơ chế riêng nào cho các ngành này không?
– Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, những ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, một số ngành ngoại ngữ, các trường ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ có khó khăn trong tuyển dụng cán bộ trình độ cao nên bộ tạm thời chưa dừng tuyển sinh trong đợt này. Tuy nhiên trong thời gian tới các ngành này cần bổ sung đủ giảng viên cơ hữu theo quy định, nếu không cũng sẽ bị dừng tuyển sinh như những ngành khác. Đối với những ngành mới, những ngành được tách ra từ những ngành lớn truyền thống trước đây có thể không có giảng viên tiến sĩ đúng chuyên ngành nhưng phải có giảng viên tiến sĩ ngành gần và giảng viên này có các công trình nghiên cứu liên quan đến ngành mới định mở để dẫn dắt sự phát triển của ngành.
Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Quyết định cần thiết Thời gian công tác chuyên môn của giảng viên có học vị tiến sĩ được kéo dài thêm năm năm, giảng viên có học hàm phó giáo sư thêm bảy năm và giảng viên có học hàm giáo sư thêm 10 năm đã giúp các trường giảm bớt khó khăn về đội ngũ giảng viên. Đề án 322 trước đây và đề án 911 đang thực hiện đã và đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các trường về đào tạo giáo viên trình độ cao. Chính sách nhà nước đã tạo thuận lợi tối đa, còn lãnh đạo các trường cần phải có kế hoạch cụ thể, đầu tư chuẩn bị cho giảng viên trẻ đủ điều kiện tham gia các đề án đào tạo cán bộ. Việc dừng tuyển sinh các ngành còn thiếu giảng viên là cần thiết để nhà trường củng cố đội ngũ của mình. |
Trường không cập nhật thông tin * Lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh – trường bị dừng tuyển sinh 14/16 ngành đào tạo – cho rằng “có thể bộ đã căn cứ hồ sơ cách đây năm năm”. Thực tế Bộ GD-ĐT đã căn cứ vào báo cáo của các trường như thế nào, thưa thứ trưởng? – Về trường hợp Trường ĐH Hà Tĩnh, bộ đã căn cứ trên số liệu báo cáo của trường ngày 20-6-2013 do hiệu trưởng nhà trường ký. Trước khi thông báo tạm dừng tuyển sinh, Vụ Giáo dục ĐH đã trao đổi lại với trường về số liệu báo cáo và yêu cầu trường cập nhật thông tin nếu có gì thay đổi, nhưng trường không cung cấp gì thêm. Khi các trường tự chủ thì chế độ báo cáo và mức độ chính xác thông tin rất quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó xử lý, điều hành. Cũng cần nói rõ thêm đây là đợt rà soát, tạm dừng tuyển sinh một số ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để các trường củng cố đội ngũ chứ không phải thu hồi quyết định mở ngành. Từ nay đến cuối năm 2015 nếu ngành nào khắc phục được sự thiếu sót đội ngũ thì sẽ được tuyển sinh trở lại. |
NGỌC HÀ