Ăn tết để còn sức làm việc
Trước khi nghỉ tết, bốn bác sĩ trao đổi cùng bạn đọc câu chuyện làm sao ăn tết vui khỏe để đầu năm còn sức làm việc. Tết là ngày vui. Nhưng vui chơi thế nào để “không tơi tả” là cả một vấn đề.
Ăn tết để còn sức làm việc
Tết là ngày vui. Nhưng vui chơi thế nào để “không tơi tả” là cả một vấn đề.
Thiếu bia mất vui, nhiều bia lắm bệnh
Ngày tết mà không có rượu bia thì không thành tết. Rượu bia đôi khi cũng tốt vì uống chừng mực giúp con người ta trở nên hào hứng hơn.
|
“Đôi khi cũng cần hãm bớt cái sự sung sướng lại một chút để đạt được sự sung sướng nhiều hơn” BS Tăng Hà Nam Anh
“Bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp không nên uống rượu bia. Nếu có uống chỉ nên uống bằng nửa người bình thường” BS Võ Đôn
“Rối loạn tiêu hóa là lý do thường gặp nhất khiến người bệnh nhập viện vào dịp tết” BS Nguyễn Thanh Hải
“Thời tiết cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lên các yếu tố nguy cơ khác để sinh ra đột quỵ, vào cuối mùa thu, đặc biệt là mùa đông, sang xuân đột quỵ xảy ra nhiều” BS Lưu Kính Khương |
* BS Lưu Kính Khương (khoa gây mê hồi sức BV 115, TP.HCM):
Một lượng nhỏ rượu có thể làm giảm sự ức chế xã hội và tình dục. Chính vì điều này nên có nhiều anh đã lạm dụng vì bình thường rụt rè nhút nhát, nhưng sau vài chén chú chén anh là trở nên hưng phấn nói năng liên tu bất tận.
Tuy nhiên khi uống rượu bia nhiều hơn, vùng vỏ não chịu trách nhiệm ghi lại các hoạt động của con người bị ức chế giống như thư ký quên làm việc khiến con người quên hết những gì xảy ra trong bữa nhậu, nặng hơn có thể quên hết những hoạt động trước đó.
* BS Võ Đôn (khoa nội thần kinh BV 115, TP.HCM):
Nhiễm độc cấp của rượu làm thay đổi những thành phần hóa học trong máu, đặc biệt là muối natri có thể gây ra hủy myelin là chất bao bọc ngoài tế bào thần kinh có chức năng dẫn truyền thần kinh ở cầu não trung tâm có thể gây ra chứng loạn tri giác, mê sảng và rối loạn về vận động tự phát. Nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như không tiếp xúc với bên ngoài và những người xung quanh, nằm liệt giường…
* BS Nguyễn Thanh Hải (chuyên khoa nội tiết BV Trưng Vương, TP.HCM):
Rượu giúp ngày xuân thêm rôm rả, nhưng nếu lạm dụng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Từ ngộ độc rượu có thể làm nguy hiểm đến tính mạng, đến tai nạn giao thông, ẩu đả nhau. Rượu có thể làm huyết áp và đường huyết tăng cao khó kiểm soát, làm khởi phát cơn đau khớp do gút, nhất là những bữa tiệc rượu thịt ê hề. Do đó, muốn vui xuân trọn vẹn thì điều tiên quyết là phải hạn chế bia rượu.
* BS Tăng Hà Nam Anh (BV Nguyễn Tri Phương và Đại học Y dược):
Về vấn đề gút, dân nhậu thường hay bảo nhau uống rượu tốt, uống nhiều càng tốt vì thấy ông bác sĩ nói uống rượu thường bị gút mà gút theo tiếng Anh là tốt, vậy dịch ra uống rượu bia thường “hơi bị” tốt. Thực tế, rượu bia sẽ làm cơn gút cấp xảy ra, nhất là vào mùa lạnh như năm nay. Cái đau của cơn gút cấp ai đã bị một lần thì khó quên vì rất đau. Đau đến nỗi gió thổi qua hay đắp mền cũng gây đau. Năm nay trời lại lạnh mà không đắp mền được thì chỉ có chết cóng. Rượu bia cũng làm người ta mất sự kiểm soát bản thân gây ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Bởi vậy ngày tết năm nào các bác sĩ cấp cứu và chấn thương chỉnh hình cũng phải làm việc.
Đồ ăn ngon dễ gây đầy bụng, khó tiêu
BS Nguyễn Thanh Hải: Rối loạn tiêu hóa là lý do thường gặp nhất khiến người bệnh nhập viện vào dịp tết. Thường thể hiện bởi nhiều triệu chứng: chậm tiêu, cảm giác ăn mau no, đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy.
BS Lưu Kính Khương: Để tránh các sự cố rối loạn tiêu hóa, cần hạn chế các thức ăn quá béo, nhiều gia vị, ăn quá no; hạn chế các thức uống chứa độ cồn cao như rượu mạnh hoặc uống quá nhiều loại bia, rượu khai vị, các loại nước ngọt, nước có gas…
BS Võ Đôn: Nếu bị rối loạn tiêu hóa nặng thì cần vào bệnh viện điều trị. Trường hợp nhẹ có thể chống đầy hơi và buồn nôn bằng các thuốc như Air-X, mỗi lần nhai hay ngậm 1-3 viên mỗi ngày, có thể phối hợp với Domperidon 0,01g, uống 1-3 viên/ngày ngay trước bữa ăn. Nếu bị tiêu chảy có thể dùng Smecta ngày 3 lần, mỗi lần uống 1 gói, đồng thời phải uống thêm nhiều nước.
BS Tăng Hà Nam Anh: Ăn nhậu quá khuya sẽ làm dạ dày căng, dễ bị trào ngược thực quản làm người bệnh hay bị nôn ói buổi sáng. Cảm giác nóng tức sau xương ức khiến người ta ít muốn ăn. Nếu chuyện này xảy ra thì coi như mất cái tết vì tết là để ăn, chơi. Đôi khi cũng cần hãm bớt cái sự sung sướng lại một chút để đạt được sự sung sướng nhiều hơn.
Người cao huyết áp chỉ ăn chơi một nửa?
BS Nguyễn Thanh Hải: Đối với người bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch, cần tránh ăn mặn vì muối sẽ làm tăng huyết áp và gây phù. Một chế độ ăn nhạt là những món đã nêm rồi thì không nên chấm, còn các món chưa nêm hoặc luộc thì có thể chấm. Các loại thức ăn truyền thống như giò thủ, lạp xưởng, tai heo chua… chứa rất nhiều chất béo, vì thế người bệnh tim mạch cũng cần hạn chế các món này.
BS Võ Đôn: Cùng với tiệc tùng kèm theo đi lại nhiều trong thời tiết giá lạnh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng thất thường nên nhịp sinh học của nhiều người bị đảo lộn, gây ra nhiều bệnh tật. Đặc biệt với những người có tiền sử đái tháo đường, tim mạch hay huyết áp cao, việc ăn chơi “xả láng” không kiêng kỵ là nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ trong dịp tết. Rượu làm tăng huyết áp nên làm tăng nguy cơ đột quỵ. Rượu cũng làm giảm bài tiết insulin. Do đó bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp không nên uống rượu bia. Nếu có uống chỉ nên uống bằng nửa người bình thường vì dễ gây hôn mê do đường huyết trong máu tăng hay đột quỵ
BS Lưu Kính Khương: Các nghiên cứu đột quỵ cho thấy trong ngày có hai thời điểm dễ xảy ra là vào đỉnh buổi sáng khoảng 7g và buổi chiều khoảng 17g. Cơ chế xảy ra đột quỵ cấp theo thời gian trong ngày có thể được giải thích như sau: đó là sự thay đổi về nhịp sinh học trong ngày, sự thay đổi về huyết áp, khả năng kết dính tiểu cầu, cũng như sự tăng đông vào buổi sáng điều đó góp phần tăng nguy cơ đột quỵ vào buổi sáng. Thời tiết cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lên các yếu tố nguy cơ khác để sinh ra đột quỵ, vào cuối mùa thu, đặc biệt là mùa đông, sang xuân đột quỵ xảy ra nhiều. Vào mùa này ở Việt Nam có mưa và lạnh, và cuối năm làm việc căng thẳng, tiệc tùng nhiều là các yếu tố thúc đẩy.
BS Tăng Hà Nam Anh: Một khi đột quỵ đã xảy ra, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng sáu giờ đầu tiên. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong, nguy cơ tàn phế.
BS TĂNG HÀ NAM ANH thực hiện
|
Tập trong nhà cũng tốt cho người đái tháo đường BS Nguyễn Thanh Hải: Đường huyết tăng cao khó kiểm soát trong những ngày tết là tình huống thường gặp ở người đái tháo đường. Ăn quá nhiều bữa, dùng nhiều chất bột đường và trái cây, uống nhiều bia rượu là những lý do hay gặp. Ngoài ra, chế độ ăn ít rau, quên uống thuốc và bỏ qua việc tập luyện thể lực cũng là những nguyên nhân làm đường huyết của người bệnh tăng cao. BS Lưu Kính Khương: Để giữ đường huyết ổn định, người bệnh đái tháo đường cần duy trì chế độ điều trị hằng ngày của mình. Tuyệt đối không ăn bánh kẹo ngọt, cố gắng vận động thể lực, uống thuốc đều đặn và dùng rượu bia có chừng mực. BS Võ Đôn: Người đái tháo đường nên ăn nhiều rau, biết cách quy đổi các loại thức ăn có chứa tinh bột, chẳng hạn như 1 chén cơm = 2/3 chén xôi = 1,5 chén bánh phở, bún, mì, nui, ổ bánh mì 90 gam hoặc 3 lát bánh mì sandwich nhưng tuyệt đối không ngụy biện kiểu rượu nấu từ gạo, bia nấu từ lúa mạch đều là tinh bột nên uống bia hay rượu tức là đã cung cấp tinh bột cho cơ thể. BS Tăng Hà Nam Anh: Vận động là chìa khóa để giảm đường huyết. Không nhất thiết phải ra đường đi bộ hay chạy bộ sáng sớm vì trời lạnh và tối dễ bị tai nạn hay đột quỵ. Có thể chọn cách đi bộ vào buổi chiều, hay buổi tối sau khi ăn tối, hoặc có thể đạp xe khoảng 30 phút mỗi ngày. Hoặc đơn giản hơn là các bài tập trong nhà mà có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet như 10 phút để làm bụng nhỏ eo thon… |