08/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp Toà Thượng thẩm Rota

VATICAN – Sáng ngày 24-1-2014, trong buổi tiếp kiến đầu tiên dành cho Toà Thượng thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, ĐTC Phanxicô đã nêu rõ những đức tính thiết yếu của vị thẩm phán toà án của Giáo Hội.

 Đức Thánh Cha tiếp Toà Thượng thẩm Rota

 
VATICAN – Sáng ngày 24-1-2014, trong buổi tiếp kiến đầu tiên dành cho Toà Thượng thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, ĐTC Phanxicô đã nêu rõ những đức tính thiết yếu của vị thẩm phán toà án của Giáo Hội.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có khoảng 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của Toà Rota thuộc nhiều quốc tịch, các luật sư và viên chức khác, dưới sự điều động của vị niên trưởng là Đức ông Pio Vito Pinto.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhấn mạnh rằng “chiều kích pháp lý và chiều kích mục vụ trong thừa tác vụ của Giáo Hội không đối nghịch nhau, vì cả hai đều góp phần thực hiện mục tiêu và sự thống nhất hoạt động của Giáo Hội. Hoạt động tư pháp của Giáo Hội, trong tư cách là việc phục vụ cho sự thật trong công lý, có ý nghĩa sâu xa về mục vụ, vì nhắm đạt tới thiện ích cho các tín hữu và xây dựng cộng đoàn Kitô… Vì thế, chức vụ của vị thẩm phán là một công tác phục vụ Dân Chúa, nhắm củng cố sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu với nhau và giữa họ với cộng đoàn Giáo Hội”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nêu rõ 3 đặc tính thiết yếu của vị thẩm phán toà án Giáo Hội:

– Trước tiên về mặt con người, vị thẩm phán phải trưởng thành về nhân bản, được biểu lộ qua phán đoán thanh thản, không để những quan điểm cá nhân của mình lèo lái. Thẩm phán phải có khả năng biết rõ tâm thức và những khát vọng hợp pháp của cộng đồng mà mình phục vụ, và không thể thực thi một thứ công lý vụ luật và trừu tượng, trái lại biết thích ứng với những đòi hỏi của thực tại cụ thể.

– Thứ hai về mặt pháp lý: ngoài những kiến thức về giáo luật và thần học, khi thi hành sứ vụ, vị thẩm phán phải có phán đoán khách quan và công chính, không thiên vị. Ngoài ra khi hành động vị thẩm phán phải để cho mình được ý hướng bảo vệ sự thật hướng dẫn, trong niềm tôn trọng luật pháp, không bỏ qua tính chất tế nhị và tình người của vị mục tử các linh hồn.

– Sau cùng về mặt mục vụ, vị thẩm phán phải có tinh thần mục vụ chân thành, trong tư cách là người biểu lộ mối quan tâm mục vụ của Đức Giáo hoàng và các giám mục. Thẩm phán là người làm mục vụ công lý, được kêu gọi xử lý và phán đoán về tình trạng của các tín hữu tìm đến thẩm phán với niềm tín thác, noi gương vị Mục Tử nhân lành chăm sóc con chiên bị thương. Vì thế, thẩm phán phải được đức bác ái mục tử linh hoạt. (SD 24-1-2014)