Nhà giáo sợ tết
Tâm sự này của một giáo viên dường như cũng là nỗi lòng của nhiều đồng nghiệp những ngày cuối năm. Chuyện thưởng tết đã bắt đầu râm ran ở nhiều đơn vị nhưng với giáo viên thì khác.
Nhà giáo sợ tết
Thầy cô ở xã A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam) phải băng rừng vượt suối mới đến được trường để dạy học Ảnh: Đoàn Cường
Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, thưởng tết không có quy định trong ngành giáo dục, nếu trường nào tiết kiệm được nhiều thì hỗ trợ nhiều cho giáo viên, còn không dư thì không có. Việc hỗ trợ tết cho giáo viên ở khu vực TP cao là do các trường này có điều kiện thuận lợi, nguồn thu từ nhiều hoạt động cao và đảm bảo. Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tình hình ngược lại.
20 năm chưa biết thưởng tết
“Năm 1994, từ khi Nhà nước đưa tất cả khoản vào lương đến nay, thầy cô vùng núi này chẳng biết thưởng tết là gì. Mình biết vậy nhưng chừ kiến nghị ai, huyện thì không có khoản để chi, dân xứ núi này nghèo quá lo tết cho họ chưa được lấy đâu lo thầy cô” – thầy Lê Văn Hà, trưởng Phòng giáo dục – đào tạo huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, tâm sự thẳng thắn khi được hỏi về chuyện thưởng tết cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Trang, người huyện Thăng Bình, lên vùng núi Phước Sơn nhận công tác đã bảy năm. Đã bảy cái tết, cô Trang cũng như các đồng nghiệp của mình quên hẳn chuyện tiền thưởng, quà xuân. Cô Trang kể rằng cuối năm khoản tiền từ công đoàn trừ hằng tháng để đi thăm hỏi, cưới xin, thăm đau, thăm sinh nở… các thầy cô mà còn dư thì được chia lại cho chai nước mắm, nửa ký hạt dưa. Năm nào thầy cô, người quen ốm đau nhiều, cưới xin nhiều, ma chay nhiều có khi số tiền đó còn âm sang năm kế tiếp.
Cô Vũ Thị Kim, người M’Nông, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng, đã gắn bó với học sinh các bản làng nơi này gần mười năm. Cũng như các cô giáo vùng cao khác, mong muốn học trò đến trường đông đủ là niềm vui lớn nhất của nghề. “Tết năm nào cũng vậy, chỉ có thầy cô đến thăm các em, động viên các em đến lớp. Tôi còn mang cả bút chì, vở, tẩy, giấy màu cho các em nữa. Mong các em đừng bỏ lớp, thất học…”.
Cô Kim chia sẻ rằng người dân vùng cao này đã quá vất vả. Chỉ có con đường học mới giúp các em đổi thay. “Dù sao chúng tôi cũng có đồng lương, tuy không cao nhưng không thiếu như người dân nơi đây thất bát vụ mùa…” – cô Kim tâm sự.
Ông Trần Văn Nhựt, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết giáo viên toàn tỉnh không có thưởng tết vì quy định Nhà nước không có. Nhưng các thầy cô ngành giáo dục Quảng Nam có một khoản gọi là “quỹ đồng nghiệp” của công đoàn ngành chia sẻ cho nhau, chủ yếu là chia cái khó với thầy cô miền núi. “Mỗi trường được vài suất quà, cũng là mắm muối, động viên tinh thần là chủ yếu. Đừng nói chuyện thưởng ngành giáo dục mà buồn” – ông Nhựt chia sẻ.
Từ ký hạt dưa đến 3 triệu đồng
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thưởng tết cho giáo viên 2-3 triệu đồng, trong khi đó một số trường chỉ dự định hỗ trợ giáo viên ăn tết bằng ký mứt, hạt dưa…
Đa số trường thưởng tết bằng tiền mặt cho giáo viên đều ở khu vực thành phố, còn lại các huyện vùng cao như Lạc Dương, Bảo Lâm… đến giờ này khi được hỏi đã nghe thông tin hỗ trợ tết chưa thì nhiều giáo viên vẫn ngậm ngùi trả lời không biết.
Thầy Nguyễn Ngọc Sanh, hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt), cho biết tết này trường quyết định thưởng tết mỗi giáo viên 2 triệu đồng. “Làm gì thì làm, trước đó mình cũng phải tính toán dư ra chút ít để hỗ trợ anh em trong trường ăn tết cho ấm lòng” – thầy Sanh chia sẻ.
Tương tự, năm nay Trường THPT chuyên Thăng Long (đường Trần Phú, TP Đà Lạt) cũng trích quỹ trường hơn 300 triệu đồng để thưởng tết cho 102 cán bộ, giáo viên nhà trường. “Cả năm trường thực hiện chi tiêu ngân sách phải tính toán từng li từng tí để cuối năm dư ra còn thưởng cho cán bộ, giáo viên phấn khởi. Tính trung bình năm nay mỗi cán bộ, giáo viên trường tôi được thưởng 3 triệu đồng/người nên ai cũng vui mừng” – thầy Võ Tấn Huệ, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thăng Long, cho hay.
Trong khi nhiều giáo viên tại TP Đà Lạt vui mừng vì hay tin nhận thưởng tết bằng tiền mặt thì nhiều giáo viên vùng huyện lại lo lắng không biết tết này có được thưởng gì không. Mấy hôm nay, thầy Dương Trí Táo, hiệu trưởng Trường THPT Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đang băn khoăn tính toán các khoản để hỗ trợ quà tết cho 52 giáo viên trong trường. Theo thầy Táo, thưởng tết cao nhất chỉ có ký mứt, hạt dưa gọi là cho có chứ nguồn quỹ nhà trường rất eo hẹp.
“Gọi thưởng tết cho sang chứ hỗ trợ còn chưa ra hỗ trợ, làm giáo viên mấy chục năm nhắc đến chuyện thưởng tết buồn lắm” – thầy Táo thở dài nói.
TẤN VŨ – PHAN THÀNH