16/01/2025

Dạy con như uốn cây

Do dạy con sai phương pháp, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng nghiêng về một trong hai thái cực: hoặc quá cứng rắn, bạo lực với con, hoặc quá nuông chiều, dẫn đến những hậu quả khó lường.

 

Dạy con như uốn cây

Do dạy con sai phương pháp, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng nghiêng về một trong hai thái cực: hoặc quá cứng rắn, bạo lực với con, hoặc quá nuông chiều, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Được voi đòi tiên


Dạy trẻ sống có khuôn phép sẽ tốt cho cuộc sống của trẻ sau này - Ảnh: Đào Ngọc Tthạch 

Chiều nào đi học về, bé Tom 5 tuổi cũng đòi mua một món đồ chơi. Chả là ngay ở cổng trường, những mặt hàng dành cho trẻ em như siêu nhân, bóng bay, kèn, trống, các con vật ngộ nghĩnh biết chạy, kêu với đủ màu sắc được bày bán la liệt. Thấy con quá thích nên lần đầu tiên, chị Linh mua một cái kèn sặc sỡ, thổi toe toe rất to. Mấy hôm sau, Tom lại đòi mua người nhện mặc dù ở nhà đã có bộ sưu tập siêu nhân đầy đủ các nhân vật từ người khổng lồ, người nhện, người dơi… “Người nhện ở nhà bé và xấu lắm, con muốn người nhện to lớn này cơ!”, Tom vừa khóc vừa nằng nặc đòi. Thấy con ngồi bệt xuống đường không chịu về, chị Linh lại phải mua.

Các chuyên gia tâm lý nhìn nhận đây là thái độ “được voi đòi tiên” mà đứa trẻ nào cũng có khả năng mắc phải nếu cha mẹ không cương quyết ngay từ đầu. Trẻ con vốn mau thích mau chán, mặc dù mình có nhiều đồ chơi đẹp nhưng ra ngoài thấy một cái tương tự, vẫn muốn có thêm. Cha mẹ nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng cứng rắn để giải thích. Ví dụ: “Con còn rất nhiều đồ chơi ở nhà, nếu mua nữa thì siêu nhân ở nhà sẽ buồn lắm. Mẹ sẽ không mua thêm đâu nhé”. Trong trường hợp trẻ khóc, ăn vạ, thì vẫn cương quyết nói “không”. Chắc chắn lần sau, trẻ sẽ không đòi nữa.

Việc nuông chiều con còn thể hiện ở rất nhiều tình huống sinh hoạt hằng ngày. Chị Bích Thúy (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con gái học lớp 1, chia sẻ: “Vì thương con, xót con nên mỗi lần thấy ông xã thẳng thừng từ chối một yêu cầu nào đó của con, dùng lời lẽ cứng rắn dạy con hoặc lấy roi dọa đánh đòn, mình lại bênh. Trẻ con rất tinh ý, biết là có người bảo vệ nên cháu không sợ nữa, lần sau tiếp tục mè nheo, đòi hỏi”.

Cũng vì thương con, sợ con vất vả, nhiều bậc cha mẹ làm hết những việc mà lẽ ra con mình có thể tự làm, hoặc sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của con.

Có một khuôn phép nhất định 

Ca dao có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Thành ngữ cũng có câu: “Bé không vin thì cả gãy cành”. Các cụ cũng ví von việc dạy con giống như uốn một cái cây. Lúc cái cây còn non, nó có thể uốn theo mọi hình dáng mà người trồng cây muốn, nhưng khi cây đã lớn rồi, lúc đó muốn uốn cũng không được nữa vì cành đã cứng, uốn chỉ có gãy. Con người cũng vậy, lúc trẻ lên năm lên ba là thích hợp nhất để uốn nắn, dạy trẻ việc đúng sai, thái độ sống…

Chị Lê Thị Loan (ngụ ở Q.12, TP.HCM) buồn rầu chia sẻ: “Do nuông chiều con gái từ nhỏ, con tôi muốn gì được nấy nên bây giờ nếu không đáp ứng là con vùng vằng, hành động bột phát khiến vợ chồng tôi rất lo sợ”. Còn chị Linh thì cho biết có lần con trai đòi mua xe hơi điều khiển từ xa, mẹ không mua, cu cậu dọa bỏ nhà đi. Và có lần Tom bỏ đi thật. Cả nhà náo loạn đi tìm thì thấy cu cậu đang ngồi ủ rũ dưới gốc cây bàng của chung cư.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định: “Bất cứ ai sống trong cuộc sống cũng phải theo một cái khung nhất định. Nếu để trẻ muốn gì cũng được, thích gì làm đấy mà không theo một khuôn phép nào thì hậu quả là sau này lớn lên, trẻ sẽ không hòa nhập được với xã hội. Vì vậy, cha mẹ phải dạy trẻ cái nào được làm, cái nào không được làm, trên cơ sở tôn trọng và chấp nhận sự sáng tạo của trẻ. Nếu không, khi trẻ lớn rồi sẽ không thể uốn nắn được”.

Tiến sĩ Điệp cho rằng trong gia đình, cha mẹ phải thống nhất với nhau cách dạy con, tránh trường hợp cha không đồng ý con làm việc gì đó còn mẹ lại khuyến khích. “Không nên quá cứng nhắc, khắt khe nhưng cũng không được dễ dãi. Chúng ta nên tôn trọng trẻ nhưng vẫn phải có một khuôn phép nhất định. Vì cái khuôn này chính là nền tảng định hình nhân cách, đời sống của trẻ sau này”, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp đưa ra lời khuyên. 

 

Đề ra những nguyên tắc cụ thể

Khi con 3 tuổi bắt đầu đi mẫu giáo, vợ chồng tôi đã soạn một thời gian biểu để cháu làm theo. Ví dụ buổi sáng bắt đầu dậy từ lúc 6 giờ 30. Đúng 7 giờ con được đưa tới trường. Buổi tối, 18 giờ cả nhà ăn tối, nghỉ ngơi đến 18 giờ 30 tôi hoặc ông xã sẽ tắm cho con. Từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 là lúc tôi và ông xã dạy bé học, những bài học đơn giản về chữ số, ghép hình, tô màu… Sau đó cho con đánh răng để đúng 21 giờ kém 15 là lên giường đi ngủ.

Mọi thứ đã vào khuôn, cứ thế cha, mẹ và con thực hiện. Hôm nào con mệt thì sẽ thay đổi chút xíu. Hoặc nếu cả nhà đi ra ngoài vào buổi tối thì có thể ngủ trễ hơn.

Khi sống có nguyên tắc, con sẽ ít vòi vĩnh, không đòi hỏi được nuông chiều, tốt cho con trong cuộc sống sau này.

Nguyễn Minh Hương 
(Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

Mỹ Quyên