17/01/2025

Thuỷ đậu xuất hiện dù chưa phải mùa

Trước những ca nhập viện do mắc bệnh thuỷ đậu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1(TP.HCM), các bác sĩ lại gióng lên hồi chuông cảnh báo phụ huynh không được lơ là căn bệnh tưởng chừng ít nguy hiểm này.

Thuỷ đậu xuất hiện dù chưa phải mùa

Trước những ca nhập viện do mắc bệnh thuỷ đậu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1(TP.HCM), các bác sĩ lại gióng lên hồi chuông cảnh báo phụ huynh không được lơ là căn bệnh tưởng chừng ít nguy hiểm này.

Một trẻ ba tháng rưỡi tuổi bị thuỷ đậu đang điều trị nội trú tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: My Lăng 

“Con tôi bị thuỷ đậu đến bữa nay là sáu ngày rồi nhưng mới nhập viện hôm qua. Năm ngày trước tôi để bé ở nhà, đi khám với uống thuốc bác sĩ tư gần nhà cho tiện. Bé bị lây từ anh, tôi cũng bị lây từ con nhưng nhẹ hơn. Còn bé đến ngày thứ ba thì nổi nhiều, sốt cao, phải đưa vô bệnh viện” – chị Phạm Thị Mộng Tuyền (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang vỗ về cô con gái bé bỏng L.A.N. mới ba tháng rưỡi tuổi khóc ngằn ngặt, nói. Bé L.A.N. hiện là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong phòng nội trú của khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Biến chứng nặng suýt tử vong

Chỉ riêng ngày 8-1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận sáu trường hợp bệnh nhi bị thuỷ đậu. Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: “Số bệnh nhi mắc bệnh thuỷ đậu bắt đầu tăng từ giữa tháng 12-2013 dù chưa phải mùa bệnh. Hiện mới là đầu mùa nhưng đã xuất hiện nhiều so với những năm trước.

Các năm trước thời điểm này chưa có. Tháng 2 mới vào mùa của bệnh và kéo dài đến tháng 6, trong đó cao điểm là tháng 3 và tháng 4. Ngoài ra có trường hợp bị biến chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao và xảy ra ở những trẻ rất nhỏ. Ngày 7-1, chúng tôi vừa tiếp nhận thêm sáu ca. Tất cả các bé khi nhập viện đều bị biến chứng do cơ địa (miễn dịch kém hoặc những bé trên 10 tuổi hay bị biến chứng nặng), cách chăm sóc không đúng khiến bé bị nhiễm trùng da”.

Trong các trường hợp nhập viện, một bé bị biến chứng rất nặng có nguy cơ tử vong. Đó là bé trai 13 tuổi, nhập viện đầu tháng 1-2014. Bệnh nhi này bị thuỷ đậu đã bảy ngày và khi bị sốt cao biến chứng thành viêm phổi rất nặng, suy hô hấp, khó thở dẫn đến hôn mê thì gia đình mới đưa bé nhập viện trong tình trạng ngưng thở. Bé phải thở máy liên tục 10 ngày cùng kháng sinh liều cao và đã may mắn qua khỏi tình trạng nguy kịch.

10 ngày tuổi đã bị thuỷ đậu

Đáng lo ngại là bệnh thuỷ đậu xuất hiện ở những trẻ rất nhỏ, có trẻ mới 1 tháng tuổi và thậm chí mới 10 ngày tuổi do lây từ mẹ. “Trong các nguồn lây thì lây từ mẹ là nguy hiểm nhất vì bé sơ sinh hệ miễn dịch kém, nổi bóng nước nhiều dễ bị nhiễm trùng, dễ bị viêm phổi. Nguyên nhân thứ hai là tiếp xúc với các bạn trong lớp hoặc người khác đang bị thuỷ đậu” – bác sĩ Khanh cho hay.

Theo bác sĩ Khanh, khi bị thuỷ đậu trẻ lớn thường nặng hơn trẻ nhỏ, kèm sốt cao, đau nhức mình mẩy rồi sau đó phát bóng nước. Còn trẻ nhỏ đang bình thường, hôm sau nổi bóng nước và trong vòng 24 giờ sẽ nổi toàn thân. Trẻ nào khoẻ thì nổi ít, yếu thì nổi nhiều và những trẻ này rất dễ nhiễm trùng da. Khi nhiễm trùng da sẽ để lại sẹo xấu, hoặc nặng nữa là nhiễm trùng huyết và trầm trọng hơn thì gặp biến chứng vào phổi.

Về quan niệm sai lầm của nhiều cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ bị bệnh thuỷ đậu, bác sĩ Khanh lưu ý: “Ông bà mình cho rằng để bé nổi bóng nước càng nhiều càng tốt, trong khi bệnh này bóng nước nổi càng ít càng tốt và phải điều trị sớm để bóng nước không nổi nhiều. Người lớn cần hiểu sức đề kháng của trẻ tốt thì mới không bị nổi nhiều. Chưa kể người già chữa theo kinh nghiệm dân gian cứ ủ bé lại không cho mụn nước nổi và không tắm cho bé khiến bé bị ngứa, gãi gây nhiễm trùng da.

Cha mẹ không kiêng ăn cho bé hoặc không tắm nước nấu với lá mà phải tắm rửa bằng xà bông như bình thường. Cách phòng bệnh là đeo khẩu trang, rửa tay hằng ngày, cách ly trẻ khi nhà hoặc khu vực xung quanh có người bị thuỷ đậu và nên cho trẻ chích ngừa”.

MY LĂNG

 

 

“Khi thấy bé nổi bóng nước nhanh (trong vòng 12 – 24 giờ) và rải rác toàn thân chứ không co cụm một chỗ thì khả năng bé bị thuỷ đậu rất cao, phải cách ly bé để tránh lây lan cho những người xung quanh. Nếu nốt mụn hóa mủ và sốt cao phải đưa bé đi bệnh viện ngay. Với trẻ trên 8 tuổi, nguy cơ biến chứng nặng do khả năng phản ứng với bệnh này nhiều nên đừng chủ quan nghĩ bé lớn sẽ khoẻ hơn”.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH
(Trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1)