17/01/2025

Những môn học… ầu ơ

Nhìn vào thời khóa biểu của học sinh cấp I, cấp II thấy có những môn học rất chi… ầu ơ như môn may vá, thêu thùa, đan lát… Không nói ra nhưng ai cũng biết hiệu quả của môn học này hầu như bằng không bởi việc may vá, thêu thùa, đan lát không thể học lõm bõm vài buổi trên lớp là được, mà phải có cả quá trình lâu dài, hơn nữa cần có năng khiếu nhất định.

 

Những môn học… ầu ơ

Những môn cần thì không được học, những môn “bị” học thì ít có ý nghĩa thực tiễn, học thì ít mà “hành” người học thì nhiều.

 

Nhìn vào thời khóa biểu của học sinh cấp I, cấp II thấy có những môn học rất chi… ầu ơ như môn may vá, thêu thùa, đan lát… Không nói ra nhưng ai cũng biết hiệu quả của môn học này hầu như bằng không bởi việc may vá, thêu thùa, đan lát không thể học lõm bõm vài buổi trên lớp là được, mà phải có cả quá trình lâu dài, hơn nữa cần có năng khiếu nhất định.

Đem những môn này dạy cho các học sinh nam lại càng không ổn khi đối tượng chính thực hành môn này (làm giùm các em) là người thân của các em như ông bà, cha mẹ, cô dì… chứ rất ít em tự làm. Bởi thường cô giáo đã “linh động” cho phép học sinh thực hành tại nhà rồi mang đến lớp cho cô chấm. Thằng cháu tôi học lớp 5, khi học môn công nghệ về phụng phịu: “Chán mẹ quá! Mẹ thua dì của bạn Na. Dì ấy là thợ may nên thêu cho bạn Na được điểm 10, còn mẹ làm cho con thì cô chấm có 6 điểm thôi à.”

Vô lý và vô bổ như thế tại sao chúng ta không mạnh dạn bỏ những môn học đó để thay vào những môn thiết thực, gần gũi hơn như dạy bơi lội, dạy cách tham gia giao thông chẳng hạn. Ai cũng biết bơi lội có những tác dụng rất thiết thực cho sức khỏe…, và đặc biệt tránh được những cái chết vô lý vào mỗi mùa mưa bão. Làm tốt việc này sẽ hạn chế rất nhiều những cái chết thương tâm do trẻ ham chơi bị đuối nước. Chắc chắn học sinh vốn ưa thích những môn học vận động sẽ rất háo hức và học tốt môn học này.

Hoặc Luật giao thông đường bộ nếu được dạy cho trẻ ngay từ đầu sẽ là hành trang theo trẻ suốt đời. Tai nạn giao thông ở xứ ta mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mà nguyên nhân phần lớn là do thiếu hiểu biết hoặc thiếu kỹ năng cần thiết về an toàn giao thông. Nguồn gốc sâu xa của vấn nạn này cũng là từ sự thiếu giáo dục về tham gia giao thông.

Lâu nay giáo dục của ta chỉ đề cập nhiều đến những điều lớn lao, to tát hoặc những điều quá bao đồng mà quên đi dạy cho trẻ những kỹ năng sống thiết thực, những kinh nghiệm đời thường mà mỗi con người đều cần đến. Xin mạo muội góp mấy ý kiến nhỏ để các nhà làm giáo dục quan tâm tham khảo, nghiên cứu trong việc cải cách giáo dục hiện nay.

NGUYỄN VĂN HÙNG

 

 

Học tin học hay luyện game?

Có thể công tác giảng dạy bộ môn tin học ở các thành phố lớn đã đi vào ổn định. Tuy nhiên tại các trường học ở các tỉnh lẻ, tin học vẫn được các em hiểu một cách trừu tượng, nhạt nhòa. Tới giờ tin học, cô giáo phụ trách sẽ dẫn vào phòng máy để dạy vẽ, thời gian còn lại những bạn đã thông thạo máy tính sẽ dạy những bạn khác chơi game (trò chơi). Tất cả chỉ có vậy.

Số người nghiện game ở VN đang gia tăng một cách đáng báo động. Phải chăng đó là do việc các em không được phổ cập và đang hiểu sai vai trò ứng dụng của công nghệ thông tin trong đời sống. Chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà bộ môn tin học đã mang lại. Tuy nhiên, nếu đã được xem như một môn học trong trường tiểu học thì thầy cô cần giúp các em hiểu rõ hơn vai trò của môn học này, tránh những nhận thức lệch lạc xuất hiện trong tư tưởng các em. Riêng cá nhân người viết nghĩ rằng nếu đã là môn học, hãy tập cho các em thói quen đánh máy thành thạo, đúng quy cách ở lứa tuổi tiểu học thay vì sự khéo tay với những hình vẽ trên máy tính và những trò chơi điện tử hấp dẫn nhưng nguy hại.

NGỌC DIỄM