15/01/2025

Ăn nhiều đổ bệnh

Toàn thế giới có gần 1,5 tỉ người béo phì và quá cân. Ở VN, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã có 8% người Việt được xếp vào diện này. Bên cạnh đó, chế độ ăn của người Việt khá thiếu chất, nhất là vitamin, khoáng chất. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết:

Ăn nhiều đổ bệnh

Toàn thế giới có gần 1,5 tỉ người béo phì và quá cân. Ở VN, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã có 8% người Việt được xếp vào diện này. Bên cạnh đó, chế độ ăn của người Việt khá thiếu chất, nhất là vitamin, khoáng chất. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: 
Béo phì là tình trạng đáng báo động ở trẻ em – Ảnh: N.C.T.

 

– Năm 1981 người Việt chỉ ăn bình quân có 11 gam thịt/người/ngày, con số này tăng nhanh cho đến nay lên 84 gam/người/ngày. Đó là con số bình quân chứ thực tế dân cư thành thị và các thị xã, thị trấn có khi dùng gấp 2-3 số lượng này (bình quân dân thành phố, thị xã dùng 37kg thịt và 27kg cá/người/năm – PV). Trong khi đó lượng rau xanh gần như không tăng trong hơn 30 năm qua. Các công việc phải dùng sức như đi bộ, dùng xe đạp đi làm… thì nay người dân chuyển hầu hết sang đi xe máy, ôtô. Điều đó khiến tỉ lệ người Việt thừa cân, béo phì tăng rất nhanh, hiện tính chung các lứa tuổi lên tới khoảng 8%, nhưng ở nội thành TP.HCM có đến 20-30% học sinh tiểu học thừa cân, béo phì. Tại Hà Nội, con số này thấp hơn nhưng cũng xấp xỉ 20%. Một điều tra gần đây tại quận Đống Đa (Hà Nội) trên nhóm học sinh THCS thì tỉ lệ thừa cân, béo phì khoảng 15%.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Ảnh: Dương Ngọc

* Thưa bà, trong số những yếu tố như bữa ăn giàu năng lượng, ít vận động, yếu tố nào là mấu chốt dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở người Việt?

 

– Trước năm 1985 chỉ có 0,4% người sống ở thành thị VN béo phì, thừa cân, còn nông thôn hầu như không có người thừa cân, người béo. Nhưng hiện nay con số chung toàn quốc đã lên đến khoảng 8% dân số, tính theo con số tuyệt đối là 7,3 triệu người.

Rất khó nói yếu tố nào là mấu chốt, nhưng tôi muốn kể câu chuyện của người Nhật, khi khảo sát bữa ăn người Nhật 40 năm qua thì lượng chất béo ăn vào hầu như không đổi, phát triển kinh tế hầu như không làm gia tăng người thừa cân, béo phì. Nhưng VN giống như hầu hết các nước, lượng chất béo ăn vào gia tăng cùng với phát triển kinh tế, “đầu vào” quá dư thừa năng lượng, nhiều chất béo, chất bột đường, trong khi thời gian tập thể dục, đạp xe, vận động để tiêu hao năng lượng lại giảm. Lượng rau xanh cung cấp nguồn chất xơ quan trọng tối thiểu nên ăn 300 gam/người/ngày, 30 năm nay VN chỉ sử dụng khoảng 200 gam/người/ngày.

 

“Người Nhật 40 năm qua lượng chất béo ăn vào không thay đổi. Người Việt 30 năm qua tăng từ 11 gam thịt/người/ngày nay lên 84 gam”

 

* 7,3 triệu người béo phì, thừa cân chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm là con số đáng suy nghĩ. Những hệ lụy sức khỏe nào cần cảnh báo ngay từ bây giờ, liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, thưa bà?

– Điều đáng suy nghĩ nhất hiện nay là dân cư thành thị như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng ăn dư năng lượng, nhưng thực chất vẫn thiếu vitamin, khoáng chất thiết yếu như sắt, kẽm… Trong khi khu vực nông thôn vừa thiếu năng lượng (năng lượng ăn vào thấp hơn nhu cầu khuyến nghị), đồng thời thiếu cả vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì cũng liên quan đến hàng loạt bệnh tật trong tương lai, nhất là bệnh do béo phì, ít vận động như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa… Gần đây, các căn bệnh này gia tăng rất nhanh, như bệnh đái tháo đường đã tăng 211% trong vòng 10 năm qua và dự báo còn tăng.

* Vậy bà có khuyến cáo nào với khẩu phần ăn của người Việt hiện nay để đảm bảo sức khỏe, giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai?

– 30 phút tập thể dục mới tiêu hao được 100 kcl, 1 giờ đến 1 giờ 30 phút đi bộ hoặc đạp xe mới dùng hết 200 kcl, trong khi mức năng lượng nạp vào của một người lao động bình thường là khoảng 2.000 kcl/ngày. Như vậy để thấy nếu lượng năng lượng nạp vào cao mà các hoạt động thể lực không tương xứng dẫn đến hiện tượng thừa năng lượng, năng lượng thừa không cất vào đâu mà chỉ để dành vào mỡ dẫn đến thừa cân, béo phì. Vì vậy tôi muốn khuyến cáo nếu người bình thường ăn 200 gam thịt/ngày thì nay chỉ nên ăn 100 gam thịt, phần còn lại thay bằng cá hay đậu phụ, hoặc uống sữa không đường tách béo. Hoặc nếu muốn ăn chiếc bánh ngọt thì nên thay bằng bắp ngô ít năng lượng hơn.

Gần đây lượng tiêu thụ ngô, khoai đã giảm nhiều vì các bà mẹ không có thời gian tìm ngô khoai luộc cho con ăn. Chưa kể, ăn cơm thịt, bánh ngọt rõ ràng là ngon hơn với nhiều người, nhưng với tình trạng tiêu thụ thực phẩm hiện nay thì nên thay đổi bữa ăn, thêm ngô khoai vào khẩu phần sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Đồng thời nên tính toán thời gian để tập thể dục trong ngày, có khi chỉ nhẹ nhàng là đạp xe, đi bộ.

LAN ANH