27/12/2024

Trám “lỗ thủng” văn hoá, đạo đức

Năm 2013, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn về văn hoá và đạo đức. Trên số báo cuối cùng của năm, Tuổi Trẻ mời các chuyên gia của nhiều lĩnh vực tham gia bàn luận, tìm giải pháp để trám “lỗ thủng” văn hoá, đạo đức nhằm hướng đến năm 2014 tốt đẹp hơn.

Trám “lỗ thủng” văn hoá, đạo đức

Năm 2013, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn về văn hoá và đạo đức. Trên số báo cuối cùng của năm, Tuổi Trẻ mời các chuyên gia của nhiều lĩnh vực tham gia bàn luận, tìm giải pháp để trám “lỗ thủng” văn hoá, đạo đức nhằm hướng đến năm 2014 tốt đẹp hơn.

Bàn tròn cuối năm: tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhà báo Nguyễn Thế Thanh (từ trái sang) – Ảnh: Tự Trung 

Chăm chút, nâng niu những điều tốt đẹp, tử tế; củng cố, nuôi dưỡng văn hóa cá nhân, gia đình; không né tránh những cái xấu, cái tiêu cực… là những giải pháp để trám “lỗ thủng” văn hóa, đạo đức.

 

Câu chuyện giữa các nhà nghiên cứu, người quan sát, người làm luật, nhà hoạt động giáo dục về những hiện tượng đắng lòng của năm 2013 như con giết mẹ, chồng giết vợ, “hôi bia”, sát hại người yêu, gian dối trong nghiên cứu khoa học… khiến bàn cà phê sáng trở nên sôi nổi, nóng bỏng giữa Sài Gòn se lạnh của những ngày cuối năm.

 

“Tôi thích hình ảnh của nhà văn Nguyễn Khải: cuộc đời như cái bánh xe lăn giữa hai bờ thiện và ác, sáng và tối. Lực bên nào mạnh hơn, nó sẽ lăn về bên ấy. Cái chèn bánh xe chính là pháp luật, chính là văn hóa. Cuối cùng thì cũng chính là vấn đề con người”

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

“Khi nói đến văn hóa nhiều nhất chính là khi thiếu văn hóa nhất. Văn hóa bắt đầu từ con người, lỗ hổng văn hóa cũng bắt đầu từ con người”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

“Đừng coi thường những hành vi nhỏ nhặt như nhắc một người đi đường gạt chân chống xe, sắp rơi bóp, cẩn thận cho em bé ngồi phía sau, dừng đèn đỏ… Văn hóa nằm trong những hành vi đó. Và khi từng hành vi nhỏ cũng thấm đẫm văn hóa thì văn hóa sẽ lan tỏa ra với cuộc đời”

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

 

“Đặc điểm lớn nhất của Sài Gòn là bao dung, tiếp nhận, chia sẻ, không kỳ thị, chấp nhận khác biệt, vì thế mà dễ thăng hoa, cũng dễ xuống cấp…”, vừa đến gần bàn cà phê trong một quán sân vườn rất Sài Gòn đã nghe tiếng luật sư Trương Trọng Nghĩa trao đổi sôi nổi với vợ, nhà báo Nguyễn Thế Thanh. “Đặc điểm ấy hình thành từ trong lịch sử Sài Gòn, miền Nam, là nơi được mở cõi…” – tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người bạn thân của gia đình ông Nghĩa, vừa kéo ghế ngồi vừa tham gia ngay vào câu chuyện.

Vạch lá tìm hoa

* Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi là người Nam bộ, từ nhỏ được giáo dục bằng những vở cải lương, không cần nhiều chữ nghĩa nhưng cái đẹp, hành động đẹp trong đó cứ thấm vào lòng. Từ cảm nhận đi đến hành động là rất nhanh. Những người Nam bộ khác cũng vậy, tính chất của Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” trong con người, hành động của họ nhiều lắm. Cái đó làm nên khí chất Nam bộ, khí chất Sài Gòn. Đáng lo nhất là sự xuống cấp trong văn hóa hành động này, khi mà trước một “việc bất bằng”, người ta cân nhắc thiệt hơn, con người dần trở nên vô cảm, Lục Vân Tiên không còn trên đời…

* Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Đã xuống cấp rồi. Vụ “hôi bia” vừa rồi là một ví dụ chấn động, là tiếng chuông báo động về thái độ, đạo đức con người. Người ta đang dần dần trở nên thờ ơ với người khác, đang dần dần ác hơn… Có phải là vì nghèo không?

* Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Đúng là nghèo, khổ thì khó quan tâm đến người khác, nhưng đó không phải lý do. Nước ta vốn nghèo, sao bao nhiêu năm nay người nghèo không ác? Vấn đề là thiếu bồi dưỡng văn hóa, đạo đức làm người từ trong gia đình, nhà trường, xã hội. Trong các bài học ở tất cả các cấp, hình như thiếu bài học làm người tử tế. Nếu cứ mở báo ra là lại thấy cả xã hội xung quanh cướp giật, lừa đảo, tham nhũng… thì người ta sẽ thấy làm người tử tế sao mà khó, và cũng chẳng để làm gì. Cái thực dụng sẽ phá, sẽ triệt tiêu cái tử tế, mà thực dụng lại là tất yếu trong đời sống kinh tế thị trường. Vậy thì chính văn hóa phải kiềm chế thực dụng. Chúng ta hãy làm việc của mình bằng cách nâng niu những cái tử tế dù nhỏ nhất, phải chộp lấy những hòn than ngay khi nó vừa lóe lên…

* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Có những khi vợ chồng chúng tôi đi sớm về khuya, qua một ngã tư vắng tanh vẫn thấy vài ba người dừng xe trước đèn đỏ. Chuyện nhỏ vậy thôi mà cả hai vợ chồng đều thấy lòng vui sướng, muốn hát lên. Pháp luật ở đó không hiện hình bằng công an mà đã nằm trong tâm thức người đó. Thời bây giờ, không phải là “vạch lá tìm sâu” nữa, mà phải “vạch lá tìm hoa”. Những bông hoa của sự tử tế ấy đang bị chìm khuất vào những cái xấu, cái giả dối và cần phải được tìm ra.

Dạy làm người

* Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Trẻ em cần được dạy thế nào là thiện, ác, thế nào là sự tử tế, chia sẻ, biết vui với niềm vui của người khác, mừng với sự thành công của người khác, biết trao cơ hội cho người khác, biết chấp nhận sự khác biệt… Đó là những giá trị văn hóa mang tính nhân loại sẽ mang đến hòa bình và thành công cần cho bất kỳ người nào.

* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Trong nhà trường, song song với dạy kiến thức là phải dạy làm người. Trong gia đình, cha mẹ phải làm gương, phải cho con cái biết điều gì mình tự hào về chúng: việc con “khôn ngoan, không ai lấy được một cái kẹo” hay con sẵn lòng san sẻ đồ chơi với bạn? Việc con đạt điểm cao hay con vui khi giúp bạn tiến bộ?… Mỗi ứng xử, xử lý xung đột của cha mẹ trong cuộc sống ngày thường sẽ tạo ra văn hóa cho con cái. Văn hóa cần được xây dựng kiên nhẫn, tỉ mỉ và cần được bắt đầu từ rất sớm.

Trẻ con không được chọn thời để sinh ra. Đã hiểu thời chúng ta đang sống còn nhiều lỗ hổng văn hóa, cần dũng cảm xem xét lại toàn bộ và lựa chọn một tâm thế để dạy con, lựa chọn những giá trị để trang bị cho chúng thành người và đi trong đời.

Luật pháp góp phần lấp “lỗ thủng”

* Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Những năm gần đây, trên báo, truyền thông, trong đời sống xã hội, giá trị tinh thần không còn được coi trọng so với các giá trị vật chất. Cái ác xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, trong hành động, lời nói của mọi người, xuất hiện cả trong từ ngữ, cách viết, cách chụp ảnh báo chí. Cái ác tràn ngập như thế sẽ triệt tiêu cái thiện, và nguy hiểm hơn khi nó trở thành bình thường, thậm chí đội lốt cái thiện khiến người ta không còn phân biệt được nữa. Tình trạng ấy là do đâu?

* Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Chúng tôi thường thảo luận xem vì sao những vấn đề này năm nào cũng nói, sự kiện phi văn hóa nào xảy ra cũng được lặp lại mà vẫn chưa lấp được những “lỗ thủng”? Tại sao tiền chi cho công tác tuyên truyền pháp luật không ngừng mà người dân vẫn không hiểu biết pháp luật, vẫn có người chưa ý thức điều ác, vẫn có người không nhận trách nhiệm của mình? Luật pháp phải biết và quan tâm đến những “lỗ thủng” này để góp phần cùng với văn hoá điều chỉnh hành vi, lấp đầy nó.

* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Từng làm công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa, tôi ý thức rất rõ chức năng quan trọng nhất của người quản lý văn hóa là làm “bà đỡ” để nuôi dưỡng và bảo vệ các ý tưởng văn hóa, giá trị văn hóa. Thế nhưng hiện giờ chức năng của quản lý văn hóa được chăm chút không phải là “bà đỡ” mà là “cảnh sát”. Trong các ngành khác cũng vậy, chức năng quản lý đang rất kém và lại thường xen vào những việc không phải của mình.

Văn hóa trong quản lý, văn hóa của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội và đến từng người, từng gia đình. Như các vụ việc trong ngành y tế, trách móc bộ trưởng nhưng dư luận không phải gán tội cho bà, họ mong chờ một cách ứng xử thể hiện trách nhiệm, thể hiện văn hóa lãnh đạo xứng với tầm của bộ trưởng.

Tôi nhớ một câu chuyện: Khi thầy Hoàng Thiệu Khang được mời đến giảng tại Trường ĐH Cảnh sát, chúng tôi có trêu thầy: “Anh sẽ dạy mỹ học gì ở đó?”. Thầy đã trả lời rất nghiêm túc và sâu sắc: “Tôi dạy họ đi bắt người làm sao cho mỹ học”. Qua những xung đột giữa chính quyền và người dân vừa rồi, tôi lại nhớ lời của thầy, đúng là đến như bắt tội phạm thì cũng cần có mỹ học, có văn hóa.

PHẠM VŨ