02/01/2025

Giảm mạnh chỉ tiêu ngành kinh tế, sư phạm

Khác với mọi năm, năm 2014 Bộ GD-ĐT không ấn định tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ nhưng lại chủ trương cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, kinh tế – quản trị kinh doanh.

Tuyển sinh 2014: Giảm mạnh chỉ tiêu ngành kinh tế, sư phạm

Khác với mọi năm, năm 2014 Bộ GD-ĐT không ấn định tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ nhưng lại chủ trương cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, kinh tế – quản trị kinh doanh.

 

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 các trường, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT diễn ra tại Hà Nội ngày 27-12. Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã kêu gọi các trường nâng cao trách nhiệm xã hội, xác định chỉ tiêu theo hướng cân đối các ngành đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội.

Nâng cao trách nhiệm xã hội

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Áng – phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT – cho hay trước năm 2012, liên tục 7-8 năm chỉ tiêu tuyển sinh luôn tăng đều đặn mức 5-6%/năm khiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong nhiều năm qua tăng quá nhanh. Điều này cộng với suy thoái kinh tế khiến lượng SV ra trường tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn trước.

Ông Áng dẫn chứng vài năm trước, mỗi năm cả nước có đến 50.000-70.000 doanh nghiệp mới ra đời. Nếu tính đó là công ty gia đình thì nhu cầu nhân lực cũng là 5-7 người/công ty và nhân lực này chủ yếu ở nhóm ngành kinh tế – quản trị kinh doanh, nghĩa là nhu cầu nhân lực lên đến 250.000-300.000 người/năm chỉ riêng nhóm ngành này. Tuy nhiên, khi số doanh nghiệp phá sản, rời khỏi thị trường bằng thậm chí nhiều hơn cả doanh nghiệp mới ra đời thì tất yếu tình trạng SV kinh tế ra trường bị thiếu việc và thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ. Khi Bộ GD-ĐT đưa ra cảnh báo về việc tạm dừng mở mới ngành này thì con số chỉ tiêu đã giảm đi, nhưng cũng chưa thấm tháp gì khi số thí sinh đăng ký vào ngành này đã giảm xuống, chỉ còn hơn 34% trong tổng số các ngành nghề, nhưng số lượng tuyệt đối vẫn ở mức gần 600.000 em.

Việc hãm chỉ tiêu tuyển sinh là giải pháp cần thiết buộc Bộ GD-ĐT phải đưa ra. Đến thời điểm này, tổng số giáo sư trong các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc bộ chỉ là 161 người, trong khi số trường ĐH là 172, nghĩa là còn nhiều trường ĐH chưa có nổi một giáo sư.

Dù mong muốn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh và giảm dần chỉ tiêu ngành kinh tế, sư phạm, nhưng với những quy định hiện tại, bộ không thể ép các trường tăng, giảm chỉ tiêu theo mong muốn. “Bộ GD-ĐT cũng phải hành động theo luật. Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu đã đưa ra những tiêu chí để các trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực của mình. Do đó, bộ chỉ có thể nhắc nhở để các trường nâng cao trách nhiệm xã hội, không tuyển sinh ồ ạt, tránh tình trạng người ra trường có trình độ ĐH mà không thể tìm được việc làm tương xứng với đầu tư về tiền của, thời gian của chính bản thân, gia đình và Nhà nước” – ông Áng nói.

 

Siết ngành y

Với ngành y, Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp quyết liệt về nâng cao chất lượng. Theo đó, với các trường đa ngành có đào tạo ngành y sẽ phải tách bạch chỉ tiêu ngành y dược để đăng ký theo năng lực đặt ra riêng với ngành này.

Trong khi các ngành đào tạo ĐH nói chung, việc đăng ký chỉ tiêu được đặt ra theo công thức 25 SV/giảng viên, ngành y 15 SV/giảng viên nên nhiều trường lâu nay cứ nhập nhèm lấy năng lực chung để đăng ký chỉ tiêu, trong đó có ngành y. Hậu quả là một số trường ĐH, trong đó đặc biệt các trường ĐH ngoài công lập khu vực đồng bằng sông Cửu Long dù năng lực rất hạn chế nhưng ngay khi mới mở ngành y dược đã đăng ký hàng trăm chỉ tiêu bác sĩ đa khoa. Theo cách này, dù bộ đưa ra chủ trương tăng chỉ tiêu nhóm ngành y dược do nguồn lực thực tế đang bị thiếu, nhưng chắc chắn chỉ tiêu ngành y dược sẽ giảm mạnh ở các trường mấy năm trước đã đăng ký quá đà.

Ngoài ngành y dược, các ngành nông lâm, nghệ thuật, công nghệ kỹ thuật cũng được định hướng tăng chỉ tiêu.

Trường kêu gọi bộ đầu tư hiệu quả

Bộ GD-ĐT công bố dự toán năm 2014, chi ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT ở mức tổng thể giảm đến 10%. Thứ trưởng Bùi Văn Ga kêu gọi các trường chia sẻ khó khăn chung vì đúng là các hội nghị trước các trường đều được tăng mức chi thêm vài phần trăm, nhưng năm nay lại bị sụt giảm. Trong số này, chi thường xuyên sự nghiệp giảm 8%, chi chương trình mục tiêu quốc gia giảm đến 40%. Bày tỏ tinh thần tiết kiệm triệt để, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cân nhắc, hạn chế các chuyến công du nước ngoài không cần thiết, tiết giảm việc tổ chức các hội thảo, hội nghị.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – lại bày tỏ sự thất vọng khi có dự án ODA của bộ không hiệu quả, gây lãng phí. Bằng chứng là trường ông phải miễn cưỡng tiếp nhận các thiết bị từ dự án phát triển giáo viên THPT và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT. Báo cáo Bộ GD-ĐT nêu rõ tổng kinh phí trao thầu thiết bị năm 2013 của dự án này là hơn 721.000 USD.

“Tôi thấy rất thất vọng với dự án giáo viên THPT và trung cấp chuyên nghiệp. Hầu như thiết bị đưa về, chúng tôi bị ép nhận, các thiết bị không sử dụng được. Tôi cũng không muốn nói nhiều thêm ở đây mà sẽ gặp riêng bộ trưởng để báo cáo, phải làm sao để chấn chỉnh việc sử dụng đồng vốn ODA cho hiệu quả” – ông Dũng nhấn mạnh.

 

 

4 trường có thể tăng học phí vượt trần

Đó là bốn trường ĐH thuộc khối kinh tế – tài chính được giao thí điểm về tự chủ tài chính, tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, gồm Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện đề án trình Chính phủ để từ năm 2014, các trường này thực hiện thí điểm về tự chủ tài chính, có thể thu học phí vượt trần để bù đắp việc Nhà nước không hỗ trợ chi phí thường xuyên cho các trường này.

 

 

 

 

Liên tục tăng chỉ tiêu

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong vòng 10 năm từ 2001-2010, chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ chính quy cả các trường thuộc hệ thống Bộ GD-ĐT cũng như các bộ ngành khác đã tăng lên gấp hơn bốn lần, từ hơn 56.000 lên gần 234.000 SV tuyển mới. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy trong thời kỳ này cũng tăng lên hơn gấp đôi (từ gần 165.000 lên hơn 350.000 chỉ tiêu/năm). Riêng trình độ đào tạo ĐH, mức tăng cứ đều đặn thêm từ 20.000-50.000 chỉ tiêu/năm suốt thời kỳ từ năm 2002-2008. Còn với hệ CĐ chính quy, thời “hoàng kim” về tăng trưởng số lượng với mức tăng liên tục 40.000-50.000 số SV tuyển mới/năm kéo dài từ năm 2006 đến 2009.

 

 

NGỌC HÀ