25/11/2024

Bảo vệ gia đình theo gương Thánh Giuse

Hôm nay khai mạc Năm Phúc Âm hoá Gia đình, chúng ta hãy dâng gia đình mình cho Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse để nhận được phúc lành của ba Đấng và noi gương Thánh Giuse bảo vệ Chúa Giêsu Hài Đồng với tất cả trách nhiệm và tình yêu.

 Lễ Thánh Gia thất – A – 2013

Bảo vệ gia đình theo gương Thánh Giuse

(Khai mạc Năm Phúc Âm hoá Gia đình)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Với lễ Thánh Gia thất, Giáo hội Việt Nam chính thức khai mạc Năm Phúc Âm hoá Gia đình theo đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua Thư chung gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 10/10/2013. Trong năm nay chúng ta có nhiều dịp suy nghĩ và tìm hiểu về việc phải làm sao để làm cho gia đình Việt Nam thành một lời Phúc Âm sống động, toả chiếu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người như từng thành viên của Thánh Gia thất mà ta kính nhớ hôm nay.

Trước khi đi sâu vào bài học về gương mẫu của Thánh Gia thất, chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về tình trạng gia đình Việt Nam để thấy mình cần phải làm gì cho gia đình mình.

1. Tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay

Dù mỗi người chúng ta thuộc về một gia đình với những hoàn cảnh, điều kiện sinh sống, trình độ văn hoá khác nhau, nhưng vì đều là những người Việt Nam cùng sống trên đất nước này, nên có thể nói tất cả gia đình chúng ta có thể bị ảnh hưởng chung về một số lĩnh vực sau đây:

1.1. Ảnh hưởng bởi di sản văn hoá dân tộc: từ hơn 2000 năm qua, sau 11 thế kỷ bị người Trung Hoa đô hộ, dân tộc chúng ta tổ chức xã hội theo Tam giáo Đông Phương, nhất là theo Nho giáo, nên cộng đồng xã hội trọng nam, khinh nữ, gia đình cách đây vài chục năm còn theo chế độ đa thê, thái độ gia trưởng vẫn tồn tại trong nhiều gia đình theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”: người chồng có toàn quyền định đoạt, trong khi người vợ như một tôi tớ, hầu hạ cả nhà.

1.2. Do việc mất quân bình dân số về giới tính nên nữ giới hiện nay vẫn nhiều hơn nam giới. Cả nước có khoảng gần 1 triệu phụ nữ dôi ra so với nam giới, không thể lập gia đình theo luật hôn nhân một vợ một chồng. Vậy họ sẽ sống như thế nào? Nhất là khi người phụ nữ ấy có trình độ văn hoá kém, không nghề nghiệp, nên phải bám vào một người đàn ông để sống qua ngày, hoặc phải làm một số nghề nhạy cảm như bia ôm, cà phê ôm, massage…

1.3. Do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, số người nghèo tăng cao, trong đó có rất nhiều người thất nghiệp. Hơn 18 triệu người Việt Nam sống trong tình trạng nghèo khổ, không kiếm nổi 20.000 đồng một ngày, nên cả trăm ngàn phụ nữ đành phải lấy chồng nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Không ít người trong số họ bị hành hạ khổ sở, bị bán sang tay những người khác như một món hàng và gia đình họ chỉ là địa ngục gây đau khổ triền miên.

1.4. Tình trạng di dân cũng ảnh hưởng nhiều đến gia đình Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 8 triệu người phải xa gia đình để làm việc ở nơi khác. Nhiều công nhân trẻ đến làm ở các khu chế xuất, công nghiệp, sống chen chúc trong những căn phòng chật chội, không có phương tiện giải trí lành mạnh. Vì không ai kiểm soát nên họ dễ dàng bỏ những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, xứ đạo như đọc kinh, dự lễ, nhiều người sống buông thả cho những cuộc vui rẻ tiền với các cô gái mãi dâm, phim ảnh đồi truỵ, ăn nhậu thường xuyên, làm tổn thương giá trị gia đình.

1.5. Tình trạng ly thân, ly hôn trong các gia đình ở Việt Nam khá trầm trọng trong 20 năm gần đây, số vụ ly hôn tăng từ 15% đến trên 30% các cuộc hôn nhân. Nghĩa là cứ 10 cuộc hôn nhân, có hơn 3 cuộc ly hôn dẫn đến gia đình tan vỡ, con cái bị chia cắt khỏi cha mẹ, học hành không ổn định và chịu đựng những tác động nặng nề về tâm lý.

1.6. Tình trạng không chung thuỷ trong hôn nhân bắt nguồn từ đời sống phải làm việc xa gia đình, từ việc xem những phim ảnh đồi truỵ đầy dẫy trên mạng internet, từ việc quá dễ dãi trong quan hệ tình dục hoặc sống thử trước hôn nhân, nhất là từ việc chối bỏ hoặc quên lãng sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày đang gây những thiệt hại lớn lao cho các gia đình Việt Nam.

1.7. Tình trạng phá thai và hậu quả. Một trong những hậu quả tai hại đó là việc phá bỏ những thai nhi một cách quá dễ dàng. Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu ca phá thai mỗi năm theo ước tính của các nhà xã hội học. Bộ Y tế Việt Nam cho biết có khoảng 1,5 triệu ca/năm, trong đó có trên 300.000 ca ở tuổi vị thành niên. 30% những bà mẹ phá thai bị rơi vào bệnh trầm cảm, suốt đời bị cắn rứt lương tâm về hành vi độc ác đối với bào thai vô tội của mình.

Các tình trạng suy thoái về đạo đức, bất an về tâm thần, tâm lý và cả tâm linh này đang ảnh hưởng đến cả chục triệu người khiến gia đình Việt Nam chưa được bình an và hạnh phúc. Vậy chúng ta cần phải làm gì để cứu giúp gia đình Việt Nam?

2. Phúc Âm hoá gia đình

2.1. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh

Các bài Thánh Kinh trong lễ Thánh Gia thất đề nghị chúng ta nhiều giải pháp để giúp cho gia đình Việt Nam ổn định, bình an, hạnh phúc và phát triển bền vững. Bài đọc I (x. Hc 3,2-6.12-14) dạy chúng ta về bổn phận con cái đối với cha mẹ trong gia đình. Bài đọc II (x. Cl 3,12-21) dạy chúng ta về bổn phận của chồng vợ, anh chị em trong gia đình đối xử với nhau thế nào cho đẹp ý Chúa.

Nhưng quan trọng hơn cả là nhiệm vụ phải bảo vệ Chúa Giêsu Hài Đồng đang cư ngụ trong lòng ta, đang hiện diện giữa gia đình ta như Thánh Giuse đã làm qua bài Phúc Âm (x. Mt 2,13-15.19-23). Ngài đã chu toàn sứ mệnh bằng tất cả sự cố gắng, tình yêu và trách nhiệm khi đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập và sau đó đưa về sống tại thành Nazareth. Bài Phúc Âm đã nhắc đến hai lần về hành động nhanh chóng chỗi dậy ngay trong đêm tối của Thánh Giuse để thực hiện mệnh lệnh Chúa truyền qua sứ thần như gợi ý cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa qua tiếng lương tâm ngay chính và mau chóng hành động trong đời sống thực tế của mỗi người.

Chúng ta sẽ phải can đảm dấn bước trong đêm tối để mau chóng hành động dù rằng giấc ngủ dở dang vẫn còn nặng trĩu trên đôi mắt, dù có phải thiếu thốn, va vấp, bụi bặm trên đường. Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm công bố ngày 26/11/2013 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Tôi mong muốn có một Giáo Hội bị bầm giập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ra ngoài dọc đường gió bụi hơn là một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn, bám víu vào những yên ổn riêng của mình” (x. TH, số 49).

2.2. Nhưng tại sao phải bảo vệ Hài Đồng Giêsu?

Vì Giêsu là con đường mà vợ chồng phải đi chung với nhau trong suốt cuộc đời. Con đường duy nhất đó dẫn đến bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ. Nếu ai đó trong gia đình tách riêng muốn theo một con đường khác, chiều theo tham vọng và dục vọng của mình thì gia đình có nguy cơ bất hạnh, bất an.

– Vì Giêsu là sự thật giải thoát con người mà mỗi tâm trí phải tìm kiếm và diễn tả. Trong ý nghĩ, lời nói và hành động nhiều khi ta bắt các thành viên trong gia đình phải nghe theo ta như một người chủ quyền uy chứ không để sự thật Giêsu làm chủ, nhất là khi vợ chồng, cha mẹ, con cái tranh chấp, xung đột nhau. Chúng ta hãy lắng nghe Giêsu là sự thật dạy ta lòng khoan dung và khiêm tốn để nhường nhịn và đón nhận người khác thay vì chỉ nghĩ đến mình.

– Vì Giêsu là sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng làm thay đổi sự sống bình thường và tạm bợ của ta cũng như của người khác, vật khác quanh ta. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm để đưa thần tính vĩnh cửu, tuyệt đối, phi thường vào trong nhân tính của ta, khiến ta trở nên con cái Thiên Chúa như Người. Mỗi thành viên trong gia đình bây giờ xứng đáng để ta đem hết sức bảo vệ và yêu thương như Thánh Giuse đã làm vì cảm nhận được Chúa Giêsu Hài Đồng đang ở với mình, ban cho mình được vinh dự cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.

Lời kết

Hôm nay khai mạc Năm Phúc Âm hoá Gia đình, chúng ta hãy dâng gia đình mình cho Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse để nhận được phúc lành của ba Đấng. Chúng ta cũng đặc biệt xin Thánh Giuse cho chúng ta noi gương ngài bảo vệ Chúa Giêsu Hài Đồng với tất cả trách nhiệm và tình yêu trong gia đình mình cũng như gia đình Thiên Chúa để mọi người được bình an, hạnh phúc.