11/01/2025

“Dạ thưa thầy”

Những ai đã tốt nghiệp đại học từ rất lâu có lẽ sẽ khó ngờ khi nghe những cuộc trao đổi của thầy và trò trên lớp những năm gần đây. Tôi là một trong số đó.

 “Dạ thưa thầy”

Những ai đã tốt nghiệp đại học từ rất lâu có lẽ sẽ khó ngờ khi nghe những cuộc trao đổi của thầy và trò trên lớp những năm gần đây. Tôi là một trong số đó.

Thật lâu, lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay lại không gian học đường. Cảm nhận rõ nét sự khác nhau giữa lớp học trò xưa và học trò nay ở nhiều trường lớp đó là ba chữ đầu môi.

 

 

Ngày xưa, dù là đứa học trò còn đánh vần ê a hay cô sinh viên trên giảng đường Đại học Ngân hàng, ba chữ đầu môi mỗi lần tiếp xúc thầy cô bao giờ cũng là “Dạ thưa thầy”, “Dạ thưa cô”. Quen thành nếp đến nỗi khi học tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ Trường đại học Nông lâm, câu đầu môi của tôi khi đứng lên trả lời các thầy cô cũng luôn là: “Yes, teacher”.

Cho nên, làm sao không sốc khi đi học chung với nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học. Những bạn này có thể ngồi tại chỗ trao đổi tay đôi với thầy cô đang đứng trên bục giảng. Thậm chí giọng điệu còn chuyển sang gay gắt khi tranh luận tính đúng sai của vấn đề dù các thầy cô vẫn tỏ ra khá từ tốn. Và suốt hơn hai năm học, hầu như tôi thật hiếm hoi nghe được ba chữ “Dạ thưa thầy” hay “Dạ thưa cô”.

Có lần trong một giờ học môn mới, tôi gặp lại thầy H., cũng là thầy dạy của tôi mấy năm đại học cách đây hơn 20 năm. Thầy nhận ngay ra tôi và nói rằng vẫn nhớ tôi ngay khi gặp lại dù số sinh viên học thầy lên con số hàng ngàn. Thầy nhắc lại lần có dịp vào đơn vị tôi, rất nhiều người thầy biết là từng học thầy nhưng chỉ có tôi lật đật đứng dậy ngay khi nhận ra thầy và khoanh tay nói “Dạ thưa thầy” giữa rất đông khách hàng của ngân hàng.

Tôi không nghĩ chỉ một sự lễ phép vốn phải có bình thường như vậy lại để lại một chút ấn tượng với thầy cô của mình. Thế hệ của tôi vốn được thấm nhuần từ nhỏ sáu chữ “tiên học lễ, hậu học văn” nên chuyện gặp thầy cô của mình là vội đứng lên khoanh tay cúi đầu chào “Dạ thưa thầy”, “Dạ thưa cô” đã ăn sâu và thành nếp dù giờ đầu đã hai màu tóc. Hèn gì có lần ba một người bạn mất, trong số bà con xa của bạn có thầy dạy tôi hồi lớp 8, khi nhìn thấy thầy tôi vội vàng bước qua khoanh tay cúi đầu “Dạ thưa thầy”. Ánh mắt của thầy tôi lúc đó thật rạng rỡ và hãnh diện vô cùng.

Giờ nghĩ lại có lẽ giữa hai học trò cũ, một đứa giờ làm sếp đi đâu cũng có người tiền hô hậu ủng nhưng chỉ bắt tay hờ hững khi gặp thầy cô với một đứa học trò không rõ sự nghiệp đến đâu nhưng biết khoanh tay cúi đầu chào “Dạ thưa thầy”, “Dạ thưa cô” trước mặt bao người, các thầy cô sẽ thích gặp lại ai đây?!

Nhiều người sẽ nói như đã từng nói: Bên Tây đâu cần phải dạ thưa này nọ, thời buổi hiện đại, quan hệ thầy trò cũng phải… hiện đại. Thưa vâng, tôi có thấy đó chứ, thấy chuyện học trò rủ thầy… đi nhậu, thấy trò gặp thầy giữa đường mặt đối mặt chỉ… né qua bên khác để tránh, thấy chuyện trò tìm đến nhà thầy để trắng trợn xin điểm… Cái ngôi vị thứ hai trong xã hội của người thầy thời xưa vốn được đặt trước cả cha mẹ (quân – sư – phụ) giờ đang nằm ở vị thế nào trong xã hội ngày nay?

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA