25/11/2024

Bitcoin: tiền ảo đắt như vàng

Khi giá trị bitcoin lên đỉnh cao 1.216 USD/bitcoin, một nhà đầu tư cỡ bự ở Trung Quốc có số tài sản giá trị cỡ 100 triệu USD. Bitcoin có giá trị không kém gì vàng và đang là cơn sốt trên khắp thế giới.

Bitcoin: tiền ảo đắt như vàng

Khi giá trị bitcoin lên đỉnh cao 1.216 USD/bitcoin, một nhà đầu tư cỡ bự ở Trung Quốc có số tài sản giá trị cỡ 100 triệu USD. Bitcoin có giá trị không kém gì vàng và đang là cơn sốt trên khắp thế giới.

Logo của tiền ảo bitcoin 

Dù bị nhiều chính phủ hạn chế nhưng đồng bitcoin vẫn đang khẳng định giá trị của nó. Tại sao?

Nhu cầu phải có đồng tiền ảo

Nhu cầu có một đồng tiền để giao dịch trên Internet là không thể tránh được. Trong thế giới thật, người ta chỉ cần cầm tờ giấy bạc ra chợ mua bất kỳ món gì mình cần mà đâu phải tiết lộ danh tính hay nhờ một bên thứ ba làm trung gian. Thế nhưng trong khi thế giới chuyển dần sang giao dịch qua mạng, việc thanh toán qua Internet không dễ như trong thế giới thật: phải dùng các phương tiện trung gian như thẻ tín dụng, chuyển khoản, paypal… tức thế giới ảo đi sau thế giới thật trong phương diện thanh toán.

Nếu so sánh việc gửi email trong thế giới ảo và gửi thư bằng đường bưu điện trong thế giới thật khác nhau ra sao thì mới thấy đáng ngạc nhiên là việc thanh toán điện tử vẫn chưa được một phần dễ dàng như trong đời sống thật. Vì thế trước sau gì cũng phải có đồng tiền ảo, không bitcoin thì đồng tiền khác.

Ngoài ra còn có những nhu cầu đa dạng khác cho một đồng tiền như bitcoin. Với giới tham gia phong trào chống đối Phố Wall, họ nghĩ một đồng tiền ảo, không phụ thuộc vào một ngân hàng trung ương nào, không phải qua trung gian của hệ thống tài chính – ngân hàng mà họ cho là đã quá tham lam. Đây chính là phương tiện giúp họ triệt tiêu ảnh hưởng của giới tài phiệt lên cuộc sống của người dân bình thường.

Với giới nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc, nhu cầu chuyển dịch tài sản ra nước ngoài mà không chịu sự kiểm soát của nhà nước là rất lớn. Ngoài ra nhu cầu tiền ảo, tức là loại tiền mà khi giao dịch không để lại dấu vết, cũng rất lớn đối với dân làm ăn phi pháp như buôn bán ma túy, tân dược trái phép, cờ bạc, rửa tiền… Đồng bitcoin ra đời và phát triển nhanh chóng cũng do nhu cầu đa dạng này cộng với bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm năm nay làm lòng tin vào hệ thống tài chính truyền thống đang bị bào mòn.

 

Một quán cà phê ở Hà Lan chấp nhận thanh toán bằng bitcoin – Ảnh: wikipedia

 

Chiếc ví bitcoin

Đầu tiên người dùng phải có chiếc ví bitcoin (bitcoin wallet) bằng cách tải những phần mềm tạo ra nó từ một số trang web chuyên làm dịch vụ này. Mỗi ví bitcoin có một địa chỉ riêng là một chuỗi số và chữ (ví dụ: 13vxz4E7ieSRdjT5Z12hv4UYWd6PQ3MRVh). Đồng bitcoin sẽ được gửi vào ví theo địa chỉ này.

Có hai dạng phần mềm tạo ra ví bitcoin: loại tải hết về máy tính để bàn và loại ví để trên mạng. Loại đầu thì rất mất thời gian để tải về máy (có khi phải cả ngày) như chương trình Bitcoin QT. Loại sau nhẹ hơn, đăng ký thì có liền, nhưng nên nhớ lúc đó tiền bitcoin của bạn sẽ lơ lửng trên mạng, cũng có thể mất như chơi. Hiện nay cũng đã có loại ví cho máy điện thoại di động như iPhone hay Android tải về như một ứng dụng.

Sau khi có ví rồi bạn có thể vào các trang giao dịch bitcoin để mua bitcoin đem về bỏ vào ví và như thế bạn được xem là đã tham gia cộng đồng bitcoin. Thường thì mua bitcoin bằng chuyển khoản, thẻ tín dụng hay trả trực tiếp bằng tiền mặt. Sau đó bạn cứ giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ và thanh toán bằng bitcoin. Thoạt tiên giao dịch được xem là chưa xác nhận. Cứ mỗi 10 phút mọi giao dịch sẽ được cập nhật vào sổ cái và lúc đó mới được dán nhãn là đã xác nhận.

Có người thắc mắc 1 bitcoin nay đã có giá trên 1.000 đôla Mỹ, vậy làm sao dùng nó để giao dịch mua bán những món hàng nhỏ? Cũng giống tiền thật, 1 bitcoin được chia thành 100 decibitcoin, rồi centibitcoin, milibitcoin… và đơn vị nhỏ nhất là 1 satoshi (= 0,00000001). Nếu đồng đôla Mỹ được ký hiệu thành USD, đồng tiền Việt là VND thì bitcoin được ký hiệu thành BTC.

Ví dụ nhân vật A (có ví với địa chỉ AAAAA) muốn trả cho nhân vật B (có ví với địa chỉ BBBBB) 0,005 bitcoin để mua một món gì đó. A sẽ bấm trả cho B qua phần mềm, hệ thống sẽ xác nhận và “sổ cái” ghi nhận nay ví A giảm đi 0,005 bitcoin, B có thêm 0,005 bitcoin. B hoàn toàn có thể không biết A là ai vì A có khả năng tạo ra rất nhiều địa chỉ để giao nhận bitcoin.

Bộ máy đằng sau

Câu hỏi đặt ra: nếu bitcoin chỉ là một dãy chữ và số lấy gì đảm bảo cho các giao dịch, lấy gì đảm bảo một người nào đó cứ lấy dãy chữ và số đó đi mua hàng khắp nơi, bất kể số tiền có trong ví đã tiêu hết?

Trả lời câu hỏi này chính là hiểu được cơ chế hoạt động của bitcoin. Mỗi khi có giao dịch xảy ra, thay vì dựa vào một bên thứ ba làm trung gian như một ngân hàng hay nơi phát hành thẻ tín dụng ghi lại giao dịch, cộng đồng bitcoin quy định thông tin về giao dịch đó sẽ được ghi vào một cuốn sổ cái mà bất kỳ ai trong cộng đồng này đều phải giữ một bản. Thông tin đó cũng được gán vào phần cuối của dãy chữ và số nói trên, cho biết chủ nhân nó đã tiêu bao nhiêu bitcoin, giờ còn lại bao nhiêu, tất cả đều công khai cho mọi người biết.

Ghi như thế thì chẳng mấy chốc cuốn sổ cái (mà từ chuyên môn gọi là block chain) sẽ lớn dần lên (hiện nay đã lên đến 11GB, lần đầu tải về máy mất cả ngày trời). Nhưng câu hỏi tiếp theo là ai được phân công ghi sổ cái bởi không lẽ ai cũng ghi hết thì thông tin sẽ rất lộn xộn. Trả lời câu này chính là hiểu được cơ chế sinh ra bitcoin.

Người ta quy định cộng đồng bitcoin sẽ đua nhau giành lấy quyền được ghi các giao dịch vào sổ cái, cứ 10 phút cập nhật một lần. Để cái quyền này không phải ai cũng giành được, người ta sẽ gán với việc cập nhật sổ cái những thuật toán ngày càng phức tạp, muốn giải nó phải dùng những máy tính ngày càng mạnh. Các bài toán này liên tục được nâng độ khó, sao cho việc giải cần thời gian chừng 10 phút đúng như quy định về thời gian cập nhật. Ai giành được quyền cập nhật thì sẽ được thưởng, thời điểm hiện nay là 25 bitcoin. Quá trình này được ví von là “khai mỏ” (hay “đào” – mining) bitcoin.

Lúc bitcoin mới ra đời vào ngày 3-1-2009, phần thưởng là 50 bitcoin. Và để thị trường khỏi lạm phát bitcoin, người ta cũng quy định cứ sau 210.000 lần cập nhật sổ cái thì số bitcoin được thưởng sẽ cắt còn một nửa nên bây giờ chỉ còn 25 đơn vị. Dự tính đến năm 2017, số bitcoin phát sinh mỗi 10 phút chỉ còn 12,5 và đến năm 2140 con số thưởng sẽ bằng không, lúc đó số lượng bitcoin đạt đỉnh của nó là 21 triệu đơn vị. Cho đến nay đã có khoảng 12 triệu bitcoin ra đời theo kiểu này.

NGUYỄN VÂN CẦM