10 ý tưởng cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Ý tưởng là tiền tệ trong nền kinh tế tri thức của con người và là huyết mạch sự tiến bộ của con người. CNN đã giới thiệu 10 ý tưởng đã và đang triển khai, có thể giúp cuộc sống trong tương lai của nhân loại tốt đẹp hơn.
10 ý tưởng cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Trong nhiều thập kỷ qua, con người bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn từ triều cường bằng cách xây dựng đê chắn sóng và khi vỡ đê thì xây đê chắn lớn hơn. Tuy nhiên khi các siêu bão có sức tàn phá khủng khiếp ngày càng nhiều thì đê chắn không còn là giải pháp hữu hiệu.
Một trong những ý tưởng của dự án “Tái xây dựng bằng thiết kế” (nhằm cải thiện bờ biển tại New York và New Jersey vốn bị siêu bão Sandy tàn phá nặng nề năm 2012) là xây dựng một loạt đê chắn sóng ngay ngoài khơi, giúp giảm sức mạnh của sóng và kiêm nhiệm chức năng của rạn san hô sống; thiết kế những con đường và vỉa hè “siêu hút nước”, đào kênh dọc các con đường để chuyển hướng nước mưa từ các cơn bão và xây dựng các tòa nhà với thiết kế không bị hư hại do lũ lụt.
“Thách thức của chúng ta trong vài thập kỷ tới là học cách sống chung với nước chứ không chiến đấu chống lại nó” – phó giám đốc Quỹ Rockefeller, ông Samuel Carter, nhận xét. Còn ông Henk Ovink – đồng chủ tịch ban giám khảo dự án “Tái xây dựng bằng thiết kế” – khẳng định: “Nước có thể là một mối đe dọa nhưng cũng rất cần thiết và là một nguồn tài nguyên”. Quỹ Rockefeller đã nhận tài trợ cho dự án “Tái xây dựng bằng thiết kế”.
* Kêu gọi tài trợ trực tuyến
Theo CNN, cuộc cách mạng trong ngành giải trí chính là kêu gọi tài trợ/đầu tư trực tuyến từ người hâm mộ. Nổi bật của trào lưu này là trang mạng Kickstarter – diễn đàn lớn nhất thế giới về lập quỹ trực tuyến cho các dự án sáng tạo. Theo thống kê từ CNN, hơn 5 triệu người đã tài trợ trực tuyến cho hơn 53.000 dự án kể từ khi Kickstarter ra mắt năm 2009.
Cách đơn giản nhất để kêu gọi tài trợ từ các trang mạng như Kickstarter là thực hiện một video ngắn về dự án của mình và đăng tải trên trang này. Điển hình của dòng ý tưởng mới này là diễn viên truyền hình người Mỹ Zach Braff kiếm được 3,1 triệu USD tiền tài trợ cho dự án phim mới của ông sau khi đăng tải dự án Wish I was here trên Kickstarter.
* Thống nhất múi giờ
Nhà kinh tế học Allison Schrager sống tại New York (Mỹ) đưa ra ý tưởng Mỹ nên bỏ giờ mùa hè và chia nước Mỹ thành hai múi giờ: đông và tây cách nhau một giờ thay cho bốn múi giờ như hiện tại. Ý tưởng đến với cô Schrager trong một chuyến thăm Austin, bang Texas. Cô thấy mọi người ở tây nam đất nước sinh hoạt mọi thứ cùng lúc với người ở New York, tức khu vực đông bắc, nhưng họ vẫn nghĩ hai bên ở thời điểm khác do tuân thủ theo các múi giờ khác nhau.
Theo CNN, ý tưởng này giúp người Mỹ đỡ bối rối về thời gian sau khi trải qua một chuyến bay hoặc một chuyến tàu qua các khu vực tuân theo các múi giờ khác nhau trên đất Mỹ.
* Máy bay không người lái
Nếu đừng nhìn chúng như công cụ chiến tranh, máy bay không người lái (UAV) hay hệ thống bay không người lái (UAS) có thể mang lại rất nhiều hữu ích trong đời sống con người. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, UAV hay UAS có thể được sử dụng như một công cụ tìm kiếm nạn nhân mất tích trong các thảm họa, giám sát tình trạng phá rừng, thu thập dữ liệu về thời tiết hoặc giúp các kỹ sư làm việc từ xa đối với những khu vực khó tiếp cận như lắp ráp đường ống dẫn dầu chẳng hạn.
Ông Ben Gielow thuộc Hiệp hội Hệ thống máy bay không người lái quốc tế cho rằng ảnh hưởng lớn nhất của công nghệ bay là trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó UAV có thể giám sát mùa màng, theo dõi dịch bệnh, giám sát bảo vệ các hàng rào quanh trang trại…
CNN ước tính riêng tại Mỹ trong ba năm tới, UAV dân sự là ngành công nghiệp trị giá 10 tỉ USD.
* Màn hình linh hoạt
Trong tương lai không xa, như CNN dự đoán, con người có thể gấp gọn chiếc tivi màn hình 90 inch với độ phân giải cao mang đến nhà hàng xóm để cùng thưởng thức các trò chơi trực tuyến. Đặc biệt năm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành công nghệ điện tử với sự xuất hiện của màn hình linh hoạt. Hai gã khổng lồ Hàn Quốc là Samsung và LG tháng 11 vừa qua đã tung ra dòng điện thoại với màn hình cong, trong khi Apple đã nộp bằng sáng chế “thiết bị điện tử với màn hình bao quanh”.
Theo CNN, một số nhà nghiên cứu trên thế giới đang cố gắng tạo ra một màn hình hiển thị trên một miếng vật liệu mỏng có khả năng uốn cong hoặc gập được thay cho thủy tinh như các màn hình cứng hiện nay.
* Kiểm soát tâm trí qua Internet
Theo CNN, kiểm soát trí não con người thông qua Internet đang dần trở thành một phần của cuộc sống thực nhờ vào các nhà khoa học máy tính, kỹ sư tin học và các nhà tâm lý học. Tháng 8-2013, giáo sư về khoa học máy tính Rajesg Rao, thuộc ĐH Washington (Mỹ), đội một chiếc mũ gắn các điện cực và sử dụng trí não để “chơi” trò chơi điện tử; cùng lúc, giáo sư tâm lý học Andrea Stocco đội một chiếc mũ với cuộn dây kích thích từ tính. Khi ông Rao nghĩ đến việc ấn một nút bấm, một tín hiệu điện tử truyền trực tuyến đến phòng thí nghiệm của ông Stocco và làm ngón tay của ông Stocco nảy lên trên bàn phím.
Giáo sư Rao cho biết giao tiếp giữa bộ não với bộ não là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Theo ông, công nghệ này rất hứa hẹn trong tương lai và sẽ giúp những người khác biệt về ngôn ngữ dễ dàng giao tiếp với nhau. Hoặc thậm chí một người có kinh nghiệm nghề nghiệp có thể dễ dàng truyền dạy cho người khác thông qua giao tiếp trực tuyến với não bộ người kia.
* Xe tự lái
Theo CNN, hệ thống đường sắt cao tốc tự động đã giúp định hướng cho loại ôtô tự lái rất an toàn nhờ vào các cảm biến. Trong nhiều năm qua, gã khổng lồ Google đang nghiên cứu và chế tạo những chiếc ôtô tự lái, trong đó một số đã được thử nghiệm trên phố tại California (Mỹ).
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ôtô và chính phủ các nước cũng lặng lẽ vào cuộc. Giáo sư công trình dân dụng ĐH Minnesota (Mỹ) David Levinson tin rằng xe tự lái sẽ sớm xuất hiện trên thị trường: “Tôi đoán một số ôtô xuất hiện trên thị trường vào năm 2020 sẽ có khả năng tự lái trên đường cao tốc trong một số tình huống cố định”.
* Bác sĩ trong cơ thể người
Ngày nay chúng ta đang sử dụng các thiết bị cảm biến trên điện thoại thông minh để theo dõi sự vận động, lượng calory trong cơ thể và các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong tương lai các cảm biến sẽ được cấy dưới da và theo mạch máu đến não bộ để thu thập các thông tin giá trị về sức khỏe của con người.
Một cảm biến cấy trong bộ não con người có thể giúp người đó kiểm soát các bộ phận giả hoặc điều khiển các thiết bị hỗ trợ như xe lăn. Ngoài ra cảm biến cũng có thể phân tích để “hiểu” tín hiệu sinh hóa và trao đổi chất trong cơ thể con người để đưa ra những nhận xét hữu ích về chế độ ăn uống phù hợp.
* Công nghệ giúp máy tính suy nghĩ
Giảng dạy và thu nạp kiến thức là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với ngành phát triển trí thông minh nhân tạo. Hiện nay một nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) đang huấn luyện một chương trình máy tính với khả năng tự suy nghĩ.
Chương trình NEIL của nhóm sẽ “nhìn” qua hàng triệu bức ảnh trên mạng và gắn nhãn cho chúng. NEIL sẽ phân loại hình ảnh bằng cách nhận diện các đặc điểm chung của chúng như các tòa nhà nổi tiếng, mắt của động vật hoặc một màu sắc nhất định nào đó. Dự án, với sự tài trợ của Google, hi vọng trong tương lai máy vi tính có thể phân tích hình ảnh từ các đoạn băng.
Hoặc như IBM với hệ thống Watson có khả năng đọc để tích lũy kiến thức có thể trở thành trợ lý không thể thiếu cho các nhà khoa học, nghiên cứu và các bác sĩ trong tương lai.
Tái phát minh bánh xe
Con người luôn tái phát minh bánh xe và tìm kiếm những kiểu mẫu mới cho bánh xe. Nhà thiết kế người Anh Duncan Fitzsimmons đã chế tạo một chiếc bánh xe có thể gập lại được để sử dụng cho xe đạp. Sau khi gặp những người khuyết tật, ông Fitzsimmons cải tiến thiết kế của ông phù hợp với xe lăn bằng cách thiết kế bánh xe có thể nén lại nhỏ gọn bỏ vào túi xách.
Trong khi đó Niko Klansek sống tại New York (Mỹ) thiết kế một bánh xe điện dùng trong xe đạp có thể đạt đến vận tốc 32 km/giờ. Bánh xe này được gắn vào vị trí bánh sau của xe đạp và tình trạng pin của bánh xe được quản lý qua điện thoại thông minh.
ANH THƯ