23/01/2025

Trẻ dưới 18 tháng tuổi: chẳng biết gửi đâu

Đó là nỗi khổ của nhiều bậc cha mẹ, dù có quy định các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi.

Trẻ dưới 18 tháng tuổi: chẳng biết gửi đâu

 Đó là nỗi khổ của nhiều bậc cha mẹ, dù có quy định các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi. Tìm đâu ra chỗ nhận giữ trẻ bây giờ? Câu hỏi này thật sự nhức nhối vì càng đi tìm trường mầm non công lập, tư thục nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi, chúng tôi càng vô vọng…

 

Tại các trường mầm non công lập ở nhiều quận như Q.3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp (TP.HCM), khảo sát của chúng tôi cho thấy không có trường nào nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi, hiếm hoi lắm mới có trường nhận trẻ từ 18 tháng tuổi.

“Bé quá!”

 

Có quy định giữ trẻ từ 3 tháng tuổi

Theo điều lệ trường mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 7-4-2008, trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi được nhận vào học tại trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Học sinh được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo: trẻ từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau: nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ; nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ; nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ. Đối với lớp mẫu giáo: trẻ từ 3 tuổi đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau: lớp mẫu giáo 3-4 tuổi: 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: 30 trẻ; lớp mẫu giáo 5-6 tuổi: 35 trẻ.

 

Khi chúng tôi hỏi một nhân viên văn phòng của Trường mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc (Vườn Lài, Q.Tân Phú) về việc trường có nhận giữ trẻ 7 tháng tuổi không, nhân viên ở đây đã tưởng rằng chúng tôi hỏi nhầm: “Cứ ngỡ chị hỏi gửi bé 17 tháng. 7 tháng thì bé quá, trường chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên”.

Nhân viên của Trường mầm non tư thục Họa Mi (Q.Tân Bình) khi được hỏi gửi bé 7, 8 tháng tuổi cũng thốt lên “nhỏ quá, trường chỉ nhận cháu trên 12 tháng tuổi”. Ngay cả tại những nhóm trẻ có phép (quy mô khoảng 60 trẻ trở xuống), việc nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng là hi hữu. Như nhóm trẻ Tuổi Thần Tiên (Q.Tân Bình) hiện không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. “Sau tết chúng tôi sẽ xem xét để nhận giữ thêm lớp nhà trẻ từ 12-18 tháng, còn dưới 12 tháng thì khả năng là chúng tôi không nhận giữ được” – một giáo viên ở đây cho biết.

Khảo sát một vài trường mầm non tư thục ở Q.3, Tân Bình, Phú Nhuận có nhận trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên cho thấy mức học phí đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi ít nhất khoảng 4,7 triệu đồng/tháng; đối với trẻ 6 tháng tuổi thì ít nhất cũng đã 5 triệu đồng/tháng (chưa tính các chi phí sữa, tã giấy…). Một nhân viên của Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (Q.Phú Nhuận) cho biết chưa có bé nào 6 tháng tuổi gửi ở đây và hiện nay chỉ có ba trẻ dưới 12 tháng tuổi học. Học phí của trẻ dưới 12 tháng tuổi là 4,7 triệu đồng/tháng. “Đối với những bé từ 8 tháng tuổi trở lên, mỗi tuần trường chỉ nhận một bé mới; còn trẻ 6 tháng thì phải đăng ký trước chứ nếu đến liền sợ không có chỗ học” – một nhân viên ở đây cho biết. Học phí cho trẻ 7 tháng tuổi ở đây khoảng 5 triệu đồng/tháng (chỉ tính công chăm sóc trẻ, sữa, tã… phụ huynh tự lo liệu).

 

Không dám… sinh

Theo nhân viên nhiều trường mầm non, “chỉ có nhóm trẻ quy mô nhỏ mới nhận giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi”. Với mức học phí khoảng 2 triệu đồng/tháng/bé dưới 12 tháng tuổi thì không có trường mầm non (cả tư và công) nào nhận cả. Chúng tôi cũng ghi nhận được một số nhóm trẻ tự phát có nhận trẻ dưới 9 tháng tuổi với mức học phí 1,4-1,6 triệu đồng/tháng.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi nói họ không dám sinh vì sinh rồi không biết gửi con cho ai khi ông bà nội ngoại không có, cũng chẳng đủ khả năng để nuôi một người giúp việc. Gửi con vào trường thì không được, mà gửi nhóm trẻ không phép thì thấy bất an quá” – chị Hiền, sinh năm 1978, có con trai nay đã 5 tuổi (Q.Tân Phú), cho biết.

Chị K., có con gần 2 tháng tuổi tại H.Bình Chánh, cho biết hiện chị đang rất lo lắng vì không biết tìm đâu ra chỗ gửi con khi chị đi làm. “Nội ngoại đều ở xa và cũng còn phải mưu sinh, tôi thật sự thấy không có điểm tựa nào để trông con. Hiện tôi đang cầu cạnh bà hàng xóm nhưng thật sự là bất đắc dĩ mới phải nhờ bà vì bà đã lớn tuổi lại không được nhanh nhẹn lắm. Thú thật khi phải gửi con như thế này tôi tự nhận thấy mình chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ, nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì mưu sinh để nuôi con, có lẽ tôi cũng đành phải gửi bà hàng xóm” – chị K. tâm sự.

Không riêng gì chị K., chị chồng của chị cũng trong hoàn cảnh như vậy, muốn làm việc thì không thể làm tròn bổn phận người mẹ. Chị nói: “Chúng tôi biết trình độ, cách chăm sóc của người mình nhờ cậy trông con nhưng thật sự không thể làm khác. Giờ phải làm sao khi không thể có giải pháp nào tốt hơn?”.

Khi chúng tôi hỏi rằng một bà mẹ như chị mong muốn một chỗ gửi con như thế nào, chị K. cười buồn: “Tôi nghĩ cũng cần có nhóm trẻ công lập, chăm sóc trẻ từ nhỏ để tạo điều kiện cho các bà mẹ đi làm. Hoặc là các trường công bắt buộc cũng phải có lớp nhà trẻ, như vậy các bà mẹ mới yên tâm được”. Chị Trang (Q.10), có con 12 tháng tuổi, trăn trở: “Không lẽ người phụ nữ nào cũng phải nghỉ ở nhà để chăm con dưới 12 tháng tuổi. Tôi nghĩ cần có một chính sách khác, không thể cứ 3 tuổi mới đến được trường công”.

MỸ DUNG