26/11/2024

Khi nào cần chỉnh răng cho trẻ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết nếu chỉnh nha quá trễ, răng trẻ đã ổn định, việc chỉnh mất nhiều thời gian hơn. Chưa kể về kinh tế, tuổi càng nhỏ việc chỉnh nha càng đỡ tốn kém.

 

Khi nào cần chỉnh răng cho trẻ?

17/12/2013 07:01 (GMT + 7)
 
 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết nếu chỉnh nha quá trễ, răng trẻ đã ổn định, việc chỉnh mất nhiều thời gian hơn. Chưa kể về kinh tế, tuổi càng nhỏ việc chỉnh nha càng đỡ tốn kém.

Em N.T.N. (12 tuổi, Bến Tre) vừa được mẹ đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám răng do hàm răng không đều. Còn em T.T.P. (12 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) phải nhổ một răng cửa (răng vĩnh viễn), hai răng nanh bị lệch ngoài, răng cửa lệch trong. Răng tiền cuối bị sâu, vỡ lớn. “Đây là trường hợp nặng nhất trong thời gian gần đây chúng tôi tiếp nhận” – bác sĩ Đinh Thị Như Thảo (khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1) nói.

Chỉnh càng sớm càng tốt

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho hay: “Trẻ con ở tỉnh xa thường có các vấn đề về răng nặng hơn trẻ thành thị do sự tiếp cận với y tế khó khăn hơn và một phần vì ý thức của cha mẹ. Nhiều cha mẹ đã phát hiện con bị di lệch răng khi trẻ 6-7 tuổi nhưng chủ quan nghĩ con còn nhỏ. Khi gặp bác sĩ thì răng của trẻ đã mọc lệch lạc, tương quan hàm trên dưới chênh lệch nhiều. Đặc biệt, ở những bé bị sứt môi, hở vòm bẩm sinh vấn đề chỉnh nha rất quan trọng”.

 

“Ngoài thẩm mỹ, chỉnh nha đúng và kịp thời, bé sẽ phát âm chính xác hơn, hoàn chỉnh hơn. Về mặt tâm lý, một trẻ ở độ tuổi hoàn tất bộ răng vĩnh viễn (từ 12 tuổi trở lên) cảm nhận về cái đẹp của cơ thể đã định hình rõ nét. Nếu bị hô quá, móm quá, khi tiếp xúc trẻ sẽ tự ti, mặc cảm”

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu

 

Theo bác sĩ Đẩu, chỉnh nha cho một trẻ 15-16 tuổi đắt hơn điều trị một trẻ 10-12 tuổi vì can thiệp khó hơn. Ông khẳng định: “Độ tuổi tốt nhất để khám xem có cần chỉnh nha hay không là 7-8 tuổi. Khi đó biểu hiện lệch lạc hàm răng đã rõ. Thời điểm tốt nhất để chỉnh nha là khi trẻ vừa hoàn tất bộ răng vĩnh viễn (12-13 tuổi). Tuy nhiên, tùy trường hợp mà có can thiệp phù hợp chứ không phải đợi tuổi. Có trẻ 10 tuổi đã mọc xong răng vĩnh viễn. Nếu đợi đến 12-13 tuổi mới đưa đến bác sĩ thì việc chỉnh răng trở nên khó khăn. Trẻ được can thiệp kịp thời, quá trình chỉnh sẽ rút ngắn được một nửa thời gian.

Bác sĩ Lê Thanh Bình (khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 2) tư vấn thêm: “Tùy mức độ lệch lạc của răng mà có thể chỉnh nha sớm sau khi bé thay răng cửa. Những lệch lạc nhẹ bác sĩ sẽ tiền chỉnh nha cho trẻ. Chỉnh sớm (7-8 tuổi) trong trường hợp bé bị móm, bị khớp cắn sâu, cắn hô ra ngoài do trẻ hay mút tay, thở miệng thì can thiệp sớm chừng nào tốt chừng đó. Còn trường hợp khớp cắn lệch lạc do cung hàm bất đối xứng với răng (cung hàm nhỏ, răng to) thì chỉnh sau 12 tuổi. Những rối loạn về khớp cắn hoặc các rối loạn khác nặng hơn thì nên chờ sau khi thay xong toàn bộ răng sẽ chỉnh”.

Quan tâm răng của trẻ khi mới chào đời

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy những năm gần đây số liệu các ca trẻ cần can thiệp chỉnh nha có xu hướng tăng. Năm 2009, khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới có 60 ca trẻ phải can thiệp chỉnh nha thì năm 2011 số lượng trẻ cần can thiệp gấp đôi năm 2010. Đến năm 2013, số lượng những ca phức tạp (nặng) nhiều hơn. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 10 ca trẻ cần can thiệp chỉnh nha.

Bác sĩ Lê Thanh Bình lưu ý: “Nhiều phụ huynh cho rằng răng sữa không cần chải hoặc chà răng bằng khăn, vải mềm nên răng không sạch, dẫn đến răng trẻ có thể bị hư. Với một số răng hàm, bác sĩ khuyên bảo tồn răng hàm lại, chữa tủy trước thì cha mẹ lại muốn nhổ. Suy nghĩ này rất sai lầm. Răng hàm không nên nhổ sớm vì giúp giữ khoảng cách nhất định cho răng vĩnh viễn không bị lệch”.

Do vậy, để chăm sóc răng của trẻ được tốt, bác sĩ Bình khuyến cáo: “Khi trẻ 2 tuổi trở đi, cứ sáu tháng ba mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám nha để được tư vấn kỹ. Chăm sóc răng là chăm sóc toàn diện, không chỉ có chỉnh nha mà còn trám, nhổ răng vào thời điểm nào… chính là những tiền đề của chỉnh nha. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu khiến răng trẻ dễ bị lệch lạc: trẻ hay mút tay, thở bằng miệng, đẩy lưỡi, ngậm núm vú giả kéo dài quá (sẽ làm răng hô), hay cắn các vật cứng (sẽ bị mẻ răng, di lệch vị trí). Đặc biệt khi trẻ mọc răng bất thường hoặc có dấu hiệu hô, móm, răng thưa, khấp khểnh… nên đưa đến bác sĩ răng hàm mặt sớm”.

Việc nắn chỉnh răng cho trẻ muốn hiệu quả, theo bác sĩ Bình, ba mẹ phải tuyệt đối tuân thủ theo lịch hẹn và lời khuyên của bác sĩ vì đây là quá trình kéo dài. Có trường hợp vài tháng, có trường hợp 3-4 năm vì khi mang khí cụ chỉnh nha, trẻ sẽ bị ê nhức nên bản thân trẻ phải có ý thức và ủng hộ việc này.

MY LĂNG