26/11/2024

Dễ nản khi học qua mạng

Một số nghiên cứu cho thấy nhiều khóa học qua mạng đại trà không giữ chân được học viên, không thu hút người học ở những nước nghèo.

 

Dễ nản khi học qua mạng

Một số nghiên cứu cho thấy nhiều khóa học qua mạng đại trà không giữ chân được học viên, không thu hút người học ở những nước nghèo.

Theo các khảo sát, phần lớn những học viên MOOC có điều kiện kinh tế và đã lấy một bằng đại học - Ảnh: ATELIER.NET
Theo các khảo sát, phần lớn những học viên MOOC có điều kiện kinh tế và đã lấy một bằng đại học – Ảnh: ATELIER.NET 

Cách đây khoảng 2 năm, Giáo sư Sebastian Thrun thuộc ĐH Standford (Mỹ) thu hút 160.000 sinh viên trên toàn cầu tham gia khóa học qua mạng đại trà (MOOC) miễn phí về bộ môn trí tuệ nhân tạo, mở đầu cho cái được xem là cách mạng hóa giáo dục đại học. Từ đó tới nay đã xuất hiện nhiều công ty cung cấp MOOC như Coursera (do 2 giáo sư của ĐH Stanford là Andrew Ng và Daphne Koller thành lập), edX (do ĐH Harvard cùng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lập ra). Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu ban đầu về MOOC đang gây thất vọng, theo báo The New York Times.

Chỉ 4% hoàn thành khóa học

Ngày 5.12, ĐH Pennsylvania (Penn) công bố kết quả khảo sát một triệu học viên đăng ký học 16 khóa MOOC do trường cung cấp thông qua Coursera từ tháng 6.2012 đến tháng 6.2013. Kết quả cho thấy chỉ có trung bình 4% học viên hoàn tất khóa học, tỷ lệ hoàn thành cao tập trung vào các khóa học có ít bài tập.

Theo The  New York Times, hồi tháng 1.2013, ĐH San Jose (SJSU) và Công ty Udacity do Giáo sư Sebastian Thrun đồng sáng lập đã thử nghiệm MOOC chi phí thấp, học viên có thể nhận tín chỉ hoàn tất chương trình. Giáo sư Thrun hy vọng sẽ thu hút và giữ chân nhiều học viên bằng cách thuê những cố vấn hỗ trợ họ qua mạng. Tuy nhiên, các lớp thử nghiệm, với khoảng 100 học viên/lớp, đã thất bại. Dù có các cố vấn hỗ trợ, học viên vẫn học kém hơn so với những người học tại trường. Do đó, chương trình thử nghiệm MOOC của SJSU đã tạm ngưng hồi tháng 7.2013.

Ngoài ra, MOOC chưa thể đạt được mục tiêu dân chủ hóa giáo dục như kỳ vọng. Lý do MOOC thu hút được sự chú ý của dư luận vì nó có tiềm năng cách mạng hóa việc tiếp cận giáo dục. Việc đưa các khóa học miễn phí trên mạng có thể giúp loại bỏ những rào cản về địa lý, chủng tộc, kinh tế và giới tính trong giáo dục. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu trên gần 35.000 học viên từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia 32 khóa MOOC do Penn cung cấp qua Coursera, cho thấy hầu hết học viên tham gia có điều kiện kinh tế, và đã có ít nhất một bằng đại học, theo báo The Wall Street Journal. Để tham gia MOOC, học viên phải có máy tính được kết nối internet băng rộng nhưng đây cũng chính là điều kiện khó thực hiện đối với người nghèo. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.2013, nhà đồng sáng lập Coursera Andrew Ng cho The Wall Street Journal hay 40% học viên MOOC của chương trình đến từ các quốc gia đang phát triển.

MOOC sẽ biến đổi thành nhiều dạng khác nhau

Dù chương trình thử nghiệm giữa SJSU và Udacity bị tạm ngưng, Giáo sư Thrun vẫn không bỏ cuộc đối với MOOC. “Vẫn còn nhiều thứ cần phải cải thiện… Tôi tin rằng chúng tôi đang đi trên con đường mà có thể loại bỏ những trở ngại cho việc tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, đây mới là sự khởi đầu của con đường này”, Giáo sư Thrun viết trên blog của Udacity hồi tháng 8.2013.

Ngoài ra, nhiều người từng phê bình MOOC cũng không cho là loại hình đào tạo này sẽ biến mất, theo The New York Times. MOOC có thể sẽ biến đổi thành nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn, SJSU đang thu những kết quả tốt trong việc dùng các đoạn video do edX cung cấp để bổ sung cho các buổi dạy trên lớp. Chương trình này cũng đang sản xuất các đoạn video dùng cho những lớp học nâng cao trong các trường phổ thông ở Mỹ. Những nhà cung cấp MOOC khác đang có kế hoạch cho ra đời mô hình mới, được gọi Connectivist MOOC, với mục đích tập trung vào sự kết nối và liên lạc giữa học viên hơn là nội dung mà các giáo sư cung cấp.

Minh Trung