Người lái xe ba gác tự chế
Không phải họ hàng thân thích với lũ trẻ, nhưng suốt năm năm qua anh Nguyễn Văn Đáng ở làng Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) vẫn ngày ngày đưa các em tới trường.
Người lái xe ba gác tự chế
Bằng chiếc xe ba gác tự chế với cái thùng to, mỗi lần anh chở được 10-15 trẻ an toàn đi về qua 16km đường mà chẳng hề toan tính công lao.
Ở làng Nguyên Xá, không ai không biết anh lái xe ba gác Nguyễn Văn Đáng. Sinh năm 1973, nhưng nhìn anh già hơn tuổi của mình rất nhiều. “Ở vùng quê lúa này quanh năm vất vả nên ai cũng già trước tuổi em à!” – anh nói.
Thương trẻ quê mình
“Đã năm năm rồi nên việc đón bọn trẻ đã trở thành thói quen và cũng chẳng thấy mệt mỏi nữa. Ngược lại tôi còn thấy vui vui” Anh NGUYỄN VĂN ĐÁNG |
Làm ruộng quanh năm mà không đủ ăn, năm 2007 anh Đáng quyết định mở thêm dịch vụ cơ khí hàn xì mái tôn, cửa ống cho người trong vùng. Cũng chính vì cơ duyên đó, anh Đáng mới chế ra chiếc xe ba gác có thùng đựng lớn. Bánh trước của xe được làm từ bánh xe gắn máy. “Lúc đầu mình làm chiếc xe này chủ yếu để đi thồ hàng hóa. Nhưng giờ chỉ chở bọn trẻ tới trường thôi!” – anh nói. Chiếc xe của anh Đáng có thể chở được 500kg. Với trọng lượng đó anh sẽ giúp 15 cháu tới trường một cách an toàn và ngon lành.
Theo lời anh Đáng, xóm 7 có vị trí địa lý đặc biệt, một mặt giáp sông Luộc và mặt khác giáp quốc lộ 10, là nơi xa xôi nhất của xã. Từ xóm 7 ra trường tiểu học ở trung tâm xã Nguyên Xá hơn 4km. Với những học sinh cấp II, III đạp xe đi học tầm đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng với những em lớp 1, lớp 2 thì quả là một vấn đề. Cha mẹ các em thì tối ngày trên ruộng đồng, lúc hết mùa vụ lại đổ xô đi các nơi làm phu hồ, bốc vác. Chính vì thế họ chẳng thể ngày ngày đưa đón con tới trường được.
Ở đây học sinh phải học cả ngày mà không ở bán trú như trên thành phố. Ngày ngày bọn trẻ mới 7-8 tuổi phải đi bốn lượt với khoảng 16km đường. Như thế là quá vất vả. Thương lũ trẻ quê nghèo, anh Đáng quyết định dành chiếc ba gác tự chế của mình để đưa trẻ tới trường. Anh còn làm mái để che mưa, che nắng cho lũ trẻ trên thùng xe.
Ngày bốn lượt anh đón các học sinh tới trường. Buổi sáng anh dậy sớm cho xe xuất phát từ 6g15 đi dọc đường làng để đón từng em. Sau đó anh để xe dưới gốc cây ngay tại cổng trường và đi xe đạp đến chỗ làm ở thị trấn Đông Hưng cách đó chỉ 1km. Đến 10g30 anh quay lại trường đón lũ trẻ về nhà.
Buổi chiều hành trình cũng y như thế với lịch là đưa lũ trẻ đi lúc 13g và đón về lúc 16g30. Đón bọn trẻ này cũng khó khăn lắm, vì nếu ra muộn tí là chúng nháo nhác hoặc chạy đi đùa nghịch khắp nơi. Đó lại là giờ tan tầm, rất đông xe cộ nên nguy hiểm lắm. Chính vì thế dù bận gì anh cũng phải đón xong các cháu an toàn rồi mới làm tiếp việc khác. Anh thổ lộ: “Đã năm năm rồi nên việc đón bọn trẻ đã trở thành thói quen và cũng chẳng thấy mệt mỏi nữa. Ngược lại tôi còn thấy vui vui”.
Cần những người như thế
Ông Nguyễn Văn Trạch, trưởng xóm 7, cho biết ở xóm mình có đến 70-80 cháu đang học cấp I, vì thế chỉ mình anh Đáng thì sẽ chở không xuể. Nhiều bậc phụ huynh không yên tâm phải bỏ làm để ngày ngày đưa đón con đi học bốn lần đường.
Anh Nguyễn Hữu Thưởng, phụ huynh một em học sinh ở xóm 7, ước mong làng Nguyên Xá có thêm vài anh Đáng. Một số gia đình có con em đang học lớp 1, lớp 2 từng bày tỏ ý định sẽ góp tiền để thuê vài người làm xe ôm hoặc đạp xích lô chở lũ trẻ trong làng đến trường nhưng bất thành.
Lý do anh Thưởng đưa ra có thể là dân ở đây còn nghèo quá, nên số tiền góp ít ỏi không thuyết phục được người chạy xe. Cũng còn bởi bọn trẻ tiểu học đang trong độ tuổi hiếu động, đùa nghịch nên nếu không phải là người chịu khó, mát tính như anh Đáng thì sẽ rất khó khăn trong việc chở chúng mỗi ngày bốn lần trên đường. Vì thế nhiều người không dám nhận việc này.
Còn với anh Đáng, dù ngày mưa hay nắng cũng không quản khó khăn đưa đón các cháu đầy đủ. Anh cho biết: “Nhiều phụ huynh nhờ tôi giúp nhưng xe có hạn nên không thể nhận hết được, dù từ chối họ lòng tôi rất buồn. Tôi ưu tiên chở các em lớp 1 vì chúng còn bé quá, khi chúng lên lớp trên thì tôi lại chuyển sang chở tốp lớp 1 khác”.
Chúng tôi đi theo dọc hành trình của anh và bắt gặp những cảnh tượng hết sức bình dị mà rất đẹp. Nhà anh ở cuối làng, chính vì vậy có vài cháu đã đợi sẵn ở đây để lên xe. Khi đi qua con đường làng, các cháu còn lại lần lượt lên xe. Cháu nào bé quá, anh còn chạy xuống bế lên xe cho an toàn. Đến gia đình nào mà không thấy học sinh đứng đợi để đi học, anh lại vào tận nhà hỏi phụ huynh vì sao em ấy hôm nay lại nghỉ học…
Qua những đoạn đường gập ghềnh, đông đúc, anh nhẹ nhàng ân cần nhắc từng đứa phải ngồi yên, không đùa nghịch. Với những cậu bé hiếu động quá, anh tỏ thái độ nghiêm khắc nhưng mang đầy tình thương của một người cha.
Chúng tôi thắc mắc vì sao chở lũ trẻ vất vả thế mà anh không đòi hỏi quyền lợi gì, anh cười bảo rằng giúp phụ huynh của các cháu thì tình làng nghĩa xóm họ sẽ lại giúp anh cái này cái khác… Như vậy cả hai bên đều có lợi đó chứ! Nói xong anh cười một cách sảng khoái.
HƯỜNG NGUYỄN
Anh Đáng tâm sự mình rất thương các cháu, không chỉ vì vất vả đường xa mà còn bởi những nguy hiểm luôn rình rập trên đường. Từ xóm đến trường lũ trẻ phải đi qua thị trấn Đông Hưng đông đúc trên quốc lộ 10 giao với quốc lộ 39A, và đây là đoạn đường rất nhiều phương tiện qua lại, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra ở địa bàn này. |