23/01/2025

Ép nhà khoa học nói dối

Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân mới đây cho biết phải ký hơn 100 chữ ký mới giải ngân được kinh phí cho một đề tài nghiên cứu khoa học.

 

Ép nhà khoa học nói dối

15/12/2013 14:32 (GMT + 7)
 
 

TT – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân mới đây cho biết phải ký hơn 100 chữ ký mới giải ngân được kinh phí cho một đề tài nghiên cứu khoa học.

Những thủ tục quá mất thời gian, rườm rà, không sát thực tế; cách thức đầu tư cho khoa học buộc nhà khoa học phải nói dối dù không hề mong muốn, đáng buồn thay đã trở thành chuyện thường ngày…

 

* GS.TS Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam):

Danh sách “ảo”, chứng từ “khống”

Cơ chế quản lý tài chính hiện nay với tất cả thủ tục khiến nhà khoa học bị lãng phí thời gian vào những việc không thuộc chuyên môn, cố gắng hợp thức hóa những thủ tục mà đôi khi biết rõ nó không trung thực.

Khi được giao chủ nhiệm đề tài, tôi vẫn không được chủ động chọn lựa cách thức hoạt động, tổ chức đề tài hiệu quả nhất. Bằng chứng là khi tổ chức một hội thảo khoa học, nếu theo đúng quy định của Bộ Tài chính, tiền bồi dưỡng chỉ chi cho những người chưa được hưởng lương từ ngân sách như người học cao học chẳng hạn. Trong khi đó, quy mô, tầm mức hội thảo, hội nghị tôi cần cho đề tài có những đối tượng đa dạng, trong đó có những nhà khoa học đặc biệt. Theo đúng quy chế, sẽ không thể chi bồi dưỡng cho những nhà khoa học đã hưởng lương, như thế sao được? Kết cục là người ta có thể mời đa dạng đối tượng, nhưng danh sách duyệt chi thì toàn là học viên cao học. Dễ hiểu khi danh sách đó nhiều khi là “ảo”.

Vẫn theo quy chế hiện hành, công tác phí khi tham dự hội nghị chả thấm tháp gì so với mức chi thực tế. Thêm một kết cục đáng buồn nữa khi nhà khoa học phải nói dối, lại phải tìm các chứng từ khác để lấp đầy, cốt quyết toán cho xong.

Nếu không đổi mới cơ chế, nhà khoa học cứ luẩn quẩn vào mấy thứ vụn vặt này, khoa học làm sao phát triển xứng tầm với chính trình độ của nhà khoa học cũng như kỳ vọng của xã hội được?

* GS Phùng Hồ Hải (phó viện trưởng Viện Toán học – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam):

Làm khoa học khác với trồng rau, xây nhà chung cư

Xin được chia sẻ điều ngạc nhiên của tôi sau khi có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với cơ chế quản lý khoa học trong nước. Đó là có những nguyên tắc, rất hiển nhiên đối với những nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học tại Bộ Khoa học và công nghệ – ít nhất là ông bộ trưởng – hiểu nguyên tắc đó, nhưng không sao giải thích được cho nhiều vị bên Bộ Kế hoạch – đầu tư hay Bộ Tài chính.

Cần hiểu rằng làm khoa học khác với trồng rau hay xây nhà chung cư, không phải cứ có cây giống hay nguyên vật liệu cùng với nhân công là sau ba tháng hay hai năm có sản phẩm. Làm khoa học là sáng tạo những cái mới, đã là cái mới, chưa ai biết thì làm sao khẳng định là chắc chắn sẽ có. Chỉ có ở thời Trung cổ người ta mới giết những nhà giả kim thuật, vì không chế tạo được ra vàng như đã hứa. Còn ngày nay, các đồng nghiệp của tôi ở trên khắp thế giới chưa thấy ai kể rằng họ phải nộp lại tiền cho quỹ tài trợ khoa học vì không thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong đề tài của mình.

Điều duy nhất các quỹ tài trợ trên thế giới sẽ làm là ngưng tài trợ. Họ không coi các nhà khoa học mà họ tài trợ là con nợ. Nhưng ở VN, vừa qua Quỹ NAFOSTED đã kiên quyết buộc một số nhà khoa học không hoàn thành dự kiến công bố công trình của mình phải nộp lại một phần tiền nghiên cứu đã nhận.

Thú thực, tôi biết khả năng hoàn thành các “thủ tục ngoài chuyên môn” của mình có hạn nên ít nghĩ tới chuyện đăng ký các đề tài. Hiện tôi chỉ đăng ký một đề tài với Quỹ NAFOSTED. Tôi đang hi vọng công trình mới hoàn thành của chúng tôi có thể công bố được sớm để không trở thành “con nợ” của quỹ. Thật sự tôi cũng muốn có một công trình trọn vẹn trước khi công bố, nhưng do sức ép về thời gian nên dù còn hơi non, chúng tôi vẫn phải gửi đăng.

* Ông Lê Đình Tiến (thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ):

Nhà khoa học phải được dành nhiều thời gian cho khoa học

Đúng là cơ chế tài chính hiện nay đang áp dụng cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thật sự phù hợp. Bởi lẽ, bản chất của nghiên cứu khoa học luôn mang tính sáng tạo đậm nét. Sáng tạo ra cái mới chưa biết thì làm sao có thể định mức chuẩn xác được cái chưa biết, chưa tìm ra ấy.

Để khắc phục những hạn chế về cơ chế đối với nhà khoa học không có cách nào khác là phải tiếp cận và thực hiện theo nguyên tắc hướng tới chuẩn mực của quốc tế. Hiện tại, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED đang đi đầu trong việc thí điểm những cơ chế mới và hướng tới chuẩn mực quốc tế về chất lượng nghiên cứu cũng như quản lý đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản.

Quỹ ký hợp đồng với nhà khoa học, giảm đi nhiều chứng từ và giảm nhiều công sức cho nhà khoa học trong thực hiện các thủ tục. Nhà khoa học có nhiều thời gian dành cho chuyên môn, không phải quá bận tâm nghĩ ra hết chuyên đề này đến chuyên đề khác mà nhiều khi hoàn toàn không cần thiết.

Để thực hiện Luật khoa học và công nghệ mới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật, trong đó có nghị định hướng dẫn đầu tư và cơ chế tài chính đang được xây dựng. Nghị định hướng dẫn sẽ điều chỉnh quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế kế hoạch hiện nay sang cơ chế quản lý của quỹ. Như vậy, sau khi có dự toán được phê duyệt thì sẽ chuyển kinh phí về quỹ để chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong năm, khi nào nhà khoa học đề xuất đề tài là quỹ có thể sẵn sàng đáp ứng kinh phí, dành thời gian cho nhà khoa học được tập trung suy nghĩ, trăn trở thật sự với đề tài của mình. Với cơ chế này cũng cần thẩm định kỹ chất lượng kết quả thực hiện của đề tài. Ngoài ra, nghị định cũng quy định cơ chế khoán chi đối với thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc mua sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong khoa học và công nghệ hiện đang trình Chính phủ, dự kiến được ban hành vào đầu năm 2014.

NGỌC HÀ ghi

_____________________

100 chữ ký sống

“Mỗi đề tài triển khai thì giám đốc Sở Khoa học và công nghệ phải ký khoảng 100 chữ ký, mà phải là chữ ký sống thì kho bạc mới giải ngân” – giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân cho biết tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM ngày 11-12.

Trả lời câu hỏi tại sao chi cho nghiên cứu khoa học năm 2013 còn thấp so với kinh phí dự trù, khó khăn do đâu và giải pháp giải quyết, ông Tân cho rằng mất quá nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục. “Cái này nhiều khi làm nản lòng nhà khoa học” – ông Tân nói.

Chưa hết, ông Tân cũng khẳng định cơ chế quản lý nhà nước còn quá bất cập, nhiều khi bắt nhà khoa học phải nói dối.

Thông tin của vị “tư lệnh” khoa học, công nghệ TP khiến đại biểu Tô Thị Bích Châu hoang mang: “Cách đây ba năm tôi nghe chuyện một đề tài phải ký 100 chữ ký, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân giám đốc sở thừa nhận chuyện này thì tôi thấy băn khoăn quá. Nếu chúng ta không cải cách được chuyện này thì sẽ còn bao nhiêu người trẻ mặn mà với nghiên cứu khoa học?”.

Thủ tục thanh quyết toán nhiêu khê khiến không chỉ người trẻ nản lòng với nghiên cứu khoa học, mà cũng làm mệt mỏi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu “già”. Hình ảnh các vị giáo sư đáng kính ở các trường đại học, các viện nghiên cứu chạy ngược chạy xuôi để hợp thức hóa thủ tục thanh toán từ lâu đã trở nên quen thuộc. Nào là giấy tờ thể hiện các chi phí trực tiếp; chi phí gián tiếp; nguyên, nhiên vật liệu; thiết bị, dụng cụ; đi lại, công tác phí; dịch vụ thuê ngoài…

Điều kiện để giấy tờ được chấp nhận là “mua vật tư, photo tài liệu, văn phòng phẩm từ 200.000 đồng trở lên – hóa đơn tài chính, dưới 200.000 đồng bảng kê mua hàng, giấy nhận tiền, biên bản giao nhận vật tư, danh sách nhận tài liệu, vật tư, văn phòng phẩm. Nếu mua hàng với giá trị từ 5 triệu đồng trở lên: báo giá, phê duyệt giá đơn vị cung cấp; nghiệm thu, bàn giao; ủy quyền, hợp đồng, thanh lý hợp đồng: hai bản gốc…” (trích hướng dẫn thanh quyết toán nghiên cứu khoa học của một trường đại học).

Thế là các giáo sư mặc dù công trình của mình đã được nghiệm thu nhưng chưa qua được “ải” kế toán – tài vụ thì vẫn chưa thể yên lòng. Họ tất tả đi gom cho đủ hóa đơn, chứng từ; nhờ người này ký giúp biên nhận khoản chi dịch tài liệu, nhờ người kia ký biên nhận khoản chi thu thập – xử lý số liệu, thậm chí nhờ cả người đóng vai… xe ôm để ký biên nhận trả tiền đi lại trong khi họ hoàn toàn không làm những việc này! Và thường những người được nhờ là các nhà nghiên cứu trẻ trong cơ quan.

Vậy là, giáo sư biết mình làm dối, cán bộ trẻ biết mình làm dối, cơ quan quản lý, phê duyệt thủ tục thanh toán biết là có chuyện gian dối. Nhưng tất cả đều được thông qua. Sự dối trá mà ai cũng biết đó cứ duy trì từ năm này qua năm khác, từ nơi này qua nơi khác, không chỉ ở TP.HCM như thừa nhận công khai trên đây.

Một phó giáo sư có uy tín của một đại học đầu ngành tâm sự sau vài lần trầy trật với thủ tục “trần ai” đó, ông quyết định không nhận đề tài nghiên cứu khoa học có kinh phí từ Nhà nước nữa, mà chuyển sang làm các nghiên cứu với sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoặc nước ngoài. Ông chia sẻ việc quá mệt mỏi và lòng tự trọng đã khiến ông đi đến quyết định cực đoan này.

Thật sự, chuyện nhiêu khê và gian dối trong thanh quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học không phải là mới. Đáng nói là sau hàng chục năm đất nước đổi mới trên rất nhiều lĩnh vực thì điều này lại đang hiển hiện trong khoa học, công nghệ – lĩnh vực lẽ ra cần sự thông thoáng nhất để các nhà khoa học chỉ phải tập trung trí tuệ sản sinh các sản phẩm khoa học. Một chuyện đáng nói nữa là mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm đơn giản hóa quy trình thanh quyết toán, vậy nhưng, sự gian dối đối phó đó vẫn tiếp tục “hành hạ”, cản trở các nhà khoa học.

NHẬT HUY