22/01/2025

Gặp lại người hùng trên sông Gianh

Sau khi dùng thuyền cứu 36 người gặp nạn trên sông Gianh năm 2009, nhiều tổ chức cá nhân và Nhà nước hứa giúp anh ổn định cuộc sống, nhưng tất cả đã chìm vào quên lãng.

Gặp lại người hùng trên sông Gianh

Sau khi dùng thuyền cứu 36 người gặp nạn trên sông Gianh năm 2009, nhiều tổ chức cá nhân và Nhà nước hứa giúp anh ổn định cuộc sống, nhưng tất cả đã chìm vào quên lãng.

Những tấm bằng khen là thứ giá trị nhất trong nhà anh Mai Xuân Luyện – Ảnh: P.Trà 

Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi vượt 150km, ngược dòng sông Gianh để gặp lại người hùng Mai Xuân Luyện, thôn Đồng Phú (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa). Anh từng giành giật với thủy thần để cứu lấy hàng chục mạng người trong cơn tuyệt vọng. “Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy run, không hiểu vì sao mình lại làm được vậy” – anh Luyện nói.

“Làm điều có ích cho đời”

Nhắc lại chuyện xưa, anh Luyện vẫn chưa hết bàng hoàng: “Đó là sáng 30 tết (30-12-2009), tôi đánh đò chở con trai Mai Thanh Phong (21 tuổi) cùng hai người cháu họ là Trần Quốc Thắng (34 tuổi), Trần Quốc Hoàn (23 tuổi) xuống bến đò Quảng Hải (Quảng Trạch) mua sắm đồ tết.

Khoảng 7g cùng ngày, tôi cùng con cháu chuẩn bị rời bến về nhà thì phát hiện một chiếc thuyền chở 80 người tròng trành rồi bị cơn gió mạnh đẩy lật úp, cách đó hơn 100m. Chúng tôi liền chuyển hết hàng hóa trên thuyền rồi phóng nhanh về phía thuyền gặp nạn.

Tiếng kêu la của người lớn, trẻ con làm náo động cả lòng sông. Họ bíu chặt lấy nhau, bám vào thành đò, những cánh tay tuyệt vọng đang cố đập mạnh vào nước để tìm kiếm sự sống… Lúc này tôi và Thắng chèo đò, còn Phong và Hoàn cởi áo nhảy xuống sông đưa từng người lên thuyền.

Sau đó, để tiếp tục cứu những người còn lại, tôi liền nghĩ ra cách buộc dây vào bụng Phong và Hoàn để giữ an toàn cho chúng, bởi lúc lặn mà sức kiệt, bị người gặp nạn bấu víu thì rất dễ tiêu đời. Bằng cách này, trong khoảng 30 phút, chúng tôi đã đưa được tất cả 36 người vào bờ. Rất tiếc, trong số được cứu có một người khi đưa được lên bờ thì đã chết…”.

 

“Huyện không mặn mà”

Ông Đoàn Đại Thế, chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, cho biết gia đình anh Luyện là một trong số những hộ khó khăn trong xã, hai vợ chồng ốm đau thường xuyên, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nên con cái không được học hành đến nơi đến chốn.

“Chúng tôi cũng thường động viên gia đình về tinh thần là chính, còn về kinh tế thì địa phương không có nhiều tiền để giúp đỡ nên anh Luyện phải tự thân vận động. Về phần đất mà một lãnh đạo huyện Tuyên Hóa hứa cấp, sau khi nhận đơn anh Luyện, xã cũng có ý kiến lên huyện nhưng thấy huyện không mặn mà gì nên thôi. Hơn nữa lô đất anh Luyện xin thuộc đất đấu giá nên không thể cấp được“ – ông Thế nói.

 

Rồi anh tiếp tục kể: “Thường người sống nghề sông nước như bọn tôi rất kiêng kỵ việc cứu người chết đuối, vì làm như vậy mình dễ gặp họa lớn. Nhưng lúc đó tôi không thể đứng nhìn người ta chết mà không cứu. Nhiều người làm nghề sông nước hỏi tôi sao liều vậy, tôi chỉ cười bảo nếu sau này có phải trả giá đắt thì mình cũng đã làm điều có ích cho đời, chứ không phải là kẻ tàn nhẫn với đồng loại…”.

Cơ cực vẫn hoàn cơ cực

Căn nhà anh Luyện nhỏ lụp xụp, mái ngói thủng lỗ chỗ, xung quanh được che chắn bằng những miếng gỗ, chẳng có gì giá trị ngoài những tấm bằng khen từ huyện đến trung ương trao tặng sau vụ chìm đò.

Anh Luyện giọng buồn kể: “Ngày trước còn có chiếc thuyền để kiếm bữa cơm qua ngày, nhưng từ khi thuyền hỏng không đủ tiền sửa chữa nên tôi quyết định “giải nghệ” nghề sông nước. Sau đó ở nhà cùng vợ khai hoang đất trống dọc sông Gianh trồng hoa màu kiếm gạo nuôi con, nhưng mỗi năm lũ đến lại cuốn sạch khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn…”.

Chỉ vào vết thương băng bó trên bụng, anh Luyện nói như khóc: “Nghèo mà trời cho sức khỏe thì còn đỡ, đằng này vợ chồng bệnh tật triền miên. Tháng 6 vừa rồi tôi bị cơn đau dạ dày ngất lịm, được người ta đưa lên bệnh viện huyện.

Tại đây, bác sĩ chuyển tôi lên bệnh viện tỉnh, nhà không có tiền chữa trị tôi đành bàn với vợ bỏ về, có chết cũng đành chịu, nhưng vợ tôi khóc dữ quá rồi lấy chiếc xe máy duy nhất có giá trị của nhà tôi mang đi cầm được 5 triệu đồng cho tôi phẫu thuật cắt một nửa dạ dày. Đến giờ tiền cầm xe mỗi ngày tăng thêm 25.000 đồng, nhưng chẳng có tiền chuộc về”.

Cách đây không lâu, em Mai Thị Loan (con thứ hai của anh Luyện) thi tốt nghiệp. “Tôi hứa nếu nó đậu trên 40 điểm sẽ gom tiền cho đi thi đại học, nhưng sau đó tôi lâm bệnh không có tiền nó đành ở nhà… – cầm tờ giấy khen của con, anh Luyện nói như khóc – Nó học được lắm, năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi của trường. Đợt thi tốt nghiệp nó đạt 46 điểm, nhưng ước mơ vào đại học không thực hiện được. Lần tôi nằm viện nó còn động viên: Dù con có vào được đại học thì cũng không có tiền học, mà học xong nhà mình nghèo cũng chẳng lo được tiền xin việc nên con kiếm cái nghề gì làm là hợp nhất bố ạ. Nói là làm, ngày tôi ra viện nó cũng theo bạn vào Nam kiếm sống. Tôi làm cha mà không lo nổi cho con ăn học, nghĩ mà xấu hổ”.

Không chỉ có em Loan mà em kế Loan là Mai Văn Phú (15 tuổi) vừa học xong lớp 9 đợt hè này cũng xin nghỉ học vì không có tiền. Phú tâm sự: “Mỗi lần nghe trường nộp khoản gì em cũng không có tiền mà đóng, bị bạn trêu chọc quá em xin nghỉ luôn. Hơn nữa, em cũng muốn ở nhà đi thả lưới dọc sông kiếm con cá, con cua cho mẹ đi chợ đổi gạo…”.

Lời hứa về đâu?

Sau khi cứu được 36 người trên sông Gianh, nhiều người biết hoàn cảnh khó khăn của anh Luyện đã mở lời giúp đỡ. Tưởng như vậy gia đình anh sẽ không còn chịu cảnh cơm không đủ no áo không đủ mặc, con cái được học hành tử tế, nhưng những lời hứa hẹn đó cuối cùng rồi cũng bay theo gió… Anh Luyện kể: “Tôi cứu người không đòi hỏi sự đền đáp. Nhưng sau đó, việc cứu người của tôi và con trai chẳng mấy chốc lan rộng, từ huyện tới trung ương đến thăm và tặng bằng khen cho gia đình. Nhiều tổ chức, cá nhân nhìn hoàn cảnh gia đình khó khăn đã hứa giúp, lúc đó tôi cũng thấy vui, nhưng sau đó thì… thất vọng”.

Nhìn ra sông Gianh, anh Luyện nhớ lại: “Ngày đó, biết thằng Phong cứu được nhiều người, tính tình hiền lành lại vừa bỏ học lớp 10 theo tôi kiếm sống vì nhà nghèo, một nghệ sĩ đã mở vòng tay đón nhận Phong làm con nuôi. Bà hứa cho ăn học văn hóa hết lớp 12 và dạy nghề cho nó. Biết được tin, Phong vui không ngủ được, đến lúc lên xe vào Nam nó vẫn nghĩ đó là giấc mơ. Nó khóc và ôm chầm mấy đứa em hứa sẽ học giỏi để vào đại học, làm ra tiền gửi về cho các em ăn học. Nó được nghệ sĩ này cho đi học nghề mỹ nghệ kim hoàn. Học hơn một năm nó nhận được chứng chỉ ra nghề nhưng sau đó lại lang thang lên Đắk Lắk hái cà phê kiếm sống.

Ngày đó một cán bộ quân đội vào thăm gia đình hứa sau khi Phong đủ tuổi sẽ nhận vào quân đội, nhưng sau đó họ cũng quên luôn. Chưa hết, một cán bộ huyện Tuyên Hóa tới thăm gia đình, thấy nhà tôi tồi tàn, lại nằm bên mép sông, quanh năm đối diện với cảnh lũ lụt, xói lở nên bảo tôi làm đơn trình lên xã để xã báo cáo lên huyện cấp cho lô đất cất nhà. Tuy nhiên, tôi nhiều lần làm đơn gửi chính quyền xã nhưng chẳng có ai đoái hoài nên cho tới giờ cuộc sống chẳng có gì thay đổi”.

PHƯƠNG TRÀ