23/01/2025

Cậu bé lớp 5 mò cua, bắt ốc nuôi bà

Dáng người nhỏ, ánh mắt đượm buồn… là những ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được khi gặp em Lê Văn Chiến (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An).

 

Cậu bé lớp 5 mò cua, bắt ốc nuôi bà

Dáng người nhỏ, ánh mắt đượm buồn… là những ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được khi gặp em Lê Văn Chiến (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An).

Chúng tôi tìm đến nhà em Lê Văn Chiến, học sinh lớp 5A vào một ngày cuối tháng 9. Mới 10 tuổi đầu, nhưng nhìn khuôn mặt gầy gò, dáng người nhỏ bé của em, ít ai có thể hình dung được rằng em đã phải cố gắng bươn chải rất nhiều. Sau mỗi buổi đến trường, em lại đi mò cua, bắt ốc để lấy tiền nuôi bà và nuôi dưỡng ước mơ đến trường của bản thân.

le-van-chien-1386555592-4786-1386574166.

Bố mẹ chia tay rồi bỏ đi biệt xứ ngay từ khi em mới lọt lòng, Chiến về sống với bà nội gần 90 tuổi. Hàng ngày, sau mỗi giờ học, em lại lang thang khắp các cánh đồng làng kiếm con cua, con cá bán lấy tiền để 2 bà cháu rau cháo qua ngày. Căn nhà nhỏ rộng bằng nửa phòng học của hai bà cháu được bà con chòm xóm dựng cho, bên trong không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp do em tự gom góp sau mấy mùa bắt ốc. Chiến luôn mong ước có được sức khỏe để làm việc nuôi bà và đi học như các bạn.

Chiến kể, cách đây vài năm, khi bà nội em còn khỏe, thỉnh thoảng bà còn đi nhổ rau má, mót lúa mỗi khi đến mùa gặt. Nhưng hiện sức khỏe của bà đã yếu không làm được gì nhiều. Hàng ngày sau mỗi buổi học, em lại đi mò cua, bắt ốc. Cứ mỗi ngày như vậy em kiếm được khoảng 20.000 – 30.000 đồng, được bao nhiêu em đều đưa hết cho bà.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Chiến bảo: “Em chỉ muốn được đi học để sau này kiếm tiền nuôi bà, em rất thương bà nên sẽ cố gắng học thật giỏi để bà vui vì bà là tài sản quý giá nhất đối với em”.

Bà Lê Thị Hường, bà nội Chiến nay đã yếu, nhìn cháu mình còn nhỏ dại mà phải bươn chải kiếm sống, không được vui chơi như bạn bè cùng trang lứa, khiến bà tủi thân lắm. Bà nói: “Tôi chỉ lo khi mình chết đi, cháu Chiến sẽ không có ai mà nương tựa nữa”.

Dù hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng điều đáng mừng là bằng nghị lực của mình, bốn năm liền Chiến luôn là học sinh giỏi cấp trường, học lực được xếp loại giỏi. Năm học lớp 5 này, Chiến đã được tuyển chọn vào đội học sinh giỏi của trường chuẩn bị đi thi học sinh giỏi cấp huyện.

Những người hàng xóm của em kể lại ngày nhỏ, mỗi khi thằng bé khóc vì khát sữa, ai nấy đều xót lòng, có khi mang bát nước cơm đến cho. Đến khi đi học, em luôn nhận thức được gia cảnh của mình nên ngoài việc giúp đỡ bà kiếm tiền, còn biết tự học để vươn lên. Nhìn gia cảnh của em ai cũng thương. Thầy cô, bạn bè trong trường hàng năm cũng giúp đỡ, người cho cuốn vở, người may cho bộ quần áo. Thế nhưng cũng chỉ là phần nào thôi.

Cô Lê Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường và cô Nguyễn Thị Tùng (giáo viên chủ nhiệm của Chiến năm học lớp 4) kể về hoàn cảnh của em mà không kìm được nước mắt. Sau mỗi giờ tan trường, Chiến không về nhà ăn cơm như những học sinh khác, hầu như em đều đi dọc đường tranh thủ mò thêm con cua, con cá để cải thiện bữa ăn, hoặc hôm nào nhiều thì đem bán luôn và đưa tiền cho bà. Ý thức được hoàn cảnh của mình nên em rất ngoan và chăm học, được bạn bè quý mến.

Trong học tập, Chiến rất tự giác, thông minh duy chỉ có một điều là những khoản đóng góp của em mặc dù đã được giảm nhiều nhưng đều nộp rất chậm. Chúng tôi biết hoàn cảnh em nên cũng thông cảm. Nhưng thương nhất là nhiều hôm em nhịn đói đi học nên ngất luôn trên lớp. Khi được bế về phòng y tế, được cô cho uống hộp sữa, em tỉnh lại. Những giọt nước mắt lăn trên má em khiến chúng tôi cũng khóc theo.

Vì Chiến có hoàn cảnh đặc biệt nhất trường, nên ngoài các khoản đóng góp bắt buộc theo chính sách, nhà trường đều miễn cho em các khoản đóng góp khác. Nếu có các chương trình nào hỗ trợ cũng ưu tiên cho em. Nhờ ý thức tự học cao nên Chiến luôn đạt thành tích cao trong học tập. Hiện em được chọn vào đội dự tuyển thi giao lưu toán tuổi thơ cấp huyện sắp tới
.