23/01/2025

3 câu chuyện cần thay đổi của giáo dục

Ba bài viết nói về sự nghịch lý trong ngành giáo dục: “36 năm đi dạy, nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng!”, “Cô thi dạy giỏi, trò buồn”, “Con học lớp 5 “căng” hơn bố học thạc sĩ” đã vào nhóm những tin bài thu hút nhiều phản hồi

 

3 câu chuyện cần thay đổi của giáo dục

 
 

Ba bài viết nói về sự nghịch lý trong ngành giáo dục: “36 năm đi dạy, nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng!”, “Cô thi dạy giỏi, trò buồn”, “Con học lớp 5 “căng” hơn bố học thạc sĩ” đã vào nhóm những tin bài thu hút nhiều phản hồi trên Tuổi Trẻ Online (TTO – tuoitre.vn) trong tuần qua.

Cụ thể, ở bài viết 36 năm đi dạy, nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng!tính đến đầu giờ chiều 13-12 đã có 51 ý kiến chia sẻ, xót xa cho cái nghề cao quý được xã hội trọng vọng, nhưng chế độ phụ cấp lại quá bất công. Bạn đọc nick name Thiện Thiện viết: “Nghề giáo bắt buộc phải có tâm và có tầm”, vì việc dạy dỗ, rèn luyện cho biết bao thế hệ không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng chính sách mà Nhà nước dành cho ngành này khiến không chỉ các giáo viên mà ngay cả những người bàng quan như tôi nghe qua cũng thấy xót xa”. Bạn đọc Nguyễn Thị Hoa bức xúc: “Cách tính thâm niên của Bộ Giáo dục và đào tạo quá vô lý và bất công. Không có thì thôi, có thì phải làm cho công bằng, đừng để người vui người phải ngậm ngùi”.

Còn ở bài viết Cô thi dạy giỏi, trò buồn tuy chỉ ra một câu chuyện nhỏ ở cấp trường, nhưng theo nhiều bạn đọc, đó lại là cái gốc của vấn đề và nếu không chấn chỉnh nghịch lý này sẽ tạo nên những việc làm không trung thực cho cả xã hội. Bạn đọc Nguyễn Minh Trung viết: “Suốt những năm tôi đi học, lúc bé những tiết dự giờ luôn được chuẩn bị trước. Lớn lên một chút, những giờ làm thí nghiệm môn lý, hóa, sinh thì phải ép số liệu, hình ảnh sao cho giống trong sách… Tôi luôn mong một thầy cô nào đó tuyên dương mình vì tính trung thực, sẵn lòng cho mình làm lại thí nghiệm, nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra, ngay cả khi ở bậc đại học”. Với tư cách là người trong cuộc, một bạn đọc ký tên Người thầy kết luận: “Tôi là một giáo viên dạy môn lịch sử và giáo dục công dân ở miền núi. Chúng tôi cũng muốn dạy học sinh cái chân – thiện – mỹ nhưng áp lực thành tích không cho phép. Cơ chế giáo dục phải thay đổi, còn bây giờ nặng về thành tích quá”.

Cũng liên quan đến những nghịch lý, học để đối phó, học để có thành tích ảo, trong bài viết Con học lớp 5 “căng” hơn bố học thạc sĩ đã có rất nhiều bạn đọc góp ý những bất cập trong chương trình phổ thông hiện nay. Bạn đọc nickname Lah viết: “Chương trình phổ thông của chúng ta bây giờ rất vô lý, vì yêu cầu học sinh nhớ hết một lượng thông tin cực lớn nhưng lại không chú trọng rèn luyện khả năng tư duy. Học sinh chúng ta đang được đào tạo để làm công việc của một cái đĩa cứng máy tính thay vì được đào tạo để có thể làm công việc trí óc của con người. Trong thời buổi mà máy tính và Internet có thể lưu trữ mấy chục cái thư viện, sao lại yêu cầu học sinh học thuộc lòng?”.

Không chỉ có học sinh khổ vì chuyện học, với tư cách là giáo viên, một bạn đọc giấu tên cũng kể ra nỗi khổ của mình khi đối diện với hàng chục hồ sơ sổ sách. Bạn đọc này kể: “Bản thân tôi hiện nay có đến gần 20 loại hồ sơ. Cũng như các giáo viên khác, trường tôi ai cũng nhận thấy điều này. Thiết nghĩ giảm bớt hồ sơ cho giáo viên thì giáo viên sẽ có thời gian hơn trong việc tìm các phương pháp dạy học và nghiên cứu sâu hơn về kiến thức chuyên môn, từ đó sẽ giúp học sinh nhiều hơn. Thay vì thời gian ở nhà để làm sổ sách, giáo viên có thể học thêm các phương pháp cũng như các kiến thức chuyên môn. Và bạn có thể kèm thêm các học sinh yếu kém. Quá nhiều việc để làm gì khi học sinh học ngày càng quá tải và quên trước quên sau”.

TTO