23/01/2025

10 lỗi kỹ năng y khoa đứng đầu

Hằng năm, Viện Nghiên cứu chăm sóc cấp cứu (một tổ chức phi chính phủ) thống kê danh mục 10 mối nguy hại đứng đầu về an toàn kỹ thuật y khoa, trong đó nhiều mối nguy hiểm không phải do thiết bị mà ở người sử dụng.

10 lỗi kỹ năng y khoa đứng đầu

Hằng năm, Viện Nghiên cứu chăm sóc cấp cứu (một tổ chức phi chính phủ) thống kê danh mục 10 mối nguy hại đứng đầu về an toàn kỹ thuật y khoa, trong đó nhiều mối nguy hiểm không phải do thiết bị mà ở người sử dụng.

Quy trình tái sử dụng các dụng cụ nội soi phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm chéo các bệnh – Ảnh: Thanh Đạm 

Dưới đây là danh sách 10 mối nguy hại này và các gợi ý giải pháp:

 

Viện Nghiên cứu chăm sóc cấp cứu (viết tắt ECRI) là một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Hoa Kỳ, Anh, Liên minh các quốc gia Ả Rập và Malaysia.

 

1. Nguy hại từ tiếng báo động: Trong khoảng ba năm có 80 bệnh nhân đã tử vong và 13 người khác bị mất chức năng vĩnh viễn do sự cố liên quan đến chuông báo động. Tiếng chuông không chỉ làm mệt mỏi mà còn có thể gây nguy hiểm nếu không hoạt động đúng lúc, không truyền âm thanh đến được các nhân viên. Nên đề ra một chương trình quản lý báo động thông minh hơn để giảm thiểu những báo động không cần thiết trong điều trị, hoặc tối ưu hóa cách thông báo và đáp ứng khi báo động.

2. Sai sót thuốc khi sử dụng bơm tiêm tự động: Một số bệnh nhân có thể rất nhạy cảm với lượng thuốc hoặc dịch truyền khi dùng bơm tiêm. Do đó, nên kết nối với những hệ thống vi tính để giúp xác thực đúng bệnh nhân và đúng thuốc.

3. Phơi nhiễm tia chụp cắt lớp (CT) ở bệnh nhi: CT là công cụ chẩn đoán giá trị, nhưng có thể ảnh hưởng với những bệnh nhi đặc biệt nhạy cảm. Nguy cơ sẽ được giảm bớt bằng cách sử dụng những nghiệm pháp chẩn đoán khác an toàn hơn như X-quang quy ước, cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.

4. Mất khả năng thu thập dữ liệu bệnh án điện tử: Nếu được phác thảo và tiến hành tốt, bệnh án điện tử sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về bệnh nhân để bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định điều trị phù hợp. Nhưng trình bày dữ liệu không đúng có thể gây nguy hại cho bệnh nhân. Vì vậy, cần huấn luyện nhân viên thành thạo, thành lập hệ thống báo cáo những sai sót là các bước quan trọng để giảm nguy cơ liên quan bệnh án điện tử.

5. Nguy cơ tia xạ nghề nghiệp ở phòng ghép tạng: Phòng ghép tạng với những máy móc về hình ảnh tiên tiến ngày càng thông dụng và có thể phơi nhiễm nhiều tia xạ đối với nhân viên ở đó, đặc biệt vì họ không được cảnh báo như những nhân viên khoa X-quang.

6. Quy trình tái sử dụng những dụng cụ nội soi và phẫu thuật không thích đáng: Khi tái sử dụng không được khử trùng đúng quy trình, sự lây chéo bệnh dễ xảy ra, đặc biệt những bệnh như viêm gan siêu vi B, C, HIV và lao.

7. Chểnh mảng việc thay đổi quản lý thiết bị và hệ thống mạng: Hệ thống mạng hoạt động không được cập nhật, nâng cấp hoặc điều chỉnh có thể tạo ra những hiệu ứng ngoài ý muốn, dẫn đến sự cố đáng tiếc.

8. Nguy cơ đối với bệnh nhi từ những kỹ thuật ở người lớn: Do vóc dáng nhỏ hơn và những thay đổi sinh lý đang diễn ra, trẻ em phải chịu đựng những tác dụng phụ khi áp dụng những kỹ thuật chăm sóc sức khỏe được định hướng cho người lớn. Cho nên, những kỹ thuật đặc thù cho bệnh nhi cần được sử dụng bất cứ khi nào có thể.

9. Biến chứng phẫu thuật bằng người máy do huấn luyện không đầy đủ: Phẫu thuật bằng người máy gia tăng ngoạn mục trong những năm gần đây. Huấn luyện và cung cấp thiết bị đầy đủ hơn có thể giúp người sử dụng làm quen với thiết bị để giảm thiểu rủi ro.

10. Bỏ quên dụng cụ và những mảnh vụn không thể lấy được: Tháng 10-2013, dữ liệu báo cáo các sự cố cho biết từ năm 2005-2012 có 772 trường hợp bỏ quên những dị vật không mong muốn, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu vẫn là êkip phẫu thuật phải xem xét kỹ bằng mắt những dụng cụ trước và sau khi dùng, tuân thủ quy trình đếm khi phẫu thuật.

Những nhà lâm sàng cần nhận thức mối hiểm nguy này rất quan trọng để đặc biệt lưu tâm, vì chỉ chính họ mới có thể làm điều gì đó giúp giảm bớt nguy cơ này. Người thầy thuốc không chỉ đơn thuần lấy dụng cụ ra khỏi hộp và sử dụng nó, mà phải sử dụng tối ưu, tránh sai sót cho người bệnh, theo ý kiến của một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết bị y tế Hoa Kỳ.

 

BS MAI VĂN BÔN (Theo Health Devices 2013)