23/12/2024

Kết cục của dân chơi

Sau những cuộc chơi mang lại các cảm giác bay bổng, thăng hoa, những tín đồ “ảo đá” phải đối diện với tình trạng hoang tưởng… và trước mắt họ nếu không phải là tù tội thì cũng là bệnh viện tâm thần.

 

Cơn lốc ma túy “đá” ở Quảng Ninh: Kết cục của dân chơi

Sau những cuộc chơi mang lại các cảm giác bay bổng, thăng hoa, những tín đồ “ảo đá” phải đối diện với tình trạng hoang tưởng… và trước mắt họ nếu không phải là tù tội thì cũng là bệnh viện tâm thần.

Cơn lốc ma túy “đá” ở Quảng Ninh: Kết cục của dân chơi

Những đệ tử của ma túy đá khi vào Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh ngày đầu đều phải chịu sự quản lý cố định tại Khoa Phục hồi chức năng để điều trị xóa hoang tưởng, ảo giác – Ảnh: Thúy Hằng

Thử một lần đã trả giá đắt

Trong căn phòng điều trị chừng 15 m2 của Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, chỉ có 2 bệnh nhân là hai thanh niên trẻ: Đỗ Văn Hưng (18 tuổi, ở Cẩm Phả) và Trịnh Hải Long (23 tuổi, ở TP.Móng Cái). Quanh khu điều trị là bức tường cao quây kín, toàn khu chỉ có một lối ra vào với cánh cửa sắt luôn khóa im ỉm.

“Sau cả chuỗi ngày ảo lảm nhảm độc thoại, khi thì lượn lờ ngoài đường, khi thì ra tay đánh người không lý do, em đã phải vào đây chữa trị” – Đỗ Văn Hưng, chàng trai có khuôn mặt sáng sủa, cho hay.

Hưng bắt đầu sa chân vào con đường “đập đá” do đua đòi theo nhóm bạn chơi cùng từ đầu năm 2011. “Chơi đi, thử một lần cho biết không sao đâu” – lần đầu nhóm bạn đã rủ rê Hưng không cưỡng lại được. Cảm giác hưng phấn đến mê mẩn, Hưng bị “cuốn” cùng nhóm bạn chơi bài cả ngày cả đêm không thấy chán. Sau cuộc chơi mang lại ảo giác ấy, Hưng ào theo những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, tối ngày cùng bạn bè ôm “bình nỏ”. Cả nhóm đua nhau tìm mọi cách có tiền để thỏa mãn những cơn mê. Ít lâu sau Hưng bắt đầu “ảo tung chảo”, có khi cả ngày ngồi một xó tối, nói chuyện lảm nhảm một mình, khi thì nghi người khác có ý đồ xấu với mình liền ra tay đánh đập. Đến lúc này gia đình mới biết, mẹ cậu ôm con khóc, năn nỉ con không xong. Gia đình đưa cậu tới bệnh viện này chữa trị. “Em thương mẹ nhưng lúc ảo thì không kiềm chế được cứ ra tay đập phá, đến khi tỉnh lại nhiều lần em đã khóc” – Hưng nói rồi ôm đầu nằm vật ra giường. “Dạo này em hay nghe thấy tiếng nói vọng trong đầu, rất đau đớn”.

Bệnh nhân mang vẻ lãng tử ở giường kế bên là Trịnh Hải Long cho hay anh đến với ma túy “đá” duy nhất một lần nhưng nó đã khiến Long bị rối loạn tâm thần và liên tục vào ra bệnh viện. Long vốn không nghề nghiệp ổn định, ở nhà lêu lổng, thỉnh thoảng mới giúp bố mẹ chở hàng hóa. Đầu tháng 9.2013, Long mua khoảng 400.000 đồng ma túy “đá” của người bạn, sau khi dùng xong thấy trong người có biểu hiện khó chịu, buồn bực chân tay, choáng váng, nói năng linh tinh, hay cáu gắt, hay đe dọa và thích dùng vũ lực với người khác. Người nhà đã phải cưỡng chế vào bệnh viện. Long thừa nhận, bản tính vốn nóng nảy, sau khi sử dụng ma túy “đá” càng dễ nổi nóng hơn. Chỉ cần ai khích bác, nhìn đểu, lườm, nói xấu hoặc nghi ngờ người khác đang nói xấu mình… là sẵn sàng lao vào đánh đấm.

Long chia sẻ, điều cậu sợ nhất là luôn cho rằng mình tỉnh táo và không bệnh tật gì, chẳng qua những người bị đánh là do họ xúc phạm mình, gây sự trước nên việc điều trị không dứt điểm. Long đã 2 lần phải vào viện vì biểu hiện tâm thần, lần 1 là tháng 9.2013 vào điều trị được nửa tháng, đến tháng 10 thì nằng nặc đòi bố mẹ cho về. Giữa tháng 11 cậu đã phải trở lại đây vì điều trị không đúng phác đồ…

Tấn công cả bác sĩ

 

 
 

Theo thống kê từ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, 10 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 200 bệnh nhân (trong đó có 40 điều trị nội trú) đến khám và điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng thuộc bệnh viện. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiếp nhận 55 bệnh nhân sử dụng ma túy “đá” thuộc TP.Hạ Long đến điều trị bắt buộc. Đây là nhóm đối tượng thường xuyên gây mất an ninh trật tự tại địa bàn thành phố.

 

 

 

Theo bác sĩ Trần Chí Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, Long tuy mới sử dụng ma túy “đá” một lần nhưng do hệ thần kinh yếu nên phát bệnh rối loạn tâm thần ngay. Riêng Hưng thì đã sử dụng ma túy “đá” từ rất lâu. Lúc mới vào Hưng còn đang trong cơn ảo giác nên suốt từ sáng đến đêm luôn miệng lảm nhảm đòi về. Sau khi điều trị một vài ngày, tiếp nhận thuốc nên mới có thể trò chuyện được. Bác sĩ Dũng cho biết thêm, nhiều bệnh nhân khi vào khoa đã bị rối loạn về ngôn ngữ, nói nhiều câu vô nghĩa, không ăn nhập với xung quanh. Có khi đứng nói chuyện hàng giờ với bờ tường, gốc cây… “Bệnh nhân gia tăng, trẻ hóa về độ tuổi (trung bình từ 25 đến 28) trong khi đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ cụ thể để điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Dũng nói.

Một nữ điều dưỡng tại khoa cho biết, các bệnh nhân lúc mới vào thường rất hung dữ, nhất là những bệnh nhân mới sử dụng ma túy “đá” bị nhiễm độc, những ngày đầu phải quản lý cố định để điều trị xóa triệu chứng hoang tưởng, ảo giác. Những bệnh nhân này thường xuyên gây áp lực để được ra ngoài. Thậm chí chửi bới, xúc phạm, đe dọa nhân viên. Không được còn đập đầu vào tường dọa. Cũng theo điều dưỡng này, chuyện bác sĩ và nhân viên bị bệnh nhân tấn công là bình thường. Hồi đầu còn có bệnh nhân do chứng hoang tưởng quá mạnh nên khoa buộc phải dùng còng số 8 còng vào giường bệnh. Thế nhưng bệnh nhân lúc điên loạn dùng hai tay nhấc bổng cả giường chạy thẳng ra cổng đòi về.

Một số người nhà bệnh nhân trong các khoa lân cận thuộc bệnh viện còn phản ánh, các đối tượng nghiện “đá” vốn phức tạp và có quan hệ phức tạp. Nhiều khi chỉ vài bệnh nhân thôi nhưng cũng làm loạn cả khoa lên. Chưa kể nhóm bạn của những bệnh nhân này còn thường xuyên kéo đến thăm, thậm chí còn mang cả ma túy “đá” vào bệnh viện. Nếu bảo vệ không cho vào chúng gây sự và trèo tường vào.

Phạm Hải Sâm