25/11/2024

Sách nhảm vào trường mầm non

Bên trong quyển sách nhiều nội dung phản cảm, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục, thậm chí sai chính tả.

 

Sách nhảm vào trường mầm non

Theo phản ảnh của bạn đọc, Tuổi Trẻ đã về phường Tân Phong (TP Biên Hòa, Đồng Nai) để tìm hiểu về sách học thêm dành cho trẻ mầm non có nội dung nhảm nhí, giá rẻ, lại được giáo viên mách nước nên nhiều phụ huynh đã tìm mua cho con.

Nhan nhản lỗi trong sách “Đánh vần mau” – Ảnh: Ngọc Hậu

“Một lần đến chơi nhà người cháu, tôi tình cờ thấy bé gái 5 tuổi, học lớp lá của một trường mẫu giáo dân lập cầm một cuốn sách nhỏ, đọc những câu ngô nghê. Tôi lại xem thì đó là cuốn “Đánh vần mau – Soạn theo lối văn vần, học vui, mau nhớ”. Mở những trang bên trong, tôi tá hỏa vì nội dung phản cảm, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục.

Những câu văn chủ ý ghép từ có vần theo yêu cầu từng bài chứ không quan tâm đến nội dung – nghệ thuật nên rất nhiều chỗ thật ngớ ngẩn, thậm chí sai chính tả. Tôi hỏi mẹ cháu: “Cuốn này lấy ở đâu ra mà cho bé học?”, mẹ cháu kể cô giáo yêu cầu phụ huynh đóng tiền rồi cô phát cho các cháu học thêm bên cạnh sách giáo khoa lớp 1” – một bạn đọc tâm sự.

Bán vô tư

Theo chỉ dẫn của phụ huynh, chúng tôi vào nhà sách TT cuối đường Nguyễn Văn Tiên (còn được gọi là đường Phi Trường), phường Tân Phong, TP Biên Hòa. Chúng tôi chỉ vừa cất tiếng hỏi mua sách “Đánh vần mau”, chủ cửa hàng sách vào trong và đưa ra quyển sách nhỏ hơn quyển tập, in thô, bìa vàng khá lòe loẹt nói gọn lỏn “6.000 đồng”.

Cũng trên đường Nguyễn Văn Tiên, vào nhà sách MT, khi chúng tôi hỏi “cuốn sách đánh vần”, chủ nhà sách hỏi lại: “Sách “Đánh vần mau” hay sách đánh vần tiếng Việt?”. Chúng tôi nói: “Mua sách đánh vần mau”, chủ nhà sách chỉ cho chúng tôi hai chồng sách “Đánh vần mau” khoảng vài chục cuốn bìa xanh và bìa đỏ.

Chúng tôi lấy quyển xanh, chủ nhà sách nói giá 7.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc: “Vì sao sách không có nhà xuất bản mà cô giáo bắt phải mua?”, chủ nhà sách tỏ vẻ thông cảm, an ủi: “Sách bây giờ loạn lên hết nên trò phải theo cô giáo”. “Chú lấy sách nhà xuất bản nào vậy?” – chúng tôi hỏi. “Chẳng ở đâu cả, nó in lậu tràn lan và bỏ ở đây để bán thôi” – chủ nhà sách không giấu giếm.

Sai tràn lan

Trong “lời nói đầu”, những người biên soạn viết hướng dẫn giáo viên cách sử dụng sách với cách dùng từ không chuẩn. Bắt đầu tác giả viết: “Chúng tôi viết ra cuốn vần này, bài vở đều theo lối văn vần. Bài học và tập đọc đều là những câu lục bát hoặc ít câu ngăn ngắn, vui vui để các em thích đọc và dễ nhớ”. Sách còn dạy: “Chúng ta nên lấy những hình vật tương tợ với chữ mà giảng cho các em nghe. Do đó các em thấy vui, có thể mau nhớ, chẳng hạn những chữ i là cái móc có chấm tròn trên đầu. O tròn như quả trứng vân… vân…”.

Cuối “lời nói đầu”, tác giả viết một lèo không chấm phẩy và sai lỗi chính tả: “Rất mong khi dùng cuốn sách này các anh chị em đồng nghiệp và quý vị phụ huynh học trò sẵn lòng chỉ bảo thêm cho những chỗ chúng tôi còn thiếu xót” (?!).

Bên trong quyển sách nhiều nội dung phản cảm, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục, thậm chí sai chính tả. Mục vần “gh” tác giả viết “ở dơ ghẻ – lở – da dẻ sù sì – ra mủ sợ ghê” (thay vì dùng xù xì); vần p thì “phở phố phá khỉ già ra phố – đá đổ cà phê – ê… ê…!”. Thậm chí sai chính tả “trời mưa thì mặc trời mưa/em ngồi rán học, kẻo thua bạn bè”. Một số chỗ đưa những từ người lớn cũng khó hiểu nổi “Con hùm. Có con hùm xám, đi về chợ num, đi qua chỗ hũm, ngã ùm què chân”; “Sen quí đến hè sen nở qua thu sen tàn sen quí như lan sen quí như lí”…

Một giáo viên dạy văn ở TP Biên Hòa khi đọc quyển sách trên bức xúc cho biết: “Tôi rất buồn cho giáo viên, nếu là người thật sự có trình độ sư phạm thì không ai lại chọn một tài liệu không đạt bất cứ chuẩn nào từ hình thức đến nội dung như thế để dạy học trò. Họ sẽ tạo những vết gì trong trí óc và tâm hồn những đứa trẻ bé bỏng, ngây thơ, trong sáng? Và tôi lại thấy thương những đứa trẻ biết bao!”.

 

 

Nghiêm cấm

Chúng tôi vào Trường mầm non HĐ, nơi phụ huynh phản ảnh cô giáo yêu cầu mua sách này cho các em. Trả lời chúng tôi, cô giáo phụ trách Lê Thị Liên cho biết: “Không hề có chuyện trường chúng tôi cho các em học theo quyển “Đánh vần mau”, có thể ai đó cạnh tranh, ganh ghét nên vu như vậy. Chúng tôi dạy theo quy định của Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa. Đối với các em lớp lá chỉ dạy toán từ số 1 đến số 10 và thêm bớt (như 10 bớt 2 còn 8…), đồng thời dạy cho các em biết 29 chữ cái”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Chu Như Ý, trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho biết ngành giáo dục nghiêm cấm, không cho dạy trước chương trình, ngay cả quyển “Dạy tiếng Việt” của Bộ GD-ĐT cũng không được đưa vào dạy ở cấp mầm non. Trước đây, ngành giáo dục mầm non đã nghe đến quyển “Đánh vần mau” nhưng đã nghiêm cấm không cho dạy. Ở lứa tuổi mầm non, chỉ có học sinh 5 tuổi mới được học nhận dạng bảng chữ cái và phát âm. Việc bạn đọc phản ảnh có trường đưa sách “Đánh vần mau” cho học sinh học là vi phạm, tùy tiện. Ngành giáo dục mầm non sẽ làm việc với Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa, tăng cường kiểm tra, nắm tình hình và hướng dẫn hiệu trưởng các trường làm đúng quy định. Nếu trường nào vi phạm dạy trước chương trình sẽ bị xử lý nghiêm.

 

NGỌC HẬU – THẢO CHI