23/01/2025

Sân bay Tân Sơn Nhất: từ 3.600ha còn… 1.500ha?

Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất trước đây lên tới 3.600ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore, nhưng nay chỉ còn 1.500ha. Nhiều nhà dân nằm sát hàng rào sân bay.

Sân bay Tân Sơn Nhất: từ 3.600ha còn… 1.500ha?

Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất trước đây lên tới 3.600ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore, nhưng nay chỉ còn 1.500ha. Nhiều nhà dân nằm sát hàng rào sân bay.

Nhà dân nằm sát tường rào sân bay Tân Sơn Nhất ở khu vực phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa 

Chủ trương giải tỏa hành lang an toàn hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã có nhưng hơn mười năm nay chưa thực hiện được, trong khi hàng ngàn nhà dân “dính sát” với hàng rào sân bay.

Nhà san sát hàng rào sân bay

Nhiều người dân ở khu vực quận Gò Vấp và quận Tân Bình, hai địa phương có khu vực dân cư tiếp giáp với hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết họ đã quá quen với tiếng máy bay đinh tai nhức óc. Khi rảnh còn giải trí bằng cách… lên lầu ngắm máy bay.

Chiều 2-12, chúng tôi đi quanh các hẻm của đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) tìm nơi tiếp cận với tường rào sân bay nhưng phần lớn đều bị nhà dân vây kín. Sau gần nửa giờ tìm kiếm, chúng tôi tìm được hai con hẻm nhỏ xíu giữa các phòng trọ dựa mình vào tường rào sân bay chạy thẳng đến bức tường này.

Ông Đinh Văn Hậu – tổ trưởng tổ 69, khu phố 10, phường 3 – cho biết phần lớn các khu vực giáp tường rào sân bay đều ở phía sau nhà của người dân, đứng ngoài đường rất khó nhìn thấy. Theo ông Hậu, ở tổ 69 có bốn căn nhà nằm hoàn toàn trong hành lang an toàn hàng rào sân bay và một nhà khác bị “dính” hành lang ở phần đuôi. Phần diện tích nhà trong phạm vi hành lang này đều không được cấp giấy chứng nhận, không được xây dựng mới.

Qua một con hẻm ngoằn ngoèo khác ở phường 10, quận Gò Vấp, tình trạng cũng tương tự. Một người dân ở hẻm 107 (khu phố 2, phường 10) chỉ vào trong nhà cho biết bức tường rào sân bay ở sau nhà của ông. Căn nhà có diện tích hơn 30m2 của ông bị quy hoạch hành lang an toàn hàng rào sân bay “cắt” hết 5m chiều sâu, hơn phân nửa diện tích nhà bị gạch chéo (không công nhận) trong giấy chủ quyền. Chủ nhà cho biết ông mua căn nhà này bằng giấy tay từ năm 1992, lúc đó chưa có hành lang an toàn hàng rào sân bay. Còn nhà bên cạnh thì lấy tường rào sân bay làm tường sau nhà. Thời gian đầu về ở, vợ chồng ông không ngủ được nhưng bây giờ đã thành quen. Riết rồi ông phân biệt được cả tiếng máy bay lên xuống, tiếng các loại máy bay khác nhau. Đứng trên tầng hai một căn nhà khác ở tổ 6, khu phố 2, phường 10 nhìn xuống mới thấy nhà của dân san sát vây kín tường rào sân bay.

Trong khi đó ở hẻm số 2 đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) có một dãy nhà gồm hơn 20 căn tựa lưng vào tường rào sân bay. Từ trên lầu cao nhìn xuống khu vực sân bay, ngay sau tường rào là một con đường nội bộ rộng 5-6m, tiếp đến là khu nhà xưởng lợp mái tôn đang sản xuất, cách đó một bãi cỏ là đường băng trong sân bay, cứ 3-5 phút lại có một chiếc máy bay cất hoặc hạ cánh.

Chưa có hành lang an toàn

Xung quanh tường rào sân bay chỉ một số ít khu vực có đường giao thông bọc phía ngoài như đầu đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), đường Tân Sơn, phần đất thuộc một dự án nhà ở sau chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) và một số khu đất thuộc các đơn vị quản lý. Phần lớn chiều dài tường rào sân bay còn lại đều kín nhà dân.

Theo Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, vào năm 2002 các cơ quan chức năng ở sân bay đề nghị UBND TP.HCM cho họ được giải tỏa nhà dân dọc hàng rào của sân bay để làm hành lang an toàn hàng rào sân bay. Lúc đó UBND TP đã chấp thuận cho các đơn vị này được giải tỏa phạm vi 5m, tính từ hàng rào sân bay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy các đơn vị có chức năng trong sân bay thực hiện. Hiện đường hành lang an toàn hàng rào sân bay đã được UBND quận cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) và đồ án quy hoạch chi tiết. “Nhà dân trong phạm vi 5m tính từ hàng rào sân bay được sửa chữa, xây lại theo hiện trạng, không được xây dựng mới, không xây cao hơn” – đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết.

Ông Ngô Hệ Chính, chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cho biết cách đây khoảng hai năm, một đơn vị chức năng phía sân bay đã thông qua UBND phường gửi thông báo đến người dân có nhà, đất ở giáp hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất nhắc nhở về việc không được xây dựng mới, sửa chữa đối với phần nhà, đất trong hành lang an toàn hàng rào sân bay. Cơ quan chức năng không giải quyết cấp giấy chủ quyền cho nhà, đất trong khu vực trên.

Hầu như không có nhà dân

Ông Hồ Duy Hùng, 67 tuổi – một trong những sĩ quan của trung đoàn không quân 917, từng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất tháng 5-1975 để cùng đồng đội tiếp quản máy bay chế độ cũ để lại, kể: “Từ trên máy bay nhìn xuống khu vực sân bay và xung quanh, tôi chỉ thấy cây cối và toàn đất trống. Ngày trước xung quanh sân bay vắng lắm, hầu như không có nhà dân. Cán bộ, bộ đội ở trong những nhà mái tôn lắp ghép dã chiến, còn dân cư rất thưa thớt”.

Còn bà Lê Thị Minh Châu (80 tuổi), một người dân sống trên đường Trường Sơn, khu vực sát sân bay Tân Sơn Nhất, nhớ lại: “So với tháng 5-1975, quang cảnh bây giờ quanh sân bay thay đổi nhiều lắm. Nhà cửa hai bên sầm uất, đông đúc. Hồi đó nhà cửa thưa thớt lắm. Rất ít nhà dân. Ở đây toàn nhà trọ cho những người đi lĩnh hàng gửi từ nước ngoài về ở, sau mới phân cho cán bộ, nhân viên làm trong sân bay. Buổi tối không có điện đóm sáng rực như bây giờ. Tầm 16g trở đi, đi qua đoạn đường này sợ lắm vì vắng hoe. Tối là thôi, không dám đi vì sợ. Bây giờ nhà cửa san sát nhau, chỗ nào cũng làm nhà hết…”.

Không còn quỹ đất phát triển sân bay

Theo ông Lương Hoài Nam – nguyên giám đốc điều hành Hãng hàng không Air Mekong, trước năm 1975 Tân Sơn Nhất là sân bay có số lượng chuyến bay mỗi ngày, mỗi năm cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất lớn hơn rất nhiều so với bây giờ. Diện tích lúc đó khoảng 36km2 (tức khoảng 3.600ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore). Nó bao gồm cả phần đất sau này cắt ra để làm đô thị thuộc các quận Tân Bình, Gò Vấp và phần đất thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Toàn bộ phần quận Tân Bình tính từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương, cũng như phần của quận Tân Bình và quận Gò Vấp từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung… vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất cũ.

Nay nhu cầu chuyến bay nội địa và quốc tế tại Tân Sơn Nhất rất cao. Chỉ tính riêng cặp đường bay TP.HCM – Hà Nội hiện tại đã nằm trong 25 cặp thành phố có nhiều chuyến bay nhất thế giới nhờ sự bùng nổ thị trường hàng không nội địa suốt từ năm 2005 đến nay. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng không còn quỹ đất để các hãng hàng không xây dựng thêm cơ sở bảo dưỡng máy bay, cơ sở phục vụ mặt đất cho số lượng máy bay đã và đang tăng nhanh của các hãng hàng không VN. Lâu nay họ đã và đang phải chuyển một số lượng lớn máy bay ra nước ngoài bảo dưỡng, tình trạng này sẽ còn gia tăng khi sắp tới họ nhận thêm nhiều máy bay.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tọa lạc trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình. Phía tây giáp đường Trường Chinh, phía tây bắc giáp đường Phạm Văn Bạch và đường Tân Sơn (quận Tân Bình), phía đông giáp đường Quang Trung (quận Gò Vấp), phía nam giáp đường Cộng Hòa/Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, tổng diện tích đất theo ranh giới là 1.500ha, tương đương diện tích các sân bay quốc tế trên thế giới.

Ông Lưu Thanh Bình, cục phó Cục Hàng không VN, cho biết về nguyên tắc UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam duy trì trật tự công cộng, bảo đảm thực hiện các quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không. Các nơi này phải áp dụng các biện pháp để tháo dỡ, phá bỏ, di chuyển, thay đổi kết cấu công trình, trang bị, thiết bị hoặc các chướng ngại vật khác ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay gây mất an toàn cho hoạt động bay; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là các sân bay bận rộn như Tân Sơn Nhất.

D.NGỌC HÀ – MAI HOA – LÊ NAM – MY LĂNG

 

 

Trổ cửa sổ, bancông nhìn thẳng vào sân bay

Ông Nguyễn Vũ Linh, phó giám đốc phụ trách không lưu Công ty Quản lý bay miền Nam, cho biết việc người dân sống sát tường rào thường xây dựng, trồng cây, ảnh hưởng nhiều đến phễu tĩnh không, gây mất an toàn cho hoạt động bay. “Mỗi khi phát hiện có cần cẩu, cây xanh… vi phạm độ tĩnh không trong khu dân cư, chúng tôi sẽ nhờ Cảng vụ hàng không miền Nam và Trung tâm An ninh hàng không sân bay đến kiểm tra, chấn chỉnh hoặc buộc tháo dỡ ngay lập tức”.

Còn bà Trần Thụy Minh, giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết trước đây các cơ quan liên quan đã đề nghị lập quy hoạch không cho phép người dân xây dựng sát tường rào sân bay để hạn chế những nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không. Theo đó, phải có một đường vành đai chạy xung quanh hàng rào bên ngoài của sân bay ít nhất 5m, nhưng chính quyền địa phương không quản lý chặt, thậm chí cứ cấp phép ào ạt cho các hộ dân xây nhà và thực tế tường rào của sân bay đã bị người dân xây áp sát. Nhiều nhà còn mở, trổ cửa sổ, lan can, bancông nhìn thẳng sang khu vực sân bay.

LÊ NAM