02/01/2025

Lối mòn của mỹ thuật

Các tác phẩm mỹ thuật – điêu khắc – nhiếp ảnh chưa thể gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động tới dư luận trong và ngoài nước trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên do.

 

Lối mòn của mỹ thuật

Các tác phẩm mỹ thuật – điêu khắc – nhiếp ảnh chưa thể gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động tới dư luận trong và ngoài nước trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên do.

 Công chúng tham dự một triển lãm ảnh nghệ thuật - Ảnh: D.Đ.M 

Công chúng tham dự một triển lãm ảnh nghệ thuật – Ảnh: D.Đ.M

 

Thiếu hụt kiến thức, chạy theo khẩu hiệu


Rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư cũng cất tiếng tranh luận về những bất cập trong ngành mỹ thuật – điêu khắc. Trong đó không ít người cho rằng do việc thiếu hụt nền tảng kiến thức mỹ thuật lẽ ra phải được trang bị ngay khi còn bé, cùng với sự làm rõ bản sắc kiến trúc đô thị đã tác động không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo kiến trúc cho đô thị.

 

 
 
Tôi biết có nhiều nhà phê bình nhiếp ảnh hiện nay chưa nắm rõ kỹ thuật nhiếp ảnh số, nói chi đến chuyện phê bình
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh 
Hoàng Thế Nhiệm

 

Họa sĩ – Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy lo ngại về hệ thống chương trình giáo dục mỹ thuật hiện nay không trang bị cho cả trẻ em lẫn người lớn, kể cả cán bộ quản lý những tầm nhìn, kiến thức, thị hiếu thẩm mỹ về nghệ thuật. Ông cũng cho rằng hệ thống các bảo tàng nghệ thuật, mỹ thuật còn vá víu, chưa mang tính chuyên nghiệp, hiện đại.

 

PGS-TS-nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên (Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) lo ngại về vấn đề bất cập của thẩm mỹ môi trường đô thị ở nước ta nói chung và tại TP.HCM nói riêng, gây ảnh hưởng không tốt đối với cảnh quan du lịch, không có sự tương đồng giữa mỹ thuật với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ông Tiên đề xuất nhiều giải pháp rất chi tiết như: rà soát lại các công trình, tác phẩm điêu khắc đã xây dựng để đánh giá thực trạng, đề xuất kinh phí bảo trì, nâng cấp; nghiên cứu kỹ không gian cảnh quan công cộng để đưa ra quy hoạch thành phố về mặt mỹ thuật cho phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ và nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của nhân dân… 

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM) đề nghị làm rõ bản sắc kiến trúc dân tộc là gì? Là hình thức kiến trúc, không gian kiến trúc hay nội dung, công năng kiến trúc, là vật thể hay phi vật thể? Bản sắc này lấy từ thời kỳ nào? Kiến trúc nào là tiêu biểu cho sự giữ gìn bản sắc? Ông Lưu nhất trí rằng kiến trúc cũng có “bản sắc địa phương”, “vùng miền” khác nhau thì mới phù hợp. Và các kiến trúc sư cần đi tìm trong cái bản sắc địa phương hoặc vùng miền đó những gì chung, phù hợp với sự phát triển tiên tiến. 

Lặp lại trong sáng tạo

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến nêu ý kiến tại Hội thảo khoa học toàn quốc văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): “Dễ thấy là các cuộc thi ảnh nhiều, dồn dập nhưng tác phẩm có giá trị lớn lại không nhiều. Đem so chất lượng các cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc qua mấy chục năm thấy không có khác biệt lớn. Các cuộc thi với giải thưởng, danh hiệu và tước hiệu, những lời khen tụng hấp dẫn, rất tiếc đang là mục tiêu sáng tác của không ít nhà nhiếp ảnh trong khi ảnh của Việt Nam vẫn bị nhiều người nhận xét là không mới, bị lặp lại vì ý tưởng và cách diễn đạt quá sáo mòn”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm, từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước nhận định: “Chúng ta hiếm những bức ảnh đỉnh cao về thiên nhiên vì thiếu người đam mê, dành trọn cuộc đời cho thể loại này. Hàng triệu người cầm máy ảnh nhưng để tìm ra bức ảnh đạt giá trị nghệ thuật, lay động lòng người ở Việt Nam hiện rất khó. Đa số lạm dụng kỹ thuật photoshop để tạo ra bức ảnh như mong muốn. Còn sáng tạo trong nhiếp ảnh thì phải gắn liền với đam mê, không thể “ăn may”. Phải trải qua quá trình làm việc dài lâu, hàng mấy mươi năm để có thừa kinh nghiệm từ đó mới may ra tạo được tác phẩm đỉnh cao. Bởi có thể đời người chỉ một hoặc hai lần chộp được khoảnh khắc ấy. Có người cả đời không thể đạt được. Đội ngũ lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện rất thiếu và yếu. Chủ yếu là tung hô, khen tặng lẫn nhau. Người phê bình nhiếp ảnh ngoài chuyện được trang bị kiến thức phải luôn cập nhật thông tin, xu hướng của thế giới. Tôi biết có nhiều nhà phê bình nhiếp ảnh hiện nay chưa nắm rõ kỹ thuật nhiếp ảnh số, nói chi đến chuyện phê bình”.

Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Hân thì có góc nhìn khác về chuyện tổ chức những chuyến dã ngoại để sáng tác. Theo ông, các hội nhiếp ảnh tại Việt Nam thường xuyên tổ chức những trại sáng tác, những chuyến dã ngoại để chụp ảnh chỉ để vui chơi, du lịch là chính chứ không thể tạo ra một tác phẩm nhiếp ảnh đích thực. “Đó chỉ mang tính phong trào, dành cho những người yêu nhiếp ảnh, chơi ảnh nghiệp dư có cơ hội và điều kiện làm quen với nhiếp ảnh chứ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không bao giờ làm thế. Tôi nghĩ không chỉ trong nhiếp ảnh mà ngay cả văn học, hội họa, âm nhạc cũng thế. Tìm đâu ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao qua những chuyến đi ấy? Tác phẩm đỉnh cao đôi khi cả đời người chỉ có một hoặc nhiều thế hệ mới xuất hiện một tác giả hay một tác phẩm để đời. Mặt khác, chúng ta có quá ít cơ hội tiếp cận những nhiếp ảnh gia bậc thầy thế giới, học hỏi, trau dồi nghề nghiệp với họ để phát triển”, Bá Hân kết luận.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Văn hiện đang công tác tại Báo Lao Động – người cũng từng đoạt vô số giải thưởng ảnh nghệ thuật, đưa quan điểm: “Đa số các giải thưởng nhiếp ảnh chúng ta đoạt được hiện nay chỉ thuộc loại nghiệp dư. Muốn có tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao thì ngoài nỗ lực cá nhân trong thời gian dài cần đội ngũ lý luận phê bình nhiếp ảnh giỏi để kích thích sáng tạo và phát hiện được người thực tài”.

 

“Một số tác phẩm điêu khắc hiện diện ở môi trường văn hóa đô thị TP.HCM là rất khiêm tốn. Ngoài một số các công trình tượng đài cũ và mới được đặt ở các vòng xoay nút giao thông, một vài công viên có tượng mang tính chất mỹ nghệ thì rất nhiều công viên, khu đô thị mới, dọc những khu sinh thái bờ sông, hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… rất cần sự hiện diện của những tác phẩm điêu khắc vừa mang tính chất trang trí vừa mang nét thẩm mỹ có tính nhân văn, văn hóa”.

PGS-TS – nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên

“Nhiều lúc trên các diễn đàn về kiến trúc, người ta sợ thủ đô Hà Nội, TP.HCM… sẽ là một Singapore, Bangkok, Hồng Kông. Và chúng ta luôn phải nhắc nhở nhau về “bản sắc dân tộc” trong kiến trúc. Nhưng cái bản sắc này lại phụ thuộc vào quy luật tự nhiên, điều kiện tự nhiên. Chúng ta nên chăng cần nghiên cứu, tìm tòi một “bản sắc vật thể” kiến trúc mới cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển của kiến trúc tiên tiến trên thế giới. Chỉ giữ lại cái “bản sắc phi vật thể” là nếp sống, là cái hồn của người Việt trong không gian chung của kiến trúc. Tìm một kiến trúc tiên tiến để làm bản sắc cho mai sau”.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu
(Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM)

 

 


Đỗ Tuấn – Ngọc Bi