Chúa nhật XXXIV TN – C: Vương quyền yêu thương
Chúa Giêsu thật sự là Vua của chúng ta và của toàn thể vũ trụ. Người mời gọi chúng ta thể hiện vương quyền này cho muôn loài thụ tạo, “vương quyền của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình” .
LỄ ĐỨC GIÊSU VUA VŨ TRỤ
Vương quyền yêu thương
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về vương quyền yêu thương của Vua Giêsu. Người thật sự là Vua của chúng ta và của toàn thể vũ trụ. Người mời gọi chúng ta thể hiện vương quyền này cho muôn loài thụ tạo.
1. Vua có quyền gì?
Muốn biết vua có quyền gì trước tiên ta cần hiểu vua là ai. Ngày xưa trong chế độ quân chủ chuyên chế, vua là người đứng đầu, lãnh đạo đất nước, có toàn quyền trên thần dân. Vua được coi là Con Trời, là thiên tử, thay trời hành đạo, nên giữ cả quyền sống chết của thần dân.
Vua nắm giữ quyền lực tối cao để định đoạt mọi sự và cả sức mạnh để bảo đảm thực hiện điều mình muốn. Vua có cả những cơ quan để bắt buộc người khác phải theo lệnh mình như quân đội, nhà tù, toà án. Vua có quyền tối cao toàn diện như thế nên ai cũng muốn làm vua!
Ngày nay chỉ còn một vài nước trên thế giới theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó các quyền của vua được hiến pháp quy định. Vua hầu như chỉ còn là người lãnh đạo tinh thần, còn việc điều hành đất nước được giao cho một cơ quan công quyền, đứng đầu là thủ tướng.
Thời trước cũng như thời nay, vua thường lên cầm quyền bằng con đường kế vị. Vì thế, ca dao Việt Nam có câu: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
Quyền tối cao của vua ngày nay lan toả vào trong nhiều lĩnh vực xã hội. Người ta muốn giữ độc quyền trong một ngành nghề nào đó để trở thành vua dầu hoả, vua thép, vua sắt, vua bóng đá, vua cờ…Để đạt được vị trí tối cao này người ta nhiều khi phải sử dụng cả bạo lực, thủ đoạn như trong lĩnh vực chính trị.
Trong lĩnh vực gia đình nhiều khi người ta cũng muốn làm vua, muốn hành động toàn quyền trên người bạn đời của mình theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi” khiến gia đình không còn bình an hạnh phúc.
Ngay trong lòng Giáo Hội, nhiều khi người tín hữu cũng nhìn những vị lãnh đạo trong vầng hào quang của Chúa đến độ biến lãnh đạo trở thành những ông vua có toàn quyền định đoạt đời sống của mình.
Vì thế, chúng ta nên tìm hiểu vua Giêsu có quyền gì để học cách sống và hành động như Người.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2 (x. Cl 1,12-20) đã giới thiệu Đức Giêsu là vua thật sự bởi vì Người là con Thiên Chúa. Trong Người, Thiên Chúa đã dựng nên muôn vật trên trời dưới đất. Nhờ Người và cho Người, Thiên Chúa đã tạo thành muôn loài để chia sẻ tình yêu vô bờ và quyền năng vô tận, chia sẻ sự thật và sự sống, hạnh phúc và vẻ đẹp tuyệt vời. Quyền lực tối cao ấy Thiên Chúa trao cho Con mình là Đức Giêsu như một người kế vị.
Hơn nữa, Đức Giêsu xứng đáng nhận vương quyền bằng chính công sức của mình. Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa vượt lên trên không gian, thời gian và vật chất, nhưng bây giờ vị Thiên Chúa ấy lại trở thành con người, mang thân xác với tất cả những yếu tố vật chất như bất cứ vật nào trong vũ trụ này. Người đã chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ tất cả và đã sống lại để chia sẻ sự sống nguyên tuyền, thánh thiện của Thiên Chúa cho muôn loài. Vì thế, Đức Giêsu là vua vũ trụ, vua thật sự của muôn loài tinh thần cũng như vật chất vì đã hoà giải muôn loài với Chúa Cha để đưa tất cả vào tham dự vương quốc của mình, vào Nước Trời: “Nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình” (Kinh tiền Tụng).
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta trích dẫn hôm nay (x. Lc 23,35-43) giới thiệu một cách hết sức cảm động về vua Giêsu. Trong khi những người cầm quyền tối cao của thời trước cũng như thời nay dựa vào sức mạnh của quân đội với gươm giáo, vũ khí, của luật pháp với thủ đoạn chính trị thì vua Giêsu chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa là Cha của mình: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (x Lc 23,46). Trong khi nhà vua mặc cẩm bào với trang sức ngọc ngà vàng bạc, cầm trong tay vương trượng quyền lực, đội triều thiên đính kim cương lấp lánh chứng tỏ sự giàu sang thì vua Giêsu trên thập giá lại hoàn toàn nghèo khó, hiền từ. Người đội mão gai nhục nhã thay cho triều thiên quý giá, với thân xác trần trụi chẳng khoác cẩm bào, với đôi tay bị đóng chặt vào Thánh giá chẳng nắm giữ vương trượng, thay vì thần dân cúi đầu tuân phục chỉ có đủ hạng người thách thức chê bai vì Người tôn trọng tự do và độc lập của họ.
Chỉ có trên thập giá vua Giêsu mới giải đáp cho ta về vương quyền của Người thuộc loại nào và thể hiện ra sao. Đó là quyền để yêu thương đến cùng (Ga 13,1), với trái tim mãi mãi mở rộng bằng ngọn giáo (x. Ga 19,34), với đôi tay giang rộng để ôm ấp và phục vụ mọi người.
Người chịu chết thay cho tất cả để dạy bài học sử dụng quyền lực không phải để áp chế người khác nhưng là để phục vụ cho công cuộc cứu độ và đem lại bình an, hạnh phúc cho muôn loài khi hoà giải tất cả với Chúa Cha. Quả thật Người là vị vua yêu thương và chỉ sử dụng quyền lực để diễn tả tình yêu.
3. Thái độ của chúng ta với vương quyền Giêsu
Giữa bao người mạt sát, chê bai, thách thức vua Giêsu, chỉ có một người trộm lành đã ý thức thân phận của mình và nhìn nhận vương quyền của Chúa Giêsu. Người này cảm nghiệm được rằng Đức Giêsu vô tội nhưng lại chết cho anh, cảm nghiệm được Thiên Chúa trong con người yếu đuối đang bị đóng đinh với Người. Anh nói với người bạn: “Mày đang chịu chung một hình phạt mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ư! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. Người này tin tưởng rằng Đức Giêsu sẽ chiến thắng cái chết, bước vào vinh quang Phục Sinh và hy vọng rằng Người sẽ ban cho mình hạnh phúc Nước Trời: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Đó là thái độ tin yêu của người trộm lành biết lắng nghe và đón nhận Đức Giêsu như vị vua yêu thương.
Mỗi người chúng ta cũng đang được mời gọi để tin tưởng vào vương quyền Giêsu, tin tưởng vào sự chiến thắng quyết định của Giêsu vượt qua đau khổ và cái chết và hy vọng vào vinh quang Phục Sinh của Người. Thay vì dùng bạo lực và thủ đoạn, chúng ta thể hiện vương quyền yêu thương ấy trong đời sống thường ngày bằng sự tha thứ, đón nhận, bằng những hành động tích cực làm việc để vương quyền của Giêsu ngày càng lan rộng, “vương quyền của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình” như Người đã diễn tả trong suốt đời sống của Người.
Chúng ta là những công dân Nước Trời, là thần dân của vua Giêsu nên khi hành động như Người trong mọi lĩnh vực đời sống, chúng ta sẽ làm cho mọi người, mọi vật cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc như Giêsu hứa với người trộm lành: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Thiên đàng trong gia đình khi người chồng, người vợ coi nhau bình đẳng để không còn cảnh “chồng chúa, vợ tôi”. Thiên đàng ngoài xã hội khi mọi người tôn trọng phẩm giá của nhau, coi nhau là anh em, con cùng một cha trên trời để càng có quyền lực, càng khiêm tốn phục vụ, nhất là đối với những ai nghèo khổ thấp hèn.
Kết luận
Hôm nay chúng ta muốn thay mặt cho biết bao con người chưa nhìn nhận vương quyền của Chúa Giêsu, thay cho muôn loài trong vũ trụ này để tôn vinh vua Giêsu. Xin vua Giêsu luôn ban sức mạnh, tình yêu, quyền năng để mỗi người chúng ta sống xứng đáng là thần dân của Người và làm chứng cho Người.