23/01/2025

Trách nhiệm chung chung

Cuối cùng thì trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận vụ thẩm mỹ viện Cát Tường là nỗi “đau đớn nhất của ngành y” và “dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm”.

Trách nhiệm chung chung

Cuối cùng thì trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận vụ thẩm mỹ viện Cát Tường là nỗi “đau đớn nhất của ngành y” và “dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm”. 

Nếu Bộ trưởng Tiến nhận trách nhiệm một cách cầu thị như vậy cách đây một tháng, khi vụ việc vừa xảy ra, chắc hẳn bà đã không phải hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận như vậy. Nhưng muộn còn hơn không, muộn còn hơn đùn đẩy và né tránh. Mới vài ngày trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khiến không ít đại biểu Quốc hội phản ứng khi đề cập đến trách nhiệm trong quy hoạch thủy điện rằng “chúng ta nói về chúng ta…”. Cũng trước Quốc hội, nói về trách nhiệm trước tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải dẫn đến thất thoát, lãng phí, nợ đọng…, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Trong báo cáo kiểm điểm của các địa phương và các bộ, các đại biểu cũng thấy rằng rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận nhưng rất chung chung, rất khó chỉ ra địa chỉ cụ thể”.

“Phải tránh các trường hợp cái được, cái tốt là của tôi; hậu quả, khuyết điểm là của chúng ta” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá nhắc nhở các thành viên Chính phủ. Còn đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị “lần sau trong báo cáo Chính phủ phải nêu rõ địa chỉ chịu trách nhiệm đối với những vấn đề bức xúc gây ra thiệt hại cho người dân”. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – khách mời của Quốc hội – sau cuộc trao đổi với Thủ tướng về chuyện thủy điện xả lũ, đã nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “Không thể để tình trạng họp xong là hết trách nhiệm”.

Trong khi đó, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho thấy bộ máy công quyền đang dư thừa. Xin được nói ngay thừa là thừa những công bộc không làm được việc, thừa những công bộc thiếu trách nhiệm.

Nhiều đại biểu Quốc hội có cùng chung câu hỏi cho Bộ trưởng Bình: thực hư tỉ lệ 30% công chức không làm được việc, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập? Bộ trưởng đáp là không có căn cứ để khẳng định tỉ lệ này, còn qua đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức hằng năm thì tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ là trên dưới 1%. So sánh giữa hai con số này, đại biểu Lê Nam nói ông tin con số Phó thủ tướng đưa ra là có căn cứ và không bình luận con số bộ trưởng công bố.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận chủ trương tinh giản biên chế được Đảng, Nhà nước đặt ra trong nhiều năm qua đã không thực hiện được. Số lượng cục, tổng cục, thứ trưởng trong các bộ, ngành cũng vượt so với quy định hiện hành. Trong năm năm qua, số lượng công chức tăng thêm trên 35.000 người, mà lại tăng ở những lĩnh vực quản lý đang có nhiều bức xúc: đất đai, môi trường, thanh tra giao thông, xây dựng, quản lý thị trường, thuế… Đại biểu Chu Sơn Hà tính nếu loại bỏ được 30% công chức dư thừa ấy thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 17.000 tỉ đồng.

Rõ ràng nếu không chấm dứt được tình trạng thừa công chức mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả cuối cùng là sẽ mất niềm tin nơi dân chúng. “Mà mất niềm tin là mất hết” – đại biểu Nguyễn Bắc Việt cảnh báo trước Quốc hội.

LÊ KIÊN