11/01/2025

Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng

Nửa thế kỷ qua, hành trình gieo chữ Việt cho người Việt trên đất Thái Lan đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Nhớ lại những tháng ngày gian nan đi học, đi dạy phải giấu giấu giếm giếm, nhiều thầy cô không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc…

 

Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng

 

Nửa thế kỷ qua, hành trình gieo chữ Việt cho người Việt trên đất Thái Lan đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Nhớ lại những tháng ngày gian nan đi học, đi dạy phải giấu giấu giếm giếm, nhiều thầy cô không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc…

 

Cô giáo Đào Thanh Tẻo (phải) và một cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Thương nhớ “tiếng nước tôi…”
Bà Đào Thanh Tẻo giờ đã ngoại ngũ tuần. Người phụ nữ thấp đậm, gương mặt tươi tắn, nói tiếng Thái sõi hơn tiếng Việt, khiến phần lớn người gặp bà lần đầu đều lầm tưởng bà là người Thái Lan. Ở lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài tại Hà Nội những ngày tháng 10-2013, bà Tẻo tự nhận là “nói tiếng Việt kém trôi chảy nhất”. Nhưng ít ai biết đó là cô giáo đặc biệt trên đất Thái. Trong câu chuyện lan man với cô giáo Tẻo, chúng tôi mới vỡ lẽ người phụ nữ này đã phải nhiều năm trời giấu thân phận mình dưới vỏ bọc của một người Thái Lan…
… Một thời gian dài, tiếng Việt gần như một thứ ngôn ngữ bị cấm trên đất nước Thái Lan. Người dạy, người học đều không dám hé ra mình có tí liên đới nào đến chữ Việt. Sách mang đến lớp phải buộc chặt vào bụng giấu dưới áo để tránh bị phát hiện bất ngờ. “Khi tôi lớn lên, vào những năm 1960-1970, khu dân cư có đông người Việt sinh sống thường bố trí những cửa ngách thông nhau giữa nhà nọ với nhà kia. Trong nhà dạy học, bên ngoài phải có người đứng cảnh giới. Chính quyền đến kiểm tra là người dạy, người học đã chạy thông sang nhà khác tự bao giờ rồi. Dù cẩn thận ngụy trang như thế nhưng không ít lần người học, người dạy tiếng Việt bị bắt quả tang vì tội dạy chữ trái phép”- bà Tẻo nhớ lại.
Sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, nhưng ngay từ lúc thơ bé bố mẹ bà đã dặn phải học tiếng Việt cho chuẩn vì “cả gia đình sẽ về quê ở Sơn Tây- VN sống”. Vậy là cô bé con thuở ấy cứ 7 giờ đến lớp tiếng Việt rồi 9 giờ lại đến trường học của người Thái. Đến khi học hết lớp 7 tiếng Việt, như nhiều người Việt khác, bà tham gia đứng lớp giảng dạy. Nhưng rồi nhiều người cho rằng học cũng chẳng để làm gì vì chả biết dùng vào dịp gì, người học dần thưa vắng.
Cuộc sống mưu sinh đưa đẩy bà Tẻo một thân một mình lên thủ đô Bangkok lập nghiệp. Một quán ăn sầm uất một tay bà gây dựng, chăm chút. “Quan hệ hai nước khi đó còn hạn chế, người VN bị kỳ thị, lộ ra nguồn gốc mình chắc chắn tôi chẳng thể làm ăn được. Tôi đóng vai một người Thái, nói tiếng Thái, ăn kiểu Thái, vui chơi như người Thái bằng cái tên đặc sệt Thái: Supac Daodecha. 20 năm sống ở Bangkok theo cách đó, tôi không dám tin có ngày mình lại được trở về công việc dạy tiếng Việt”- bà Tẻo tâm sự. Giấu mình trong hình ảnh một phụ nữ Thái Lan, nhưng tình yêu dành cho thứ tiếng mẹ đẻ vẫn nhắc cô phải “giữ vốn” mỗi ngày. “Thương nhớ tiếng Việt lắm, nhưng tôi chỉ có thể nghe những tiếng thân thương ấy vào ban đêm, một mình, qua cassette”- bà Tẻo bùi ngùi. Rồi bà nghĩ ra cách để dùng được tiếng Việt nhiều hơn: phải ghi chép gì, bà đều phiên âm tiếng Thái để được ghi lại bằng chữ Việt, chép lại những bài hát Thái bằng tiếng Việt. “Tôi có một máy nghe nhạc, lén thu âm những bài hát VN. Lúc rảnh tôi lắp headphone để nghe, để không quên tiếng Việt. Nhưng việc đó cũng chỉ lén làm thôi, không thể để người khác biết”- bà Tẻo nói.

 

Thầy Lê Quốc Vi – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Hơn 7.000 ngày ở thủ đô Bangkok không lúc nào bà Đào Thanh Tẻo thôi mơ ước được trở lại nơi mình sinh ra, nơi nhiều người Việt sinh sống để dạy chữ Việt cho đồng bào. Ngày trở về tỉnh Sakolnakhon, khi đã bước sang tuổi 53, công việc đầu tiên bà nghĩ đến là dạy chữ cho trẻ em gốc Việt. Đến giờ, hơn một năm sau ngày đứng lớp, số học sinh của bà đã lên đến cả trăm người, trẻ con có, thanh niên có, người Việt có, người Thái cũng có.
Những thầy cô đã theo dạy tiếng Việt trên đất Thái Lan nhiều năm qua đều chia sẻ nếu đứng ở thời điểm quá khứ nhìn tới, chả ai dám mơ có lúc thứ tiếng vốn bị hắt hủi mấy chục năm trước lại được công nhận là môn ngoại ngữ tự chọn và được nhiều học sinh lựa chọn. Việc dạy – học chỉ thuận lợi khi quan hệ hai nước ngày càng xích lại gần nhau trong khối ASEAN, đặc biệt từ thời điểm Thái Lan áp dụng chính sách các trường học thuộc các tỉnh biên giới giáp với nước nào thì học tiếng nước đó như một môn ngoại ngữ.
Thầy giáo Lê Quốc Vi (tên Thái Lan là Thawee Rungrotkajonkul) đồng thời là tổng thư ký Hội Người VN tại tỉnh Ubon Ratchathani nhớ như in cảm giác nghẹt thở vì lo lắng mỗi ngày cắp sách đến trường học tiếng Việt 30-40 năm trước. Nhưng từ khi Thái Lan mở rộng chính sách học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong nhà trường, nhu cầu học tiếng Việt đột ngột trở nên mạnh mẽ trong chính cộng đồng người bản địa. Giao lưu kinh tế giữa hai nước càng mạnh thì nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh càng phát triển trong các trường trung học, ĐH của Thái Lan.Tiếng Việt đã có vị thế hơn xưa nên thầy Vi, vốn chỉ là một thợ điện có thâm niên 40 năm giảng dạy tiếng Việt tại các lớp học gia đình, đã được đích thân lãnh đạo Trường đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani đến tận nhà mời làm giảng viên môn tiếng Việt.
Nhưng không phải tiếng Việt giờ đã dễ dàng đến với người Việt trên đất Thái. Trong lớp học tiếng Việt thầy Vi dạy tại Trường đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, học sinh Thái Lan luôn chiếm áp đảo so với học sinh người Việt. “Ở đa số gia đình người Việt hiện nay trẻ em đi học cả ngày ở trường, tối về lại ra sức làm bài tập, không còn khoảng trống nào để học tiếng Việt nữa. Đã qua thời tiếng Việt bị “ngăn sông cấm chợ”, nhưng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại đối mặt với thách thức mới của nhịp sống công nghiệp gấp gáp”- thầy Vi phân tích.
Con đường duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở Thái vẫn còn gập ghềnh. Nhưng những người từng giấu sách tiếng Việt sau vạt áo đi học, từng giữ tiếng Việt trong sâu thẳm tim mình vẫn tiếp tục hi vọng và nỗ lực bền bỉ…
NGỌC HÀ – VĨNH HÀ